3 phương pháp giúp quản lý cấp cao cân bằng cuộc sống

3 phương pháp hiệu quả giúp những người ở vị trí cấp cao như giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp…giữ sự cân bằng cuộc sống và công việc.
3 phương pháp giúp quản lý cấp cao cân bằng cuộc sống

Không có một công cụ nào có thể giúp tất cả chúng ta thành công, cũng như không có một lối sống hay phương pháp cụ thể nào giúp tất cả nhà quản trị có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Với Jeff Bezos (người giàu nhất hành tinh theo công bố mới đây của Forbes), cân bằng là khi ông được ngủ tám giờ vào buổi tối, không tổ chức các cuộc họp vào buổi sáng… Trong khi đó, cân bằng với Elon Musk lại là ngủ chỉ sáu giờ mỗi ngày, mỗi tuần dành gần 100 giờ để làm việc và khoảng 10 giờ để… hẹn hò.

Mỗi người một thói quen, một lối sống, tuy nhiên theo các chuyên gia tâm lý, có một số phương pháp hiệu quả với hầu hết chúng ta trong việc giữ sự cân bằng, đặc biệt với những người ở vị trí cấp cao như giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp…

Quản lý sự chú ý

Các chuyên gia tâm lý cho biết, sự chú ý của chúng ta quyết định những gì chúng ta thấy, trải nghiệm và những điểm này tạo lập nên cuộc đời của chúng ta. Do đó, nếu có thể kiểm soát được sự chú ý, bạn có thể kiểm soát được cuộc sống của mình, giữ sự cân bằng cũng như tăng năng suất làm việc, giảm stress.

“Khi nhận ra sự chú ý của bạn đang bị đánh cắp, bạn phải quản lý nó ngay lập tức. Bởi suy nghĩ cũng giống như những con bướm, vô cùng mơ hồ và lan man, do đó nếu không kiểm soát nó, hạn chế việc bận tâm vào những việc không phù hợp, bạn sẽ sớm rơi vào kiệt quệ, cả về tâm trí lẫn tinh thần” – giáo sư Richard Davidson, chuyên gia tâm lý học, hiện giảng dạy tại University of Wisconsin – Madison, cho biết.

Trong cuộc khảo sát mới đây được Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association – APA) thực hiện, trên quy mô hơn 3.500 người trưởng thành, thì những người kiểm tra liên tục – tức những người thường xuyên kiểm tra email, tin nhắn, đăng nhập mạng xã hội… có mức độ căng thẳng cao hơn gần hai lần so với người thường.

Ngoài ra, họ cũng dễ bị tác động tiêu cực hơn. Cụ thể, khi xuất hiện các chuyển biến về chính trị, văn hóa trong nước, thì 42% người kiểm tra liên tục ấy sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng, mất cân bằng, trong khi đó chỉ 33% người trong nhóm còn lại bị rơi vào trạng thái căng thẳng.

Giáo sư Richard Davidson cho rằng để tạo ra sự cân bằng trong tâm lý, nhà quản trị nói riêng và đa số mọi người có thể thực hiện ba phương pháp, gồm nghỉ ngơi phù hợp, chánh niệm và chuyển trọng tâm.

Đầu tiên, là nghỉ ngơi phù hợp. Đây là một phương pháp cổ điển, truyền thống nhưng luôn hữu hiệu. Bởi việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định của chúng ta, làm suy giảm khả năng đánh giá chính xác tình huống… Do đó, nghỉ ngơi hiệu quả luôn là phương pháp tối ưu. Việc nghỉ ngơi nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là sau thời gian đó, bản thân chúng ta cảm thấy minh mẫn, khỏe khoắn.

Tiếp theo, là chánh niệm. Thực hành chánh niệm, giúp chúng ta quản lý sự chú ý của hệ thống não bộ, giúp cả cơ thể tạo được sự nhất quán, cùng nhau hoạt động theo một mục tiêu đưa ra. Các phương pháp rèn luyện chánh niệm như yoga, thiền… bên cạnh việc giúp quản lý sự tập trung, còn là chìa khóa cho khả năng hồi phục, cả về cảm xúc lẫn sự sáng tạo.

Cuối cùng, là chuyển trọng tâm, tức là thay vì xem những vấn đề, rắc rối gặp phải là của mình, thì bạn hãy xem như đó là câu chuyện của một người khác. Bằng cách trở thành người ngoài cuộc, chúng ta có thể giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi của mình. Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của người ngoài cuộc, chúng ta sẽ thấy mọi thứ đơn giản, rõ ràng và tươi sáng hơn.

Hãy có một ngày… không thể chạm vào

Du lịch, nghỉ ngơi, thư giãn… là những cách chúng ta thường sử dụng để giải tỏa cho một tuần làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, nghỉ ngơi không phải lúc nào cũng giúp chúng ta thoải mái, đôi lúc sau một vài ngày xả hơi, chúng ta còn… đánh mất động lực, sự cân bằng trong công việc.

Là một doanh nhân đồng thời là tác giả sách nổi tiếng, Neil Pasricha chia sẻ trên Harvard Business Review rằng một trong những cách nghỉ ngơi được ông và khá nhiều doanh nhân bạn bè sử dụng, đó là tạo ra những ngày không thể chạm vào (Untouchable Days).

Theo đó, Neil Pasricha có một lịch làm việc vô cùng khủng khiếp. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, viết và thực hiện các cuộc họp cho tới tận 10-12 giờ đêm, sau đó lặp lại quy trình y như thế, đều đặn.

Với hàng chục bài viết mỗi ngày, hàng nghìn bài viết từ khi ông chập chững vào nghề cho tới tận bây giờ, lịch làm việc của Neil Pasricha luôn dày kín với vô số căng thẳng, bế tắc. Để lấy lại năng lượng, động lực cũng như sự cân bằng, Neil Pasricha tạo ra cho mình những ngày không thể chạm vào được, đều đặn hằng tuần.

Cụ thể, trong ngày không thể chạm vào được, Neil Pasricha sẽ hoàn toàn cách ly bản thân ra khỏi thế giới hằng ngày của ông. Ông sẽ không liên lạc, nói chuyện, gặp gỡ bất cứ ai ông quen biết trước đó. Không sử dụng bất cứ thiết bị nào khiến ông gợi nhớ đến công việc. Không tin nhắn, điện thoại, email, cuộc gọi. Trong ngày không thể chạm vào, Neil Pasricha đơn giản là khiến ông không thể chạm vào bất cứ thứ gì. Sau ngày này, năng suất và sự cân bằng của ông được tái lập. Ông cũng phát hiện ra nhiều phương pháp, cách thức mới để giải quyết công việc.

“Cứ sáu ngày, tôi lại có một ngày không thể chạm vào. Vào ngày này, tôi hình dung mình ngồi trong một chiếc xe chống đạn hiện đại, không thấm nước và nếu có động đất hay sao Hỏa rơi thì nó cũng không bị ảnh hưởng. Trên chiếc xe ấy, không có gì vào được và cũng không có gì ra được. Các cuộc họp, tin nhắn, email lao tới nhưng bị kính chắn gió chặn lại hết. Điện thoại di động của tôi bị tịch thu, máy tính xách tay bị đập vỡ.

Tôi chỉ mở cửa xe và bước ra ngoài một giờ để ăn trưa cũng như xem có cuộc gọi khẩn cấp nào không. Và thực sự thì chẳng có trường hợp nào khẩn cấp, kể cả các cuộc gọi từ vợ của tôi” – Neil Pasricha hóm hỉnh kết luận.

Theo 

Có thể bạn quan tâm