17 tỷ đô "đổ về" thủ đô Hà Nội

71 dự án đầu tư với số vốn 17 tỷ đô la Mỹ đã khiến Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua vượt lên đứng đầu cả nước tạm tính trong 6 tháng đ
17 tỷ đô "đổ về" thủ đô Hà Nội

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, bên cạnh đánh giá cao sự nỗ lực của thành phố Hà Nội, Thủ tướng lưu ý, Hà Nội cần sớm khắc phục những hạn chế, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng có hiệu quả đất đai…

Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ đô la Mỹ). Trong đó: có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu đô la Mỹ), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Với kết quả này, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua vượt lên đứng đầu cả nước tạm tính trong 6 tháng đầu năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội tích cực trong những năm qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2018. Thể hiện qua 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng, tương đương với hơn 17 tỷ USD được thành phố trao chứng nhận đầu tư.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao. Hà Nội đang dần khẳng định mình là thành phố đáng trải nghiệm, là trung tâm du lịch mới nổi của ASEAN. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Kê khai thuế điện tử đạt 98%. Hà Nội đang hướng đến một nền hành chính phi giấy tờ.

“Và như có đồng chí đã nói, Hà Nội đã khác, sắp hết câu hay nói: “Hà Nội không vội được đâu” và sẽ thành câu “Hà Nội, không vội không xong””. Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mà “hôm nay tôi không đề cập đến thách thức chung như tăng trưởng dưới tiềm năng, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… mà tôi muốn đề cập đến những yếu tố trực diện của môi trường đầu tư để chúng ta thảo luận, tiếp tục phát triển thời gian đến”.

Theo đó, điểm yếu cần quan tâm là chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội mặc dù tăng 4 bậc so với năm trước nhưng vẫn thấp. Môi trường kinh doanh tốt nhiều khi thể hiện rất giản dị như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế phải thật dễ dàng, thuận lợi. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì nộp thuế tại Hà Nội còn phiền hà. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Hà Nội còn ở mức thấp.

Hà Nội cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với chính sách đột phá, bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, cần phóng tầm nhìn đến những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới. Theo Thủ tướng, cần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai, hài hòa, cân đối lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

“Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất. Đất đai là cần câu chứ không phải con cá. Muốn xây dựng thành phố thông minh thì cần quy mô lớn, mở rộng ra thì chúng ta phải tính sử dụng quỹ đất đai hợp lý.”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề xuất 5 định hướng phát triển cho Thủ đô. Cụ thể là: Phát triển tiềm năng và lợi thế về du lịch. Các chuỗi du lịch cộng với tiềm năng du lịch của Việt Nam thực sự là tiềm năng số một của Việt Nam; Trở thành nơi đột phá về cải cách thể chế và đổi mới sáng tạo của cả nước; Trở thành Trung tâm nghiên cứu; nơi đặt đại bản doanh cho các tập đoàn xuyên quốc gia và là một thành phố đáng sống; Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn cho một làn sóng đầu tư mới, được gọi là làn sóng đầu tư hướng Nam từ các nền kinh tế phương Bắc. Hiện nay nhiều tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang đề ra chính sách hướng Nam mới, dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc và từ một số nền kinh tế khác sang Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm