2 nữ phó giáo sư được trao giải thưởng Kovalevskaia

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2017 đã vinh danh hai cá nhân tiêu biểu: PGS.TS Bác sỹ Trần Vân Khánh và PGS.TS Đinh Thị Bích Lân. Đây là hai người phụ nữ có đóng góp lớn cho ngành khoa học.
2 nữ phó giáo sư được trao giải thưởng Kovalevskaia

PGS.TS Bác sỹ Trần Vân Khánh (bên trái) và PGS.TS Đinh Thị Bích Lân

Tới dự lễ trao giải thưởng Kovalevskaia có Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch UBGT Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội...

Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu từ năm 1985 và trở thành giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ. Từ năm 1985 đến 2016, Giải thưởng được trao cho 18 tập thể và 45 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin…

PGS.TS Trần Vân Khánh là nhà khoa học nữ có nhiều thành tích về nghiên cứu khoa học như nghiên cứu liệu pháp điều trị gen; chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền và người mang gen; chẩn đoán tiền làm tổ một số bệnh lý di truyền; bệnh học phân tử trong ung thư; hướng nghiên cứu về tế bào gốc; tổng hợp protein tái tổ hợp ứng dụng trong dược liệu.

Trong 10 năm trở lại đây, PGS Trần Vân Khánh đã chủ trì và tham gia thực hiện 29 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, công bố 170 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó 21 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.

Năm 2015, PGS Khánh cũng từng được nhận danh hiệu Nữ trí thức tiêu biểu của Hội Nữ trí thức Việt Nam và nhiều bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế,...

Còn PGS.TS Đinh Thị Bích Lân là Giảng viên cao cấp, Viện Công nghệ sinh học, trường Đại học Huế (sinh năm 1960). PGS.TS Lân đã chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và có 17 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và 29 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước.

Bà còn là tác giả của các đề tài nghiên cứu đã tạo ra được nhiều sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao như: các loại kháng nguyên tái tổ hợp của một số mầm bệnh, các loại KIT chẩn đoán nhanh (que nhúng) các bệnh truyền nhiễm; vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn; chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà dùng thay thế kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm; các tổ hợp lợn lai có tỷ lệ nạc cao, có khả năng sinh trưởng tốt.

PGS.TS Lân đã hướng dẫn chính 02 Nghiên cứu sinh, trong đó 01 Nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, 01 chuẩn bị bảo vệ. Đã hướng dẫn 21 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ, nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học và hàng trăm sinh viên của 22 khóa học hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

Các đề tài nghiên cứu của PGS.TS Bích Lân đã tạo ra được nhiều sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao như các loại kháng nguyên tái tổ hợp của 1 số mầm bệnh (ký sinh trùng gây bệnh cầu trùng ở gà, bệnh tiêu chảy cấp do Cryptosporidium parvum lây từ bò sang người, bệnh do Toxoplasma gondiilây từ mèo và lợn sang người gây sảy thai, úng não, viêm giác mạc, vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy và gây phù đầu ở lợn). Các kháng nguyên tái tổ hợp này là nguyên liệu để chế tạo KIT chẩn đoán dựa trên nguyên lý của phản ứng miễn dịch, chế tạo vắc xin phòng bệnh và chế phẩm sinh học phòng trị bệnh truyền nhiễm.

Các loại KIT chẩn đoán nhanh (que nhúng) các bệnh truyền nhiễm, (bệnh do Toxoplasma gondii, bệnh do Cryptosporidium parvum, bệnh do cầu trùng Eimeria, bệnh do E.coli gây ra).Các loại KIT này cho phép chẩn đoán nhanh, chính xác, KIT có tính đặc hiệu cao, giá thành thấp, không cần sử dụng thiết bị đắt tiền, không cần kỹ thuật viên trình độ cao và có thể chẩn đoán ngay ở bất kỳ điều kiện nào.

Vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn. Đây là vắc xin thế hệ mới, sản phẩm của công nghệ gene và công nghệ protein tái tổ hợp, có tính an toàn cao, có khả năng bảo hộ trên 85% . Kết quả thử nghiệm trên gia súc cho thấy hiệu quả rõ rệt, cho đáp ứng miễn dịch cao, bảo vệ gia súc khỏi bị bệnh, giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi…

Các kết quả nghiên cứu đã và đang được chuyển giao cho địa phương và các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm.

Có thể bạn quan tâm