9 startup Việt tìm kiếm 3,75 triệu USD từ các nhà đầu tư

Các dự án từ chương trình Topica Founder Institute (TFI) thuyết trình trước 40 quỹ đầu tư, với mục tiêu huy động vốn hạt giống cho khởi nghiệp.
9 startup Việt tìm kiếm 3,75 triệu USD từ các nhà đầu tư

9 ý tưởng kinh doanh trên tổng số 12 startup trưởng thành từ TFI Khóa đã được chọn để trình bày dự án trước các quỹ đầu tư mạo hiểm như 500 Startup, CyberAgent, IDG, Golden Gate Venture, Leonie Hill...nhằm kêu gọi 3,75 triệu USD (khoảng 73,3 tỷ đồng) tiền đầu tư.

Các công ty khởi nghiệp thuyết trình trong tối "Founder Showcase" bao gồm Ferosh (thương mại điện tử thời trang thiết kế cao cấp), Innaway (nền tảng kết nối du lịch), iSoFH (hệ thống hồ sơ y tế điện tử), Fresh Deli (cung cấp bữa trưa tự nấu).

Những startup Unica (nền tảng giáo dục trực tuyến), Makiplace (nền tảng phân phối kỹ thuật số), BookingCare (hệ thống đặt lịch khám trực tuyến), Logivan (số hóa ngành công nghiệp vận tải đường bộ) và Hachi (dự án trồng rau sạch qua di động) cũng tham gia huy động vốn. Nhiều giải pháp công nghệ xoay quanh số hóa trong quản lý hoặc dựa trên nền kinh tế chia sẻ đến từ các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, y tế công nghệ, công nghệ thực phẩm, thương mại điện tử...

Các startup chủ yếu gọi đầu tư vòng vốn hạt giống với mục tiêu từ 100.000 USD (2,27 tỷ đồng) đến 1.000.000 USD (22,7 tỷ đồng). Số tiền này sẽ được sử dụng để các bên nâng cấp công nghệ, phát triển ứng dụng, mở rộng kinh doanh, thu hút thêm người dùng mới...Đại diện Innaway cho biết công ty mời đầu tư giai đoạn đầu là 400.000 USD (9,08 tỷ đồng), trong đó dự kiến chi gần 50% cho việc phát triển sản phẩm.

Đối với startup Ferosh, ý tưởng xây dựng nền tảng thương mại điện tử kết nối các nhà thiết kế với các khách hàng có nhu cầu đồ may mặc trên mức bình dân được hình thành từ tiềm năng lớn của thị trường nhưng thiếu hụt nhà cung cấp. Nền tảng này hiện là "sàn thời trang" của hơn 45 nhà thiết kế trong và ngoài nước, xử lý khoảng 300 đơn hàng may mặc theo ý muốn cá nhân của khách hàng mỗi ngày. Giá trị trung bình mỗi đơn đạt 60 USD. Startup ghi nhận mức doanh thu 12.000 USD mỗi tháng, có thể tăng lên 30%-50% vào mùa cao điểm.

Giải pháp kết nối người nấu ăn tại nhà với các nhân viên văn phòng để có bữa ăn trưa "chuẩn cơm mẹ nấu" của Fresh Deli thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Theo khảo sát của Fresh Deli, khoảng 75% nhân viên văn phòng tốn trung bình 30 đến 60 phút mỗi ngày để nghĩ xem "trưa nay ăn gì". Hiện startup này cung cấp khoảng 17.000 bữa ăn trưa cho hơn 3.600 người dùng trên hệ thống. Tỷ lệ người dùng quay lại đạt 40%.

Tuy vậy, startup này chưa trả lời được thỏa đáng sẽ kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào như thế nào để đảm bảo đồ ăn ngon sạch cũng như bị bối rối giữa một mô hình bếp tổng- tự bán đồ ăn hay hợp tác với các đầu bếp tại nhà để cung cấp sản phẩm.

Startup Unica- trường học trực tuyến, cung cấp hơn 500 khóa học online cho người dùng đang phục vụ 120.000 khách hàng trên hệ thống, đạt mức tăng trưởng 15% mỗi tháng. Ý tưởng của CEO Cao Vương cùng đội ngũ nhận được nhiều câu hỏi từ phía nhà đầu tư bởi mô hình kinh doanh này đã được chứng minh hiệu quả từ các thị trường quốc tế. Tại riêng Việt Nam, thị trường giao dục trực tuyến có giá trị 170 triệu USD cùng mức tăng 40% một năm. Theo CEO Cao Vương, startup này tốn trung bình 1 USD cho mỗi một người dùng mới.

"Việt Nam có hơn 1.200 bệnh viện, phòng khám. Nhu cầu và vấn đề ở trong nước đủ lớn để giải quyết nên hiện tại Isofh chưa có kế hoạch mở ra các thị trường nước ngoài", CEO Vân Anh của startup này khẳng định.

Công ty chuyên cung cấp và xây dựng hệ thống hồ sơ y tế điện tử cho bệnh nhân, giải quyết công việc hành chính giấy tờ bệnh án, quản lý dữ liệu đang quá tải và vẫn theo phương thức truyền thống tại nhiều bệnh viện. Startup này hiện cung cấp dịch vụ cho 3 bệnh viện công, 3 phòng khám tư nhân, đạt doanh thu gần 400.000 USD. CEO Vân Anh cho biết startup cần thêm một triệu USD để vận hành tiếp trong một năm tới, mở rộng tệp bệnh viện lên 5 và mạng lưới bác sĩ.

Đại diện TFI cho biết từ các Khóa 7 và 8, chương trình huấn luyện khởi nghiệp này đã được một quỹ đầu tư giấu tên cam kết tài trợ ít nhất cho mỗi startup tốt nghiệp số tiền 30.000 USD. Năm 2016, theo thống kế, 30% số startup gọi vốn thành công trong các vòng hạt giống và series A tại Việt Nam là học viên TFI. Qua 6 năm hoạt động, chương trình tổ chức tốt nghiệp cho hơn 70 startup với tổng giá trị các công ty đạt 100 triệu USD, huy động thành công số vốn 20 triệu USD.

Topica Founder Institute (TFI) là chương trình huấn luyện khởi nghiệp Đông Nam Á. Trong quá trình đào tạo, các học viên được cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ gồm xây dựng tầm nhìn và ý tưởng doanh nghiệp, phát triển sản phẩm và khách hàng, xây dựng mô hình tài chính, định vị thương hiệu và marketing, luật khởi nghiệp, cùng kỹ năng gọi vốn.

Có thể bạn quan tâm