564 triệu cổ phiếu VIB sắp “đổ bộ” UPCoM ?

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) dự kiến sẽ niêm yết hơn 564,4 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2018. Song có thể lên giao dịch trên UpCoM trước. Sự thận trọng của chủ nhà băng liệu có phải đến
564 triệu cổ phiếu VIB sắp “đổ bộ” UPCoM ?

Hơn 564 triệu cổ phiếu VIB sắp lên sàn khởi đầu cho làn sóng nhà băng niêm yết

Cổ phiếu “an toàn”

Ngày 12/12, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán VIB cho Ngân hàng Quốc Tế, số lượng 564.442.500 cổ phiếu. Tổng giá trị hơn 5.644 tỷ đồng, tương ứng mức vốn điều lệ hiện tại.

Kế hoạch niêm yết trên sàn đã được ĐHCĐ thường niên năm 2016 thông qua hồi tháng 4 vừa qua. Nhưng, hiện tại VIB đã sẵn sàng niêm yết trên sàn UPCoM vào đầu năm 2017, là bước đệm để đưa cổ phiếu VIB chính giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Hiện, vẫn chưa có thông tin về mức giá dự kiến chào sàn của VIB khiến không ít nhà đầu tư tò mò.

Kết quả kinh doanh của VIB trong hai năm gần đây tăng trưởng khá tốt. Theo báo cáo tài chính, quý 3/2016 tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt gần 804 tỷ đồng, luỹ kế tổng thu nhập 9 tháng đạt 2.450 tỷ đồng (tăng 21%). Trong đó, ngân hàng ghi nhận lãi từ hoạt động ngoại hối và chứng khoán đầu tư tăng mạnh so với kỳ trước, lần lượt đạt 37 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.

Do quý 3 phải trích chi phí dự phòng đột biến tới 184 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 84 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế lợi nhuận sau thuế 9 tháng qua đạt 327 tỷ đồng, tăng 6%.

Tại thời điểm 30/9/2016, tổng tài sản VIB đạt 88.610 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tín dụng ngân hàng đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng 12%; huy động khách hàng đạt gần 60.000 tỷ đồng.

So với nhóm ngân hàng TMCP, VIB duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao về thu nhập, lợi nhuận, cổ tức và tích cực “dọn dẹp” nợ xấu trên sổ sách. Tính chung 10 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản VIB đã chạm mốc 93.079 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 14,46%, giảm so với mức 15,6% của cuối tháng 9. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 1,49%.

Trước đó, tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 9 giảm xuống còn 2,07% so với cuối năm ngoái, tương ứng khoảng 1.097 tỷ đồng. VIB cũng đối mặt với bài toàn phải tăng tốc độ xử lý thu hồi nợ xấu cũ, vừa kiểm soát nợ xấu mới phát sinh, để giảm thiểu ảnh hưởng của chi phí dự phòng rủi ro tới kết quả kinh doanh… Cùng với đó là đòi hỏi tăng “sức đề kháng” khi thuộc nhóm 10 nhà băng thí điểm áp chuẩn Basel II khắt khe hơn.

Áp lực tăng vốn

Về cổ tức, VIB nằm trong nhóm nhà băng được phép chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất hệ thống, cụ thể, năm 2014, cổ tức 9% và kèm 14% cổ phiếu thưởng, năm 2015 cổ tức chia 8,5% và kèm 16,5% cổ phiếu thưởng. Hai đợt chia thưởng cổ phiếu hậu hĩnh mà VIB đã lần lượt tăng vốn điều lệ từ 4.845 tỷ đồng lên mức 5.644 tỷ đồng vào đầu tháng 11/2016.

Dự kiến, VIB tiếp tục duy trì chính sách cổ tức “kép” cho năm 2016 với tỷ lệ cổ tức VIB là 8,5% bằng tiền mặt và dự kiến chi trả thêm 16,5% cổ phiếu thưởng.

Như vậy, nếu tiếp tục chia cổ tức năm 2016 như trên thì VIB sẽ tăng vốn thêm 1.411 tỷ đồng, và tính trong 3 năm (2014-2016), nhà băng này đã và sẽ tăng vốn thêm hơn 2.210 tỷ đồng. Đây là mức tăng vốn “kỷ lục” (thêm tới 45%) đối với một nhà băng nhỏ như VIB.

Một điểm nữa, việc chia thưởng cổ phiếu của VIB sẽ giúp các nhóm cổ đông lớn hiện hữu tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu và chống nguy cơ thâu tóm từ bên ngoài. Áp lực này càng gia tăng khi VIB bị hối thúc phải niêm yết trong 1 năm tới đây.

Về cơ cấu cổ đông, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia hiện là cổ đông chiến lược, chiếm 20% vốn điều lệ của ngân hàng này. VIB đã chốt giới hạn sở hữu nước ngoài tại ngân hàng chỉ là 20,5%, do đó khi VIB lên sàn, sẽ còn rất ít cơ hội cho khối ngoại sở hữu cổ phần với số lượng chỉ còn 2,82 triệu cổ phiếu.

Cổ đông lớn thứ hai là CTCP Đầu tư & thương mại hệ thống Quốc té - Nettra với sở hữu 15% vốn điều lệ ngân hàng.

Đáng chú ý, sau khi “sang tay” bớt cổ phần để giảm sở hữu, ông Đặng Khắc Vỹ - chủ tịch VIB chỉ còn nắm 4,99% cổ phần. Nhưng một số thành viên gia đình nội ngoại của ông Vỹ lại tăng sở hữu VIB, cụ thể, bà Lê Thị Huệ - chị dâu ông Vỹ nắm 4,98% cổ phần, ông Trần Báu – bố vợ ông Vỹ nắm 4,95%, bà Nguyễn Thị Nhất Thảo – mẹ vợ ông Vỹ nắm 4,9%.

Tổng sở hữu của ông Đặng Khắc Vỹ và thành viên gia đình lên tới 19,82% vốn điều lệ VIB. Do đó, động thái bán bớt cổ phần của nhóm cổ đông này thực chất chỉ là chuyển từ “tay phải” sang “tay trái” để né giới hạn vượt trần sở hữu. Vì theo quy định, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt 5% vốn ngân hàng, cổ đông và người liên quan không sở hữu vượt 20% vốn.

Ngoài ra, cổ đông Đỗ Xuân Hoàng sở hữu 4,99% cổ phần, bà Đinh Thị Thanh Ký – chị dâu của Phó chủ tịch HĐQT Đặng Văn Sơn – sở hữu 2,92% cổ phần…

Hải Hà

Có thể bạn quan tâm