3 trở ngại chính trong xuất khẩu nông sản Việt

Khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, thiếu thông tin thị trường, vốn ít nên đầu tư công nghệ hiện đại manh mún... Bên cạnh đó, những trở ngại từ chính sách nhà nước, từ chính sách của nước nhập khẩu...
3 trở ngại chính trong xuất khẩu nông sản Việt

Khảo sát 100 doanh nghiệp nhỏ ngành thực phẩm của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy, doanh nghiệp nhận biết còn khó khăn về các tiêu chuẩn như Viet Gap, Global Gap. Cụ thể, 98% doanh nghiệp có nghe, biết về Viet Gap và 44% doanh nghiệp có nghe, có biết về Global GAP, nhưng chỉ 11% có chứng nhận Viet Gap, 7% có Global GAP. Ngoài ra, doanh nghiệp có biết về HACCP, ISO 22000, còn các tiêu chuẩn khác ít chú ý.

3 trở ngại trong xuất khẩu nông sản

Đánh giá điểm yếu của những con số trên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng; thiếu thông tin thị trường; trình độ nhân lực hạn chế; thiếu sự hỗ trợ sản xuất; thiếu thông tin pháp lý; thiếu thông tin khoa học công nghệ...

Mặc dù Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã nâng cao giá trị sản phẩm để xuất khẩu như Vinamilk và Unifarm; tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều chướng ngại vật khó vượt qua. Bà Lan minh chứng, như Unifarm dù không có đủ lượng sản phẩm để xuất khẩu sang Nhật, Hàn nhưng không dám mở rộng sản xuất vì sợ không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào...

Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Công ty Chè Thế hệ mới cho rằng, ai cũng biết những điều lợi của xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng nhưng ít người biết có những rào cản khi xuất khẩu. Theo ông Tuân, có 3 trở ngại khiến xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam chưa bền vững.

Trước hết, là trở ngại từ chính doanh nghiệp. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp quy mô rất nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu cũng như thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại. Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ là thế hệ thứ nhất, thứ hai sau khi đất nước mở cửa gần 30 năm nên tầm chiến lược phát triển không có, tư duy ngắn hạn, chạy theo bệnh thành tích về số lượng mà chưa chú ý đến giá trị gia tăng của sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển thương hiệu.

Thứ hai, là trở ngại từ chính sách của nước nhập khẩu và các đối tác. Nếu phân phối sản phẩm trong nước khó 1 thì xuất khẩu thương hiệu ấy khó 10. Hiện nay, các nước đều có xu hướng muốn bảo hộ nền sản xuất giá trị gia tăng của nước mình. Ông Tuân dẫn chứng, 20 năm trước xuất khẩu thành phẩm sang Nga rất dễ dàng, sau này gần như không thể do chính sách thuế nhập khẩu của Nga. Bởi các nước đều ý thức được sản xuất giá trị gia tăng sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân...

Thứ ba, là trở ngại từ chính sách trong nước. Ông Tuân cho rằng, Nhà nước chưa có chính sách rõ rệt trong việc khuyến khích xuất khẩu thương hiệu quốc gia. Như thủ tục xuất khẩu rườm rà, nhập khẩu nguyên liệu mất nhiều thời gian, xuất khẩu mất nhiều chi phí, đặc biệt chi phí logictics còn cao...

Cần công nghệ mạnh tạo ra giá trị gia tăng

Để doanh nghiệp bước qua được những trở ngại này, ông Tuân kiến nghị, nên chăng Nhà nước cần có chính sách đặc biệt cho những doanh nghiệp xuất khẩu mang thương hiệu Việt. Muốn trở thành quốc gia xuất khẩu giá trị gia tăng thì Nhà nước phải có chính sách thuế phù hợp. "Ví dụ thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bằng 0 nhưng thuế nhập khẩu thành phẩm nước ngoài phải đánh cao thì mới bảo hộ được sản xuất trong nước", ông Tuân dẫn giải.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp mở hệ thống phân phối tại nước ngoài. Cũng như, đưa chính sách khuyến khích kiều bào tích cực phân phối hàng Việt. Nhà nước cần phải đầu tư xây dựng hình ảnh đất nước thông qua sản phẩm. Xây dựng hình ảnh, định vị một số ngành hàng có thế mạnh của đất nước giống như Thụy Sỹ có đồng hồ, Nhật Bản có ôtô, Nga có vũ khí... Khi đó, người tiêu dùng sẽ không mua đồng hồ của Trung Quốc kể cả khi chất lượng trên thực tế tốt hơn Thụy Sỹ.

Nhà nước cần phải có một chương trình táo bạo, mạnh mẽ đầu tư cho hướng xuất khẩu giá trị gia tăng, có nhiều chương trình xúc tiến quảng bá cho thương hiệu Made in Vietnam. Cần chú trọng đến bao bì, in ấn thiết kế để thành phẩm có thêm yếu tố xâm nhập thị trường quốc tế.

Đặc biệt, cần có một giải pháp tổng thể, như đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ... Bởi thiếu một công nghệ mạnh thì không thể có được sản phẩm giá trị gia tăng. Hơn nữa, chúng ta không thể vay mượn công nghệ, máy móc nước ngoài để sản xuất giá trị gia tăng.

Bà Lan đồng tình, chúng ta cần học đối thủ cạnh tranh. Người Thái đang xuất khẩu thành công nhất phở Việt sang Mỹ với chất lượng tốt. Gạo Thái có những điểm thua kém Việt Nam nhưng luôn thắng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Nước mắm Thái cũng lấy tên nước mắm Phú Quốc của ta để xuất khẩu, trong khi chúng ta đang "đánh nhau" ở thị trường trong nước. Yếu tố bị chấm điểm thấp nhất là năng lực công nghệ, nếu công nghệ không cải thiện được thì việc xuất khẩu sẽ càng khó khăn.

 Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm