AHLĐ Ninh Thị Ty: Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Mặc dù ứng biến rất linh hoạt khi chuyển từ sản xuất lá tía tô xuất Nhật sang trồng rau sạch, từ may mặc xuất khẩu sang may khẩu nhưng Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty vẫn phải chua xót trước việc đại dịch Covid-19 đã làm DN của bà bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty CP May Chiến Thắng Ninh Thị Ty chia sẻ, khi bắt đầu nghe tin dịch Covid-19 đang hoành hành tại Vũ Hán bà đã lo sợ vì biết rằng một ngày nào đó nó sẽ lan đến Việt Nam mình. Đoán được tình thế, doanh nghiệp (DN) đã khẩn trương nhập tất cả các nguồn hàng sớm nhất có thể ngay từ lúc đấy.

“Khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “chống dịch như chống giặc”, chúng tôi hình dung toàn bộ câu chuyện này không đơn thuần chống dịch mà mình phải chuẩn bị mọi thứ như thời chiến. Ngay lúc đó tôi đã lập tức họp các cán bộ chủ chốt để truyền đến một thông điệp rằng, đây là một cuộc chiến chống giặc hẳn hoi. Phải chuẩn bị tư thế, tinh thần như những anh bộ đội, như những cô du kích ra trận chứ không thể bình thường như trước được nữa” – Bà Ty nói.

Ứng biến linh hoạt

Rồi DN đã thay đổi chiến lược như thế nào để “chống dịch như chống giặc”, thưa bà?

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều mặt hàng của chúng tôi không xuất đi các nước được, nhiều mặt hàng bị dồn ứ trong kho. Tuy nhiên chúng tôi tìm mọi cách ứng biến với thời điểm. Như lá tía tô “đếm lá ăn tiền” trước đó giờ không xuất đi Nhật được nên chúng tôi đã hái lá nấu cho công nhân ăn. Sau đó chúng tôi điều chỉnh sang trồng rau sạch xuất vào các siêu thị.

Trang trại tía tô của Tập đoàn Hồ Gươm có tổng số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng với diện tích 11,3ha, trong đó 1ha là hồ chứa nước, 8,2 ha là khu vực nhà kính còn lại là các công trình phụ trợ khác như nhà xưởng, kho…

Năm 2017, lô hàng lá tía tô đầu tiên của Tập đoàn Hồ Gươm được xuất khẩu sang Nhật Bản. Đối với người Nhật, lá tía tô là một gia vị quan trọng, được dùng như gia vị ăn kèm, giúp làm giảm bớt mùi tanh của hải sản tươi sống trong các món ăn truyền thống như sushi và sashimi. Còn với y học Nhật Bản, lá tía tô được coi là loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe.

Chị Ty đùa rằng đó là mặt hàng “đếm lá ăn tiền” vì mỗi lá được xuất ngoại với giá 700 đồng. Nếu áp dụng đúng theo quy trình sản xuất, 1 ha trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng.

Còn với 15 nhà máy may thì bà xoay xở như thế nào, thưa bà?

Với các nhà máy may, chúng tôi linh hoạt cải tiến máy móc để phù hợp với việc chuyển sang may khẩu trang hàng loạt. Chúng tôi là đơn vị đầu tiên chuyển hướng sang sản xuất mặt hàng này sau khi được Chính phủ kêu gọi sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước vì trước đó, chúng tôi đã đoán được tình thế và đã nhập sẵn nguyên liệu cho việc sản xuất này.

Hàng ngày, nguyên liệu vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản được May Chiến Thắng nhập của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân về để khẩn trương sản xuất phục vụ thị trường. Một tổ kỹ thuật cũng được phân công thường trực tại hai chuyền may khẩu trang, tạo cữ viền với mỗi máy may góp phần tăng năng suất may, điều chỉnh kịp thời khi máy có trục trặc hoặc phát hiện cần cải tiến ở công đoạn nào. Những máy may loại tốt cũng được sắp xếp vào chuyền, tạo điều kiện tốt nhất để may khẩu trang.

Do được đầu tư kỹ lưỡng, nên hai chuyền may khẩu trang của Chiến Thắng ngay ngày đầu đã cho năng suất khá, đạt mức 500 chiếc khẩu trang/công nhân/ngày. Sau một tuần, phấn đấu đạt năng suất 1.000 chiếc/công nhân/ngày. Mỗi ngày, May Chiến Thắng cung ứng ra thị trường từ 20.000-30.000 khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn. 

Chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Mặc dù đã ứng biến rất linh hoạt nhưng DN vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thưa bà?

Điều đấy là hiển nhiên rồi. Mặc dù rất khó khăn nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa cắt giảm lương của công nhân, chỉ có khối văn phòng tháng này (tháng Tư) mới bắt đầu bị ảnh hưởng. Tôi cũng đã chia sẻ với anh em cán bộ công nhân viên là sẽ cố gắng hết sức. Tuy nhiên nếu đến lúc không cố được nữa thì mọi người chuẩn bị tinh thần sẵn sàng sẻ chia cùng DN.

Nhưng có lẽ sau tháng này chúng tôi mới bị ảnh hưởng sâu bởi chúng tôi phụ thuộc rất lớn vào các đơn hàng xuất đi nước ngoài. Hiện dịch Covid-19 tại các nước châu Âu vẫn chưa thấy chiều hướng tích cực nên DN chúng tôi đang vô cùng khó khăn khi hàng chờ xuất vẫn nằm trong kho. Thực sự chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Tôi hy vọng đến mùa đông năm nay hàng của chúng tôi sẽ được xuất khẩu trở lại nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu được khống chế vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9. Nhưng hiện tại, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới doanh thu của chúng tôi không chỉ năm 2020 mà sang cả năm 2021.

Rất chia sẻ với bà. Nhưng tôi vẫn băn khoăn không biết sắp tới bà sẽ xoay xở như thế nào để lo cho một lượng lớn cán bộ công nhân viên lên đến con số gần 6.000 nhân sự trong bối cảnh này?

Thật may mắn là mặc dù gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nhưng từ cấp ban lãnh đạo đến các trưởng phó phòng… ai cũng đồng lòng chia sẻ khó khăn với DN. Thấu hiểu nỗi khó khăn của tôi nên các anh em đã tự nguyện giảm giờ làm. Lúc đầu họ tự động nghỉ làm ngày thứ Bảy, sau đó thấy đơn hàng ngày càng ít đi, anh em cố làm thêm giờ hơn một chút để nghỉ làm cả ngày thứ Sáu. Các khoản chi phí cũng dần được cắt giảm để tiết kiệm. Qua việc này tôi thấy mọi khó khăn đều có thể giải quyết được nếu mọi người trong công ty cùng đồng lòng chia sẻ với DN.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều chông gai phía trước. Do đó tôi đang tính sau đợt dịch này phải tái cơ cấu, rà soát lại tất cả các khâu để thanh lọc cơ thể của doanh nghiệp. Tôi đang nói vui với anh em đây là lúc cần “giảm cân”, cần xốc lại tất cả để sau khi hết dịch doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được phục hồi lại và phát triển hơn trước.

Xin cảm ơn bà!

Trong “làng” dệt may Việt Nam, bà Ninh Thị Ty được mệnh danh là “nữ tướng của ngành may”, là người đã có tới hai lần vực dậy các công ty may trên bờ vực phá sản.

Lần thứ nhất vào năm 1996, khi bà vừa “chân ướt chân ráo” về Tổng công ty Dệt may Việt Nam. Lúc ấy bà được phân công làm lãnh đạo Xí nghiệp May Trương Định, một đơn vị vừa được thành lập 3 năm, nhưng yếu kém, liên tục thua lỗ, nhân viên nhiều tháng không lương.

Lần thứ hai vào năm 2005, khi đang trên đà thành công trong sự nghiệp thì bà nhận được đề nghị tiếp quản Công ty May Chiến Thắng, một doanh nghiệp 43 năm tuổi, nhưng đang chịu lỗ hàng chục tỷ đồng, tồn kho lớn, kèm theo đó là nợ bảo hiểm, nợ lương, nợ hàng loạt chi phí khác. Nhân công chán nản, chia phe chia phái.

Đây là ca khó gấp bội phần so với May Trương Định. Để vực dậy doanh nghiệp, sẽ cần một cuộc “đại phẫu”, tốn nhiều tâm trí và sức lực. Lúc ấy, 100 người thì 99 người gàn bà không nên nhận. Bởi nếu nhận, bà sẽ phải dồn tâm sức cho cuộc “đại phẫu” vô cùng khó khăn, mà chưa chắc đã thành công.

Nhưng rồi, đứng trước cả hai lần “lựa chọn sinh tử” ấy, ý chí, lòng tự trọng, sự tự tin về chuyên môn đã thắng thế. Bà chấp nhận thử thách. Và cuối cùng, bà đã giải được hai bài toán vừa khó vừa khắc nghiệt này và chiến thắng một cách ngoạn mục. Thế nên với cuộc “giảm cân” do Covid-19 gây ra lần này, người viết tin chắc rằng nữ anh hùng lao động Ninh Thị Ty sẽ lại vượt qua một cách dễ dàng và nhanh chóng, sớm đưa DN đi vào sản xuất ổn định và phát triển hơn so với trước.

Có thể bạn quan tâm