3 mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững

Để phát triển lâm nghiệp bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành lâm nghiệp phải đảm bảo 3 mục tiêu đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
3 mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững

Phát biểu tại hội nghị “Triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2016-2020); Tổng kết 4 năm thực hiện dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc (2013-2016)” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 20/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ngành lâm nghiệp phải đảm bảo 3 mục tiêu:

Đó là, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên; phát triển rừng để nâng cao độ che phủ rừng, cùng với đó nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm lâm nghiệp gắn phát triển rừng với phát triển kinh tế để nâng cao cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để hiện thực 3 mục tiêu trên, trước hết ngành lâm nghiệp cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong bảo vệ phát triển rừng. Không chỉ bảo vệ mà còn phát triển rừng bền vững, gắn với nâng cao đời sống của người dân. Hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), ban hành và thực thi các sáng kiến tài chính mới để tạo thêm nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp như dịch vụ môi trường rừng…

Cùng với đó, nâng cao chất lượng lập, quản lý, quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; rà soát đánh giá tổng thể rừng cấp quốc gia, cấp vùng, xác định rõ lâm phận rừng, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong quản lý, giám sát về thực trạng, diễn biến tài nguyên. Trong quá trình rà soát, các địa phương kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý giữa bản đồ và thực tiễn.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải gắn quy hoạch rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành. Phải xác định được sản phẩm chủ lực của cả nước, địa phương để tập trung bảo vệ, phát triển và đầu tư. Gắn tái cấu trúc với việc ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, giữa giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa với bố trí lại dân cư, từ đó nâng cao đời sống người dân

“Chúng ta phải sử dụng rừng thế nào để phục vụ con người nhưng phải phát triển bền vững. Không vì phát triển kinh tế mà phá rừng. Không chỉ trồng rừng mà còn phải nâng cao đời sống của người dân” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu, cần tạo động lực, điều kiện để huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong quản lý, bảo vệ và khai thác rừng có hiệu quả. Tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu bằng hình thức liên kết, liên doanh giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến, đảm bảo tất cả diện tích đất rừng, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi. Có cơ chế khuyến khích hình thành các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn… ở từng vùng kinh tế.

Tổng kết 4 năm thực hiện dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc (2013-2016), 60 tỉnh thành đã kiểm kê trên 7,1 triệu lô rừng, hoàn thành 100% diện tích rừng, đất lâm nghiệp toàn quốc.

Đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6,0%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8 - 8,5 tỷ USD.

Có thể bạn quan tâm