Áp dụng chuẩn khí thải Euro 4: Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

Nhiều công ty lắp ráp cũng như nhập khẩu ô tô tại Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. Tuy nhiên, vấn đề khiến doanh nghiệp (DN) lo lắng là chất lượng nhiên liệu.
Áp dụng chuẩn khí thải Euro 4: Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

Lo ngại về chất lượng nhiên liệu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo, giám sát thực hiện các DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô bảo đảm từ ngày 1/1/2018 tất cả các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Theo đó, các DN nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu diesel được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017. Ô tô đã được Bộ GTVT chứng nhận thỏa mãn quy định về khí thải thì được thực hiện các thủ tục có liên quan.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban Kế hoạch chiến lược Toyota Việt Nam cho biết, thực hiện Quyết định 49/2011 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, từ đầu 2017 tất cả các dòng xe của Toyota đều có động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để có được chất lượng khí thải đúng tiêu chuẩn Euro 4 thì vấn đề nhiên liệu là rất quan trọng.

“Nếu nhiên liệu không đáp ứng được thì chất lượng khí thải cũng sẽ chỉ hơn Euro 2 không đáng kể. Tức là không mang lại hiệu quả cao cho mục đích bảo vệ môi trường. Chưa kể, nếu sử dụng lâu dài thì có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng xe”, ông Tuấn cho biết.

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nếu sử dụng nhiên liệu không tương thích sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của động cơ, độ bền xe và khí thải, đặc biệt đối với các xe tải trọng lớn sử dụng động cơ diesel như xe buýt, xe khách, xe tải...

Liên quan đến vấn đề nhiên liệu, hiện Bộ Công Thương được giao chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu có kế hoạch cung ứng, phân phối xăng dầu mức 4 và 5 trên thị trường đáp ứng yêu cầu của các DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới ô tô. Trong quý IV/2017, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng và thương mại cần thiết để bảo đảm cung ứng dầu diesel mức 4 ra thị trường muộn nhất là ngày 1/1/2018.

Hiện việc đáp ứng nhiên liệu tự sản xuất xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 còn gặp nhiều khó khăn bởi hai nhà máy lọc dầu lớn của Việt Nam là Dung Quất và Nghi Sơn chưa đáp ứng được xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4. Còn nếu sử dụng toàn bộ xăng dầu tiêu chuẩn Euro 4 nhập khẩu thì không khỏi lo ngại giá cao, dẫn đến cước phí vận tải tăng.

Các doanh nghiệp nhập khẩu xe Trung Quốc lo lắng?

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty Carmax cho biết DN ông chuyên nhập khẩu các loại xe con, xe tải, xe khách và xe đầu kéo từ thị trường Mỹ - thị trường này đã áp dụng tiêu chuẩn Euro 5.

“Các dòng xe chúng tôi nhập khẩu áp dụng đúng tiêu chuẩn Euro 4 từ một vài năm nay rồi nên việc đáp ứng theo đúng lộ trình của Chính phủ về khí thải không phải là vấn đề gì khó với chúng tôi cả”, ông Dung nói và cho biết ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

“Việc áp dụng những tiêu chuẩn này sẽ giúp cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và các vấn đề ô nhiễm tại các thành phố lớn nói riêng. Thực tế sẽ có nhiều DN lắp rắp phản ứng vì khi thay đổi công nghệ sản xuất thì sẽ kéo theo chi phí tốn kém hơn. Tuy nhiên, không thể vì lợi ích riêng của DN nào đó mà làm ảnh hưởng đến môi trường. Các nước phát triển họ đều ở mức 5, 6 rồi”, ông Dung chia sẻ.

Cũng theo ông Dung, các DN “vướng” lộ trình này nhất đó là các DN nhập xe tải từ Trung Quốc. Hầu hết các dòng xe tải từ thị trường này đều ở mức Euro 2.

Liên quan đến vấn đề nhiên liệu, ông Dung cho biết thực tế khi nhập các dòng xe động cơ Euro 4, để đảm bảo chất lượng xe khi dùng nhiên liệu chỉ ở mức 2, công ty ông phải lắp thêm các phụ gia khác. Ông Dung hy vọng sắp tới việc cung cấp nhiên liệu theo tiêu chuẩn 4, 5 sẽ rộng rãi trên toàn quốc để thuận lợi hơn cho cả DN lẫn người tiêu dùng.

Trong khi nhiều DN thực hiện lộ trình về tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011 khá nghiêm túc dù vẫn còn băn khoăn về vấn đề nhiên liệu thì không ít DN lại cố tình làm ngơ. Như trường hợp Công ty TNHH Thương mại tài chính Hải Âu - doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 100 xe ô tô tải nhãn hiệu CHENLONG của Trung Quốc động cơ Euro 2 và 3 được ký kết từ cuối năm 2016 nhằm phục vụ khách hàng đầu năm 2017. Mới đây, Công ty CP Ô tô TMT cũng đã có kiến nghị Bộ GTVT xem xét lô hàng dưới tiêu chuẩn 4. Điểm chung lớn nhất mà các DN này đưa ra là Việt Nam chưa đáp ứng được nhiên liệu tương đương khí thải Euro 4.

Theo baodauthau.vn

Có thể bạn quan tâm