Anna Fernandez: Thất bại, phần không thể tách rời với thành công

Từng làm việc cho các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực khách sạn như Hyatt, chuỗi khách sạn resorts Carlson và Shangri-la, Anna Fernandez đem đến cho người đối diện hình ảnh một quý cô dễ mến và nồ
Anna Fernandez: Thất bại, phần không thể tách rời với thành công

Gắn bó một thời gian dài với ngành khách sạn đồng thời làm việc ở nhiều quốc gia châu Á, chị có đánh giá gì về mặt tích cực và hạn chế của ngành du lịch Việt?

Tôi phải nói rằng các bạn đang có rất nhiều lợi thế. Nền du lịch của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Chưa kể, với lợi thế tình hình xã hội chính trị ở Việt Nam ổn định đã giúp Việt Nam thu hút du khách của khu vực cũng như các châu lục khác. Bạn có thể nhận thấy điều này qua số chuyến bay cũng như việc kết nối đường bay ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Thú thật tôi không thấy có bất lợi nào cho ngành du lịch Việt. Với tư cách là một người thuộc quốc gia châu Á khác sinh sống và làm việc tại đây trong vai trò DOSM của một khách sạn 5 sao, tôi chỉ nhìn thấy đây là mảnh đất của tiềm năng và cơ hội.

Còn với lĩnh vực khách sạn nhà hàng nói riêng trong bối cảnh hiện tại thì như thế nào?

Đây là lĩnh vực sẽ phát triển bền vững trong tương lai vì xu hướng dịch chuyển sẽ còn phát triển hơn nữa. Chúng ta sẽ thấy có sự xuất hiện của nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở các phân khúc tham gia cuộc chơi nhiều hơn nữa và thị trường vì thế trở nên sôi động hơn nhiều. Song tiềm năng và cơ hội có lẽ luôn đi cùng thách thức. Sự bùng nổ của nhiều khách sạn sẽ đưa đến việc khó khăn hơn trong việc giữ người tài, nhất là khi họ có nhiều lựa chọn công việc. Điều này đặc biệt đúng đối với thế hệ trẻ năng động hiện nay hay còn được biết đến là millennials. Họ phần lớn là những con người giỏi giang và khao khát thành công sớm và vì thế, họ sẽ chọn cơ hội để thăng tiến nhanh. Bạn biết đấy, đào tạo chẳng khác nào đầu tư vào con người nhưng khi họ rời đi quá sớm, thì đấy lại là một tổn thất với doanh nghiệp.

Vậy chị chọn áp dụng giải pháp nào cho vấn đề giữ chân người tài và ổn định nhân sự?

Đầu tiên tôi nghĩ mình cần trao cho họ một cơ hội đào tạo kỹ năng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Với nhân viên làm việc trong bộ phận Kinh doanh & Tiếp Thị ở Khách sạn Equatorial Tp.HCM, tôi hướng đến việc nâng cao không chỉ về kiến thức, kỹ năng mà còn ở lối tư duy. Khi nhân viên tìm đến với tôi, họ phải có sẵn phân tích cá nhân về mặt mạnh, mặt yếu của tình huống và chuẩn bị giải pháp cho nó. Họ chọn lựa và tôi sẽ là người hướng dẫn, chịu trách nhiệm và sửa sai trong trường hợp cần kíp. Đấy là cách tôi muốn họ tư duy độc lập và phát triển dựa trên chính tiềm năng bản thân. Ngoài việc tập trung vào đào tạo, tôi nghĩ chúng ta cũng cần xem xét chế độ lương thưởng phúc lợi thật sự tương xứng. Bởi vì đi làm, ai cũng muốn được công nhận thành quả và có mức thu nhập hấp dẫn.

Với chị, đâu là những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của một nữ doanh nhân?

Đứng ở góc độ người làm kinh doanh, tôi cho rằng yếu tố đầu tiên là sự tập trung và quyết đoán với mục tiêu mình đặt ra. Hãy nghĩ đến mục tiêu của bạn thật rõ ràng, bạn muốn việc kinh doanh của mình sẽ đạt kết quả như thế nào sau 1 năm và chiến lược để đạt được nó, và rồi hãy bám sát vào điều ấy. Tiếp đến, một lần nữa tôi nhấn mạnh đến yếu tố “con người” – những cộng sự sẽ đồng hành cùng bạn để đạt được mục tiêu đó. Cuối cùng, tôi tin rằng gia đình đóng góp một phần không nhỏ trong việc thành công của mỗi người phụ nữ. Là một người vợ vui vẻ cũng đồng nghĩa có một cuộc sống hạnh phúc, “Happy wife, happy life”! Khi hạnh phúc, bạn sẽ có nhiều động lực để làm việc tốt hơn. Hoặc giả đó là nguồn động lực vô hạn cho bạn phấn đấu. Đó không chỉ là cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mà đó là chất lượng cuộc sống chúng ta cần hướng đến. Khi ấy, bạn sẽ biết khi nào cần nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình và khi nào cần dấn thân nhiều hơn cho công việc.

Một bài học kinh doanh mà chị vẫn ghi nhớ đến tận hôm nay?

Luôn có thất bại trong kinh doanh! Nhưng thất bại với tôi là phần không thể tách khỏi của thành công. Chúng ở đó cho chúng ta cơ hội nhìn lại bản thân, vì sao chúng ta đã không thành công, đồng thời giúp ta trưởng thành hơn bằng cách đưa ra giải pháp nếu gặp lại tình huống tương tự. Và nhờ đó, chúng ta mạnh mẽ hơn. Bài học từ sai lầm luôn là những bài đọc hiệu quả nhất.

Trong kinh doanh, chắc hẳn đã có những tình huống chị phải vào cuộc thương thuyết với đối tác. Theo chị, sức mạnh của nữ doanh nhân trong thương thuyết có khác với nam doanh nhân không? Liệu đó có phải là lợi thế của phụ nữ?

Kết quả thương thuyết phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm. Nhưng trong kinh doanh, tôi nhận thấy nam giới thường khá rạch ròi trong việc thương thuyết. Với họ chỉ có trắng và đen, họ đề cập vấn đề thẳng thắn và rắn rỏi. Đó là điểm mạnh nhưng đôi khi cũng là hạn chế. Còn với phụ nữ, họ không chỉ có trắng và đen, đôi lúc họ có màu xám, cũng có thể màu xanh. Vì góc nhìn của phụ nữ uyển chuyển và linh hoạt hơn nên cũng gợi mở nhiều cơ hội hơn cho những vấn đề hóc búa. Có thể nói, cách tiếp cận vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau của nữ giới là một trong những điểm mạnh giúp chúng ta thắng trong các cuộc thương lượng kinh doanh.

Chị có thể chia sẻ một triết lý sông mà mình yêu thích?

“Cuộc sống là một hành trình. Khi chúng ta dừng lại, mọi việc sẽ không trôi chảy nữa.” (Life is a journey. When we stop, things don’t go right.) Đây là câu nói của đức cha Francis đã cho tôi nhiều cảm hứng trong công việc và cuộc sống. Nhờ đó, tôi luôn tìm kiếm cơ hội mới trong kinh doanh và tiềm năng phát triển. Một trích dẫn khác mà tôi khá yêu thích được viết trong cuốn Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry: “What is essential is invisible to the eyes.” Đừng đánh giá theo hình thức bên ngoài vì luôn có những điều bạn chưa biết bên dưới lớp vỏ bọc. Điều này rất đúng không chỉ trong cuộc sống mà ngay cả trong kinh doanh cũng vậy, khi bạn có được một cơ hội, bạn cũng nên nhìn sâu hơn về những điều ẩn dấu bên dưới.

Có thể bạn quan tâm