5 tháng đầu năm: Xuất siêu đạt 3,39 tỷ USD

Thặng dư thương mại được giữ vững ở mức xuất siêu 3,39 tỷ USD sau 5 tháng, xuất khẩu (XK) tiếp tục là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế những tháng đầu năm.
5 tháng đầu năm: Xuất siêu đạt 3,39 tỷ USD

Kim ngạch XK tiếp tục tăng

Theo thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 5, kim ngạch XK hàng hóa tháng 5/2018 ước tính đạt 19,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước, tính chung 5 tháng đầu năm, ước đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15%.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đánh giá, tình hình xuất nhập khẩu cả nước trong những tháng đầu năm đang thuận lợi. Kim ngạch XK của nhiều nhóm hàng giữ vững đà tăng trưởng, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành mục tiêu chung.

Cụ thể, điện thoại và linh kiện đứng đầu trong các nhóm hàng chủ lực khi đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,8%. Dù việc Samsung tập trung XK các sản phẩm Galaxy S9, S9+ trong tháng 3 làm cho kim ngạch XK điện thoại bắt đầu có xu hướng giảm từ tháng 4 nhưng mặt hàng này vẫn có tốc độ tăng trưởng XK rất cao.

Một số mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản cũng tăng khá như: Thủy sản đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,1%; rau, quả đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,6%; gạo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 51,1%; hạt điều đạt 1,4 tỷ USD, tăng 25,3%. Bà Nguyễn Thị Mai Linh cho hay, kim ngạch XK gạo 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt đến 2,66 triệu tấn và tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới khi nhu cầu một số thị trường chủ lực như: Indonesia, Philippines, Trung Quốc… đang ở mức cao. "Đặc biệt, tỷ lệ gạo chất lượng cao như gạo trắng, gạo thơm… đã chiếm đến 80% tổng kim ngạch XK, là sự chuyển đổi đúng đắn trong sản xuất lúa gạo phù hợp theo nhu cầu thế giới. Gạo nếp cũng là mặt hàng có kim ngạch tăng cao do Trung Quốc liên tục thu mua" – bà Nguyễn Thị Mai Linh nói.

Cùng với sự tăng trưởng của XK, sau 4 tháng liên tiếp xuất siêu kể từ đầu năm, cán cân thương mại trong tháng 5 đã nhập siêu 500 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu khá cao với 3,39 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư vẫn được ghi nhận là một trong những điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2018.

Tập trung hỗ trợ XK

Song song với những điểm sáng, tình hình XK vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, do Trung Quốc tăng thu mua gạo nếp nên ở một số địa phương có tình trạng mở rộng diện tích sản xuất loại gạo này, dẫn đến việc bất lợi nếu thị trường biến động. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương thống kê chính xác cơ cấu, chủng loại gạo gieo trồng, năng suất từng vụ mùa để điều hành cung - cầu bám sát với nhu cầu thị trường, tránh bị động.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, duy trì thị trường XK ổn định; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế. Tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện hành lang pháp lý; đổi mới công tác thông tin thị trường... để phục vụ hiệu quả cho XK.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, động thái của Hoa Kỳ trong vụ việc áp thuế cho cá tra và basa; tăng cường quản lý và siết chặt nhập khẩu thương mại biên giới để nắm bắt kịp thời các diễn biến, đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy XK.

Có thể bạn quan tâm