50% cơ sở sản xuất phân bón tại TP.HCM không có giấy phép

50% cơ sở sản xuất ở Bình Chánh, TP.HCM vi phạm các quy định về sản xuất phân bón. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá tình hình này là khá nghiêm trọng.
50% cơ sở sản xuất phân bón tại TP.HCM không có giấy phép

Tỷ lệ này cũng trùng hợp với kết quả tổng hợp cả 3 đợt kiểm tra của Quản lý thị trường huyện Bình Chánh thời gian qua, khi có tới 18 trên tổng số 36 cơ sở sản xuất phân bón ở đây vi phạm.

Lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan quản lý TƯ đều đánh giá vi phạm này là nghiêm trọng và sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để lập lại trật tự trong sản xuất phân bón ở địa bàn này.

Bình Chánh chỉ là địa bàn điển hình vì tập trung nhiều cơ sở sản xuất phân bón, còn toàn bộ TP.HCM có tới hơn 400 cơ sở. Lãnh đạo UBND thành phố đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo 24 quận huyện, từ nay đến cuối năm, buộc phải dừng mọi hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện.

Trong phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) về vấn đề quản lý phân bón, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn.

"Trên thực tế, đúng là có vấn đề rất lớn về quản lý Nhà nước", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

"Thị trường phân bón của Việt Nam đang có sự tách khúc và chia đôi. Một phần là quản lý phân bón vô cơ giao cho Bộ Công Thương, một phần phân bón hữu cơ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý bao gồm khâu sản xuất, cấp phép, công bố hợp quy và quản lý kinh doanh. Với việc 2 bộ cùng quản lý trong bối cảnh phân bón đang đa dạng, có nhiều loại hình khác nhau, từ phân hợp chất đến phân vi lượng... đã dẫn đến tình trạng chồng chéo giữa 2 cơ quản lý Nhà nước. Hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước thời gian qua không được đảm bảo trên địa bàn cả nước với mặt hàng phân bản, kể cả sản xuất và nhập khẩu".

"Thứ 2 là có tình trạng tồn tại quá nhiều loại phân bón. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hơn 5000 hợp quy dành cho các loại phân bón hữu cơ. Bộ Công Thương có hơn 5700  hợp quy khác cho các phân bón vô cơ. Vì vậy, dẫn đến tình trạng loại phân bón nhiều, cơ quản lý Nhà nước không có đủ điều kiện và nguồn lực để kiểm soát chất lượng, hàm lượng, định lượng của các loại phân bón này".

Để khắc phục tình trạng gia tăng của phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ông Trần Tuấn Anh đã đưa ra một nhóm giải pháp: "Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều buổi phối hợp làm việc. Mới đây nhất, hai Bộ đã có báo cáo Chính phủ, thống nhất đề xuất Chính phủ xem xét giao trách nhiệm quản lý vấn đề phân bón và mặt hàng phân bón cho một cơ quan duy nhất. Đồng thời, hai bộ và các ngành có liên quan phải tổ thức thị trường phân bón theo hướng giới hạn lại các loại mặt hàng phân bón theo thực tế địa bàn Việt Nam".

"Thứ 3 là tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan chức năng để chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón lậu. Thứ 4 là sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, đặc biệt là quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn để thống nhất quản lý Nhà nước. Bộ Công Thương đang xây dựng và khẩn trương hoàn thiện để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua bộ 16 quy chuẩn quốc gia để thống nhất. Ngoài ra, còn nhiều việc khác cần có sự phối hợp của quản lý địa phương để không cho cơ sở nhỏ lẻ có dấu hiệu gian lận tham gia vào thị trường".

>> Miễn thuế VAT cho doanh nghiệp phân bón: Lợi bất cập hại!

Có thể bạn quan tâm