Áp thuế tự vệ DAP và MAP có "cứu" doanh nghiệp?

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch hiệp Phân bón Việt Nam mức thuế tự vệ đối với phân DAP và MAP chỉ góp phần hỗ trợ trong thời gian ngắn chứ không thế nào "cứu" được doanh nghiệp phân bón trong nước
Áp thuế tự vệ DAP và MAP có "cứu" doanh nghiệp?

Hôm 6/3, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 4/8/2017, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, với mức thuế tự vệ là 1.855.790 đồng/tấn và có hiệu lực từ ngày 19/8/2017 đến ngày 6/3/2018.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 52% nhu cầu, Bộ Công Thương đã cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các Bộ ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân.

Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 VND/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch hiệp Phân bón Việt Nam cho biết lệnh thuế bảo vệ hiện nay chủ yếu áp lên phân DAP do việc sản xuất mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn. Ông Thúy cho rằng giá phân DAP sẽ không "đội" lên nhiều do tỷ lệ phân bón DAP trên chỉ thị trường so với các loại phân bón khác không lớn, chỉ chiếm 10%. Vị chủ tịch cho rằng, mức thuế tự vệ này chỉ góp phần hỗ trợ trong thời gian ngắn chứ không thế nào "cứu" được doanh nghiệp phân bón trong nước ở thời điểm hiện tại.

"Giải pháp mấu chốt nhất vẫn là giảm thuế giá trị gia tăng. Giá nguyên liệu đầu vào trong nước không giảm do giá phân bón tăng. Trong khi giá phân chịu thêm thuế VAT mà khi mua nguyên liệu đầu vào cũng không được khấu trừ. Ngược lại giá phân bón thế giới lại rẻ hơn nên thu hút người nông dân hơn.", ông Thúy nói.

Chuyển sang sử dụng phân hữu cơ?

Trước việc Bộ Công Thương áp thuế tự vệ đối với phân DAP và MAP, nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng bà con nông dân có chuyển sang phân hữu cơ do giá phân vô cơ bắt đầu tăng lên?

Trao đổi với phóng viên Người Đồng Hành, Tiến sĩ Lê Văn Tri, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Sinh học Việt Nam cho rằng việc người dân sử dụng phân bón hữu cơ không hẳn là do giá phân bón vô cơ tăng. Động lực chính giúp họ chuyển sang sử dụng loại phân bón này là do họ nhận thấy nếu chỉ sử dụng phân bón vô cơ thì chất lượng nông sản sẽ bị ảnh hưởng. Việc sử dụng quá nhiều phân vô cơ sẽ gây suy thoái đất, giảm chất lượng cây trồng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người nông dân và người sử dụng. Nếu muốn sử phát triển một nền nông nghiệp sạch thì bắt buộc sử dụng phân bón hữu cơ.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất còn có tác dụng giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ còn thúc đẩy nông nghiệp hữu đồng thời có thể khai thác tiềm năng lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi và cải thiện môi trường đất.

Tuy nhiên, ông Tri cũng cho rằng "Điều này không có nghĩa là "tẩy chay" hoàn toàn phân bón vô cơ. Chúng ta cần phải kết hợp sử dụng cân đối cả 2 loại phân bón này. Nếu chỉ sử dụng đơn thuần 1 trong 2 loại phân bón, chất lượng cây trồng và nông sản sẽ không đảm bảo".

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay khoảng 11 triệu tấn các loại. Trong đó, tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ. Vì vậy, việc sản xuất và sử dụng phân bón đúng cách, cân đối sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và giá trị nông sản.

Mặc dù vậy, giá phân hữu cơ hiện nay vẫn chưa ổn định. Nếu quản lý sản xuất phân hữu cơ không tốt, giá phân hữu cơ có thể cao hơn nhiều so với phân vô cơ do chi phí vận chuyển. Sản xuất phân hữu cơ phải phù hợp với nguồn nguyên liệu của từng vùng.

"Chúng ta không thể sản xuất phân hữu cơ miền Trung rồi đem ra miền Bắc bán do chi phí vận chuyển quá lớn. Bên cạnh đó, chúng ta có thể vận chuyển phân vô cơ sang nhiều nước trên thế giới do chất dinh dưỡng cao, hàm lượng Ni-tơ lên tới 46% nhưng chúng ta không thể làm điều đó với phân hữu cơ", ông Tri cho biết thêm.

Theo Đức Quỳnh/Người đồng hành

Có thể bạn quan tâm