ACB loay hoay “gỡ rối” nợ xấu

Sau thời gian khủng hoảng, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vẫn đang “đánh vật” với khối nợ xấu tồn đọng của giai đoạn trước. Nợ xấu đã giảm đáng kể nhờ bán nợ cho công ty VAMC, xử lý thu hồi, hoặc một số
ACB loay hoay “gỡ rối” nợ xấu

Với một ngân hàng có bề dầy hoạt động và ban điều hành chuyên nghiệp, ACB đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng sau biến cố lao lý của dàn lãnh đạo chủ chốt. Song từ giữa năm 2012 đến nay, kết quả kinh doanh của ACB cũng bị ảnh hưởng đáng kể, suy giảm nhiều chỉ tiêu chủ chốt về huy động vốn, cho vay, doanh thu và lợi nhuận…

“Món nợ đồng lần”

Năm 2015, hơn 3 năm sau biến cố, ACB mới lấy lại đà tăng trưởng rõ nét hơn. Cụ thể, huy động vốn năm 2015 chỉ tăng 13%, đạt 175.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 15% lên 134.000 tỷ đồng. Nhờ nỗ lực xử lý, kiểm soát quyết liệt hơn nên tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,17% xuống 1,32% dư nợ vào cuối 2015. Quỹ dự phòng tăng lên đạt 87% trên tổng quy mô nợ xấu giúp ngân hàng chủ động xử lý nợ.

Lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2015 đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014. Theo báo cáo tài chính gần nhất, hết quý I/2016, ACB đạt tăng trưởng tín dụng là 7,6%, tức đạt gần nửa chỉ tiêu tăng trưởng 18% của năm nay. Đi cùng với tăng trưởng cao, chi phí dự phòng quý I/2016 cũng tăng mạnh lên mức 436 tỷ đồng, cao hơn mức 295 tỷ đồng của quý I/2015.

Chi phí này sẽ được hoàn nhập nếu ACB xử lý thu hồi được nợ xấu. Thế nhưng, vấn đề xử lý nợ xấu tồn đọng của ACB ở các nhóm khách hàng lớn vẫn còn dở dang, khiến cổ đông lo lắng và nhiều lần hối thúc ban điều hành ACB cần có biện pháp xử lý dứt điểm. Nhất là nợ xấu liên quan đến nhóm 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch ACB, ngân hàng GP Bank và ngân hàng Xây dựng –VNCB (nay là CBBank).

Khối nợ xấu của những khách hàng này đã gây ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của ACB thời gian qua.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho biết, nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên hiện còn nợ ngân hàng khoảng 5.767 tỷ đồng, nhưng tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp này hiện đủ cân đối được nợ vay. ACB đã và đang tích cực xử lý các khoản nợ này với mục tiêu thu hồi khoảng 2.000 tỷ đồng nợ trong năm nay. Đồng thời, ACB cũng đặt ra mục tiêu thu hồi khoản phải thu hoặc ghi nhận dự phòng trong vòng 3 năm tới (2016-2018) là 1.000 tỷ đồng.

Trong quý I/2016, ACB đã thu hồi được 100 tỷ đồng và ghi nhận được 200 tỷ đồng chi phí dự phòng.

Đẩy mạnh thu hồi nợ

Những người lãnh đạo kế nhiệm ông Nguyễn Đức Kiên sẽ vẫn tiếp tục “dọn dẹp” khối nợ xấu, trích lập dự phòng và kiểm soát nợ xấu gia tăng từ nhóm 6 công ty. Ngân hàng ACB đánh giá “có khả năng thu phần lớn khoản nợ này và có thể hoàn nhập dự phòng vào kết quả kinh doanh”.

Ông chủ quyền lực Bầu Kiên ra đi, để lại khối nợ xấu dai dẳng mà ngân hàng ACB chưa xử lý xong

Ngoài các khoản nợ từ nhóm công ty của Bầu Kiên, ngân hàng ACB còn tốn nhiều thời gian, công sức để giải quyết công nợ liên quan đến GPBank và CBBank. Đây là hai ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 0 đồng để trực tiếp xử lý tái cơ cấu do hoạt động yếu kém, thua lỗ mất vốn lớn.

Trong đó, đến 31/3/2016, ACB vẫn chưa thu hồi được khoản tiền gửi liên ngân hàng tại GP Bank là 772 tỷ đồng. Đến tháng 4/2016, ngân hàng này mới hoán đổi được hơn 500 tỷ đồng lấy các tài sản khác của GP Bank. Tài sản là trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trung bình 9,2%.

Dù vậy, việc đổi nợ lấy trái phiếu doanh nghiệp thực chất chỉ là biện pháp kỹ thuật chuyển đổi con nợ từ GPBank sang doanh nghiệp, mà ACB vẫn chưa thu hồi được tiền. Với khoản phải thu từ CBBank là 400 tỷ đồng, NHNN đã đồng ý hoàn trả cho ACB trong vòng 5 năm theo phương án thanh toán định kỳ với lãi suất 2%/năm. Tức là trả khoảng 88 tỷ đồng mỗi năm, lãi suất thấp hơn lãi tiền gửi. Khi CBBank bắt đầu thanh toán khoản nợ này, ACB dự định sẽ phân loại vào nợ Nhóm 1 – nhờ đó sẽ hoàn nhập dự phòng được 176 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi dự thu (thu nhập lãi sẽ tăng 184 tỷ đồng). Hết quý 1/2016, CBBank vẫn chưa thanh toán số tiền này cho ACB.

Một giải pháp “dọn” nợ xấu nhanh chóng là ACB bán nợ cho công ty quản lý nợ và tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Theo ban điều hành ACB, trong năm 2014-2015, ngân hàng đã bán cho VAMC hơn 2.200 tỷ đồng nợ xấu.

Sang năm 2016, lãnh đạo ACB cho biết chưa có kế hoạch bán nợ cho VAMC mà sẽ tập trung tự xử lý, kiểm soát được nợ… Lãnh đạo ACB cũng chia sẻ, lợi nhuận năm qua sẽ tốt hơn nếu xử lý được các tồn đọng trong quá khứ, không gặp nhiều khó khăn do giá trị tài sản lớn, thủ tục hành chính phức tạp, sự bất hợp tác…

Mặc dù lợi nhuận đạt gần 3.000 tỷ đồng nhưng ACB phải dành tới 1.600 tỷ đồng xử lý các tồn đọng, cho nên cần phải sớm giải quyết các tồn đọng.

Hải Hà

Có thể bạn quan tâm