60 phút trò chuyện với Giản Tư Trung

Ông Giản Tư Trung, người sáng lập, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED đồng ý hẹn gặp tôi để trò chuyện với một điều kiện: “Tôi chỉ có 60 phút vì sau đó tôi có lớp giảng
60 phút trò chuyện với Giản Tư Trung

Ông là tác giả của cuốn sách có nhiều ảnh hưởng “Đúng Việc - một góc nhìn về câu chuyện khai minh”. Chủ đề chính mà tôi “đặt hàng” trước qua điện thoại với ông là “xây dựng thương hiệu lãnh đạo DN”, nhưng với một nhà hoạt động giáo dục như ông, buổi trò chuyện không chỉ dừng ở chủ đề đó mà còn phát triển thêm nhiều khía cạnh khác vô cùng thú vị.

Ông đánh giá thế nào về việc xây dựng thương hiệu nói chung và xây dựng thương hiệu lãnh đạo DN hiện nay?

Tôi cho rằng, hiện nay ý thức xây dựng thương hiệu DN cũng như xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo DN có tốt hơn so với trước đây. Nhưng nói đã thực sự tốt thì chưa. Thương hiệu có thể là thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu cá nhân. Thương hiệu nhà lãnh đạo DN thực chất chính là thương hiệu cá nhân, thương hiệu của một con người. Chiều sâu của thương hiệu thực chất là văn hóa. Nếu không có văn hóa thì sẽ không có thương hiệu!

"Nói một cách nôm na, thương hiệu là cái “hiệu” được người ta “thương”. Nhiều người đánh đồng thương hiệu là sự nổi tiếng. Đó là suy nghĩ hết sức sai lầm. Bởi muốn nổi tiếng thì rất dễ nhưng muốn được người ta “thương” thì rất khó. Nổi tiếng phải đi kèm với danh tiếng, chứ không phải là tai tiếng.

Tôi cho rằng, tầm vóc của người lãnh đạo không chỉ được đo bằng các con số, có bao nhiêu nhân viên, doanh thu bao nhiêu, lợi nhuận mấy ngàn tỷ mà còn đo bằng những thứ khác, đó là tầm vóc văn hóa của họ.

Nhưng để có được “tầm vóc văn hóa” như ông nói, thật không đơn giản?

Đúng vậy! Như tôi đã nói, chiều sâu của thương hiệu chính là văn hóa, còn chiều sâu của văn hóa chính là lương tri, là lương thiện và hiểu biết. Ở thời buổi kim tiền lên ngôi thì nói về lương tri đôi khi bị coi là sáo rỗng. Nhưng như anh thấy, chưa bao giờ hai chữ “tử tế” lại phổ biến và được nhắc đến nhiều như hiện nay. Và khi người ta bàn nhiều tới nó thì có nghĩa là xã hội đang có vấn đề về sự tử tế.

Có người nói rằng phải giáo dục giới trẻ về sự tử tế, phải giáo dục nhân viên về sự tử tế nhưng theo tôi thì không cần cần thiết phải làm điều này. Bởi tử tế, bản thân nó là khát khao mang tính bản năng của mỗi người vì không ai lại không muốn sống tử tế cả! Nhưng tại sao cuối cùng vẫn không có tử tế. Có nhiều lý do, nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là do người ta quá ham muốn nhưng lại không có đủ khả năng để đạt được ham muốn đó theo cách tử tế nên phải dùng cách không tử tế để đạt được mục đích. Họ sẵn sàng bẻ cong sự tử tế để đạt được mục đích.

Ông đang nói đến sự tử tế và trong kinh doanh, người ta gọi đó là đạo đức kinh doanh. Gần đây xã hội cũng bàn rất nhiều đến đạo đức kinh doanh, phải chăng nó đang có vấn đề?

Tôi xin kể câu chuyện: Có lần, tôi được mời nói về chủ đề khá thú vị là “Thế hệ sống có mục đích”. Tôi hỏi vì sao lại mời tôi nói chủ đề này thì được BTC trả lời là thế hệ trẻ bây giờ sống không có mục đích, muốn tôi nói chuyện để truyền cảm hứng sống có mục đích cho các bạn trẻ.

Tôi không đồng ý lắm với quan điểm này vì tin rằng, hầu hết các bạn trẻ đều đang sống có mục đích. Vấn đề là mục đích gì, mục đích đó có đúng và có tốt hay không thôi, chứ không phải là không có mục đích. Tiền tài, danh vọng, địa vị… có thể đều là mục đích. Nhưng nếu coi những thứ đó là mục đích thì sẽ tai hại với bản thân và xã hội như thế nào? Vì vậy, điều cần làm là định hướng lại mục đích. Thực chất, cái mà nhiều người tưởng là mục đích thì chỉ nên là hệ quả mà thôi.

Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Nguyễn Công Trứ viết rằng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Tôi không thích câu này lắm. Nếu xem danh là mục đích thì khi không đạt được sẽ rất đau khổ. Nhưng ngược lại, ông bà có câu “công thành, danh toại”, có nghĩa “danh” chỉ là hệ quả, có công thì ắt có danh. Nếu như tối ngày cứ lo “danh” mà không tập trung vào “công” thì sẽ chả bao giờ có “danh” cả, còn nếu có danh thì chỉ là danh hão. Nói cách khác, bất cứ thứ gì mà mình nhận được trong cuộc đời này (tiền tài, địa vị, dnah vọng…) chỉ nên là hệ quả, còn mục đích chính là những gì mà mình có thể mang lại hay đóng góp theo đúng lương tri của mình.

Với thương hiệu cũng vậy. Nó chỉ có thể nổi tiếng, nhận được sự tin tưởng, tôn trọng khi và chỉ khi nó là một sản phẩm tốt, giá thành tốt, dịch vụ tốt. DN cứ làm ra thật nhiều sản phẩm tốt, có giá trị thì xã hội sẽ tôn vinh, ghi nhận. Cũng như một nhân viên, nếu anh làm tốt công việc của mình thì người ta sẽ tin tưởng, bổ nhiệm.

Cái gốc của vấn đề ở đây là “sống có lương tri và làm có giá trị”. Thương hiệu cũng cần phải được xây dựng từ hai cái gốc này, nghĩa là bên trong phải có lương tri, còn bên ngoài phải tạo ra giá trị cho xã hội. Nói một cách hình ảnh, thương hiệu chỉ là cái vỏ, giống như cái áo người ta mặc. Nếu thân thể bên trong loang lổ thì cái áo đó dù có giá trị đến mấy thì cũng vô nghĩa. Nhưng một con người khỏe mạnh, đẹp đẽ thì tôi tin rằng có khoác lên họ cái gì thì cũng vẫn toát lên vẻ đẹp. Nó là vẻ đẹp tự nhiên, không gượng ép và có sức lan tỏa.

"Chính vì vậy, tôi cho rằng xây dựng thương hiệu DN hay thương hiệu nhà lãnh đạo bản chất sâu xa là xây dựng văn hóa, là xây dựng những hoài bão, sứ mệnh và giá trị cốt lõi ở bên trong.

Ông nghĩ sao về việc xây dựng và giữ hình ảnh thương hiệu trong thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội?

Tôi vẫn giữ quan điểm, rằng chúng ta không nên tìm cách xây dựng thương hiệu, bởi thương hiệu chỉ là hệ quả, chứ không phải là mục đích. Còn việc giữ hình ảnh thương hiệu thì thời nào cũng khó chứ không phải chỉ khi mạng xã hội bùng nổ. Nhưng như tôi đã nói, thương hiệu là cái “hiệu” được “thương” và khi đã được “thương” thì nếu chẳng may có sai sót, người ta cũng sẽ châm chước mà bỏ qua rất nhanh. Ngược lại, nếu không được “thương” thì chỉ cần một sai sót nhỏ, cũng sẽ bị thổi bùng lên. Đó là hệ quả của một quá trình tích tụ, âm ỉ từ lâu, giống như giọt nước làm tràn ly vậy!

Giản Tư Trung là nhà hoạt động giáo dục, nổi tiếng với cuốn sách “Đúng Việc-Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”, xuất bản năm 2015. Sau hơn 1 năm ra mắt, cuốn Đúng Việc đã được độc giả đón nhận với số lượng phát hành hơn 80 ngàn bản in.
Giản Tư Trung là nhà hoạt động giáo dục, nổi tiếng với cuốn sách “Đúng Việc-Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”, xuất bản năm 2015. Sau hơn 1 năm ra mắt, cuốn Đúng Việc đã được độc giả đón nhận với số lượng phát hành hơn 80 ngàn bản in.

Trường PACE được thành lập với sứ mệnh “nâng cao doanh trí”, ông thấy mình đã đạt được những gì?

Góp phần phát triển năng lực lãnh đạo và nền tảng văn hóa của doanh nhân là cái đích mà quá trình đồng hành của PACE cùng sự học của các doanh nhân hướng đến. Và chúng tôi cùng doanh nhân hướng đến sự học để thay đổi tư tưởng và nhận thức, tư duy và tầm nhìn. Chúng tôi không tập trung vào các chiêu trò hay mẹo vặt. Nói cách khác, học viên và chúng tôi cùng hướng đến việc học “thức” hơn là học “chiêu”.

Ông đánh giá thế nào về trình độ “doanh trí” của Việt Nam hiện nay?

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, tuy doanh trí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn một khoảng cách không nhỏ so với doanh trí thế giới, nhất là doanh trí tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển.

Chúng ta đang có thời kỳ phát triển số lượng DN phải nói là rất khủng khiếp. Nhà nhà lao vào kinh doanh, người người làm kinh doanh, kinh doanh bằng tất cả sự khát khao và cả hồn nhiên của mình. Trong bối cảnh bộc phát về số lượng DN như vậy, nhưng suốt mấy chục năm nay, chúng ta chưa có sự chuẩn bị thực sự cho ngày này. Do vậy, nên nếu đa phần các DN vẫn còn vừa thiếu vừa yếu về năng lực quản trị hay tầm vóc văn hóa thì đó cũng là điều dễ hiểu.

Tuy vậy, chúng ta vẫn có những điều đáng để lạc quan, để vui. Đó là tốc độ phát triển doanh trí ở Việt Nam rất nhanh, nhanh đến mức khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Có những điều mà thế giới có khi đã mất cả trăm năm hình thành, thì ở ta, đôi khi chỉ 5-10 năm là doanh giới đã sự hiểu khá phổ biến về điều đó.

Vậy theo ông lỗ hổng lớn nhất của doanh trí của Việt Nam hiện nay là ở khía cạnh nào?   

Lỗ hổng lớn nhất của doanh nhân nói chung là khoa học lãnh đạo và tầm vóc văn hóa, trong đó lỗ hổng về tầm vóc văn hóa là cái đáng quan tâm nhất.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bản chất sâu xa của thương hiệu là câu chuyện về văn hóa. Bản chất sâu xa của văn hóa là câu chuyện về lương tri. Bản chất sâu xa của lương tri là câu chuyện về khai sáng. Muốn khai sáng thì đừng trông chờ vào người khác. Tôi hay dùng từ “tự lực khai phóng”, có nghĩa là khai minh và giải phóng bản thân mình ra khỏi sự vô minh, giáo điều, ấu trĩ… để đến với ánh sáng của chân lý, tự do và sự thật.

Chỉ khi mình được khai phóng thì mình mới có thể minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai, và khi đó thì mới có động lực để thay đổi mạnh mẽ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm