ACB thoái toàn bộ vốn khỏi Kem Thủy Tạ

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa đăng ký bán 300.000 cổ phiếu TTJ, tương đương 10% vốn của CTCP Thuỷ Tạ để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến bằng phương thức thoả thuận từ ngày 20/3 đến 18/
ACB thoái toàn bộ vốn khỏi Kem Thủy Tạ

Đây là toàn bộ cổ phiếu TTJ mà ACB đang nắm giữ, theo đó sau giao dịch, ACB sẽ không còn là cổ đông của Thủy Tạ. Tạm tính tại mức giá 38.600 đồng/cp của TTJ hiện nay, ACB có thể thu về 11,5 tỷ đồng nếu giao dịch thành công.

Việc thoái vốn của ACB diễn trong bối cảnh cổ phiếu TTJ đang có những phiên tăng rất mạnh. Theo đó, chỉ trong tuần vừa qua (11-15/3), cổ phiếu này đã tăng tới 40% thị giá từ 26.000 đồng/cp và tiếp tục tăng thêm 2,4% trong phiên giao dịch ngày 19/3 ghi nhận mức giá cao nhất của TTJ trong vòng một năm qua (38.600 đồng/cp)  . Tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp với bình quân 300 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. 

Toàn bộ 3 triệu cổ phiếu TTJ của Kem Thủy Tạ chào sàn Upcom vào 20/6/2017 đã tăng giá ấn tượng lên mức đỉnh 75.200 đồng/cp sau chưa đầy một tháng lên sàn. Tuy nhiên, ngay sau đó TTJ hạ nhiệt, và có lúc về vùng đáy ở mức giá 20.000 đồng/cp.

Nửa tháng trước, Thủy Tạ vừa bị cưỡng chế thu gần 1,3 tỷ đồng tiền thuế, chủ yếu là tiền thuê đất và tiền chậm nộp cũng chính thời điểm này, TTJ bắt đầu ghi nhận chuỗi tăng mạnh hiện nay.

Trong cơ cấu cổ đông của Thủy Tạ , ngoài ACB sở hữu 10% vốn, công ty còn có 2 cổ đông là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương nắm giữ 11,18% và ông Nguyễn Mạnh Hà, Thành viên HĐQT nắm giữ 10,05%. Ngoài ra, bà Nguyễn Minh Hương (em của ông Nguyễn Mạnh Hà) cũng đang nắm giữ khoảng 9,41% vốn tại kem Thủy Tạ.

Động thái thoái toàn bộ vốn của ACB khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao TTJ đang hồi phục tốt mà ngân hàng này lại “tháo chạy”? Có lẽ đến từ việc doanh nghiệp này không có nhiều chuyển biến trong kinh doanh, tâm lý “ăn mày dĩ vãng”.

Xét về tình hình kinh doanh, dù là thương hiệu kem lâu đời của Hà Nội nhưng hiện nay thị phần của Thủy Tạ đã giảm xuống dưới 5% khi có sự xuất hiện của các đối thủ như Vinamilk, Kido Foods....

Thủy Tạ sở hữu 4 nhà hàng ẩm thực đều nằm ở những vị trí đắc địa của TP Hà Nội, đầu phố Lê Thái Tổ gồm Nhà hàng café Thủy Tạ, nhà hàng Đình Làng (ẩm thực truyền thống), nhà hàng Mamarosa (ẩm thực Âu - Ý) và nhà hàng Long Vân (đồ ăn nhanh, giải khát).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2017, doanh thu thuần của TTJ chỉ đạt hơn 102 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2016, do hai mảng hoạt động chính là kem và kinh doanh nhà hàng đều giảm mạnh. Mảng kem ghi nhận hơn 47 tỷ doanh thu và 17,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 13% so với năm trước. Doanh thu mảng kinh doanh nhà hàng cũng giảm nhẹ còn gần 34 tỷ đồng. Sự sụt giảm của hai mảng hoạt động chính kéo theo lợi nhuận sau thuế còn chưa tới 6 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước.

Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2018 lần lượt đạt 120 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Nhưng đến nay, kết quả kinh doanh 2018 chưa được công bố.

 >> Hà Nội: Cưỡng chế gần 1,3 tỷ đồng tiền thuế đối với Công ty CP Thủy Tạ

Có thể bạn quan tâm