3 mẹo nhỏ giúp bạn tránh bị “kiệt sức” khi làm việc ở nhà

Khi hàng triệu người đang dần chuyển đổi sang cách làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành, thì một rủi ro mới dần hình thành khiến các nhà tuyển dụng quan tâm.
3 mẹo nhỏ giúp bạn tránh bị “kiệt sức” khi làm việc ở nhà

Trong thời điểm đại dịch đang đe doạ cả thế giới, hàng triệu người đang thực hiện một sự “chuyển đổi đột ngột” trong công việc - từ cơ quan văn phòng về chính ngôi nhà của mình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà tuyển dụng băn khoăn về vấn đề duy trì năng suất của nhân viên trong thời gian này. Tuy nhiên, điều mà họ nên thực sự để tâm hơn trong tình huống chưa từng có này, là một rủi ro mang tính dài hạn hơn: “kiệt sức”. 

Nghe thì có vẻ không hợp lý, nhưng sự rủi ro này lại là đáng kể với tình hình hiện nay khi ranh giới giữa công việc và cá nhân đang dần mờ đi. Nhiều nhân viên lần đầu tiên làm việc từ xa đang phải “vất vả” để giữ vững ranh giới giữa môi trường làm việc chuyên nghiệp và cuộc sống cá nhân trong cùng một không gian thân thuộc. Để chứng tỏ sự tận tuỵ, trung thành và năng suất, trong môi trường tưởng chừng như thư thái hơn, thì nhiều người lại thấy rằng mình cần phải làm việc mọi lúc. Buổi chiều sẽ đan xen cùng buổi tối; các ngày trong tuần kết hợp cùng cuối tuần, và bỗng bạn cảm thấy có quá ít thời gian nghỉ ngơi. Và cũng chính bởi điều này, mà rất có thể, một số nhân viên sẽ được yêu cầu làm việc ở nhà nhiều hơn trong vài tháng tới. 

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc tạo ra một đường kẻ giới hạn giữa cuộc sống cá nhân và chuyên nghiệp là rất quan trọng, đặc biêt đối với sức khoẻ tinh thần của chúng ta. Nhưng việc này không phải là đơn giản, thậm chí kể cả trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất. Bởi nền kinh tế trí thức đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của việc trở thành một “nhân viên lý tường”. 

Nhiều ví dụ đã chỉ ra rằng, bản thân sếp, đồng nghiệp hay chính bạn … cũng quên mất việc phải duy trì ranh giới công việc - cá nhân. Điển hình là việc gửi email công việc sau giờ hành chính. Trong 5 nghiên cứu liên quan đến hơn 2.000 người trưởng thành, chúng tôi thấy rằng những người gửi email công việc sau giờ hành chính thường đánh giá thấp cảm giác áp lực, ép buộc của người nhận trong việc phải trả lời ngay lập tức, kể cả khi đó là những email không khẩn cấp. Và dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ một lần nữa… “khuếch đại” thêm những áp lực này. 

Đối với những người trước đây có khả năng tách biệt hoàn toàn cuộc sống cá nhân và công việc, thì hoàn cảnh hiện tại không cho phép họ làm như vậy. Nhiều trường học, nhà trẻ đóng cửa … phần nào tạo thêm một gánh nặng cho những hộ gia đình có cả cha và mẹ cùng đi làm hoặc người lao động có thu nhập thấp. 

Dựa trên nghiên cứu từ ĐH Havard và tài liệu học thuật quốc tế, dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn tránh khỏi việc bị “kiệt sức” (hay ngược lại - “trì trệ”) khi phải làm việc ở nhà:

  1. Duy trì những thói quen nhất định

Một bài báo của chuyên gia Blake Ashford thuộc ĐH bang Arizona đã mô tả những cách mà mọi người thường thấy sự chuyển đổi trở nên rõ nhất là khi: từ “mặc quần áo đi làm” thành “mặc đồ ngủ ở nhà” hay “di chuyển từ nhà đến nơi làm việc” và “làm việc tại bàn bếp”. Chỉ với 2 hành động tưởng chừng như đơn giản trên, bạn đã chuyển đổi từ “Tôi tại nơi làm việc” và “Tôi ở nhà”. 

Tất nhiên, việc có thể ngủ nướng thêm 15-30 phút khi không phải lái xe đi làm, hay mặc nguyên bộ đồ pyjama cả ngày dài đều là rất tuyệt vời, nhưng hãy cố gắng duy trì, hoặc giữ lại một phần thói quen đi làm thông thường. Một số nhân viên văn phòng đã thực hiện những biện pháp thay thế mới đầy sáng tạo và vui vẻ nhằm duy trì những thói quen như mặc một bộ đồ đơn giản, thoải mái nhưng vẫn chỉn chu khi làm việc, hay đứng dậy đi bộ một vòng quanh nhà, ra ngoài sân hít thở không khí trước và sau khi ngồi vào bàn làm việc. Đây cũng là cách giúp bạn nhận ra thời gian dành cho công việc và thời gian dành cho bản thân, gia đình. 

  1. Duy trì ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân một cách hợp lý

Việc duy trì một ranh giới (tạm thời) giữa cá nhân và công việc diễn ra trong cùng một không gian là rất quan trọng để giữ cho bản thân được vui vẻ và công việc được năng suất. Điều này là đặc biệt cần thiết đối với những người hiện đang phải tích hợp cả chăm sóc, trông nom con cái hay cha mẹ già khi đang “bù đầu” với công việc, giấy tờ. Bám theo sát một lịch trình 9-5 (giờ làm việc) cứng nhắc là không thực tế. Bạn cần tìm một “ngân sách” thời gian làm việc phù hợp với bản thân và gia đình. Những giám đốc, quản lý cấp trên cũng cần có ý thức tôn trọng điều này, bởi mỗi người có những thời điểm làm việc khác nhau khi họ phải ở nhà. Ví dụ, nữ nhân viên có con nhỏ sẽ tranh thủ khi con đang ngủ trưa, hay một số người có nhiều thành viên trong gia đình sẽ thường nấu bữa tối sớm hơn người khác … 

Hãy thẳng thắn trong việc để đối tác, đồng nghiệp, cấp trên biết rằng bạn có thể sẽ trả lời chậm hơn bình thường một chút trong những khung giờ nhất định. Điều này cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo linh hoạt hơn trong điều phối, quản lý, kiểm tra tiến độ công việc đối với nhân viên của mình. 

  1. Tập trung vào những công việc cần ưu tiên, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý

Mọi người nên để dành năng lượng của họ cho những công việc cần được ưu tiên hàng đầu. Khi làm việc tại nhà, một số thường cảm thấy họ bắt buộc phải thể hiện năng suất làm việc, và điều nay lại vô tình khiến họ chú trọng vào những việc làm ‘ngay lập tức’ thay vì những việc làm ‘quan trọng’. Đặc biệt, đối với những người phải đối mặt với lượng công việc ngày càng “cao như núi” thì hãy chú ý và ưu tiên những công việc quan trọng nhiều hơn. 

Theo một số ước tính, công nhân tri thức thường làm việc năng suất nhất trong khoảng 3 giờ đồng hồ mỗi ngày, và trong 3 tiếng này họ không nên bị phân tâm hay làm nhiều thứ cùng lúc. Và thậm chí ngay cả trước thời kỳ dịch bệnh, thì cũng rất khó để có thể hoàn toàn tập trung trong vòng 3 tiếng liên tục cho một công việc cốt lõi. Với ranh giới cá nhân và công việc đang dần mờ đi, thời gian của họ rõ ràng còn bị “phân mảnh” nhiều hơn nữa. 

Những người luôn cảm thấy mình phải “bật nguồn” liên tục là những người có nguy cơ bị “kiệt sức” khi làm việc tại nhà cao nhất, so với khi họ đến văn phòng, công ty như bình thường. Hãy “thả lỏng” hơn trong cuộc sống hàng ngày, khéo léo xen kẽ khoảng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Về lâu dài, việc tranh thủ kiểm tra email hay làm việc ngay trong bữa tối không chỉ là phản tác dụng mà còn gây bất lợi tới cuộc sống gia đình và tinh thần của bạn. 

Đây chỉ là một vài lời khuyên giúp bạn duy trì ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân và tránh để bản thân bị “kiệt sức” trong thời gian dài. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều giống nhau, vì vậy, hãy thử nghiệm một cách linh hoạt hơn để tìm ra cách thức phù hợp với bản thân và gia đình - giữ cho năng lượng cuộc sống và sức khoẻ của chúng ta được hài hoà, tích cực. 

Nguồn: Havard Business Review

Có thể bạn quan tâm