Áp thuế với trà, cà phê và trào lưu "Tây không ngọt ngào"

Người Việt cần mạnh dạn khước từ một xu hướng đã và đang gây ra những hệ luỵ sức khoẻ rõ ràng ở những nước khác: tiêu thụ quá nhiều nước uống có đường.
Áp thuế với trà, cà phê và trào lưu "Tây không ngọt ngào"

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong thập kỷ vừa qua đã kéo theo sự phát triển và đô thị hóa đáng kinh ngạc trên khắp đất nước. Bằng chứng rõ ràng nhất có lẽ là tại TP.HCM, thành phố mà tôi cho là được quốc tế hóa và mang nhiều đặc tính toàn cầu nhất của Việt Nam.

Tại thành phố này, những xu hướng từ nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, được đón nhận nhanh chóng trong hầu như mọi phân khúc cư dân. Điều này khiến TP.HCM trở thành một nơi sống thú vị nhưng cũng tạo nên một số vấn đề, đặc biệt khi thói quen tiêu dùng hình thành mà vấn đề sức khỏe không được tính đến.

Dẫu cho xu hướng được đón nhận nhanh chóng ở Việt Nam, nó cũng cần một thời gian để lan đến đây. Điều đó có nghĩa là vào thời điểm một xu hướng trở nên thịnh hành ở Việt Nam, thời hoàng kim của nó ở quốc gia khởi nguồn xu hướng đó đã qua.

Thức uống có đường là một ví dụ. Tất nhiên nó vẫn được ưa chuộng ở Mỹ, nhưng không còn được xem là một phần trong lối sống lành mạnh và những người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe đều xa lánh nó.

Nước ngọt chắc chắn vẫn là một vấn đề ở những quốc gia như Mỹ, nơi tôi đã lớn lên và dễ dàng tìm mua được. Nhưng Việt Nam đang tiến gần đền một giai đoạn có thể đã quá trễ để lật lại một vấn đề sức khỏe quan trọng.

Vấn đề được dấy lên gần đây vì 2 lý do: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ đối với tình trạng tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam; cùng thời gian đó, Bộ Tài chính đã đề xuất một mức thuế mới dành cho nước uống có đường.

Một mức thuế như vậy, dù vẫn khá hiếm gặp trên thế giới, đã gây chú ý như một chiến lược khả thi để hạn chế người tiêu dùng mua những loại nước ngọt, trà và những thức uống có đường không có lợi cho sức khỏe.

Theo một bài xã luận trên New York Times của nhà báo chuyên về mảng kinh doanh David Leonhardt, Mexico đã ban hành loại thuế nước ngọt toàn quốc đầu tiên vào năm 2014, theo sau đó là Ấn Độ, Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia. Ông cũng lưu ý rằng trong năm nay Nam Phi, Anh và Ireland sẽ ban hành các loại thuế tương tự, trong khi một số thành phố của Mỹ cũng đã làm điều này.

Thức uống có đường vẫn được ưa chuộng ở Mỹ, nhưng không còn được xem là một phần trong lối sống lành mạnh và những người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe đều xa lánh nó.
Nhà báo Michael Tatarski

Ngành công nghiệp thức uống Việt Nam, cũng như những doanh nghiệp tương tự ở nhiều quốc gia khác, chống lại loại thuế này với lập luận rằng sản phẩm của họ đã chịu đủ sưu cao thuế nặng rồi. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng đồng thuận rằng, ngành công nghiệp thức uống có đường đang dùng lại một số luận điểm ngành thuốc lá sử dụng cách đây nhiều năm để chống bị áp thuế. Ở phương Tây, việc hút thuốc tuy vẫn phổ biến nhưng cũng được nhìn nhận là một mối nguy lớn cho sức khỏe và việc hút thuốc đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với trước kia.

Người Việt Nam thường được xem là khá gầy nhưng điều đó đang thay đổi, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Năm 2017, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố một con số gây choáng váng: 50% trẻ em ở TP.HCM bị béo phì.

Một con số khác cũng gây choáng váng không kém là lượng thức uống có đường mà người tiêu dùng Việt Nam đang mua. Đồ uống có đường được sản xuất ở quy mô công nghiệp ngày càng có sản phẩm đa dạng và được trẻ em ưu thích. Theo thống kê chính thức, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng lên chóng mặt, gấp 7 lần trong 15 năm qua.

Những con số khổng lồ trên sẽ không gây bất ngờ cho những người quan tâm vấn đề này. Khi mới chuyển đến đây vào năm 2010, tôi dạy tiếng Anh và đã sốc khi nhìn thấy những đứa trẻ trở vào lớp sau giờ nghỉ giải lao, tay cầm những chai nước ngọt. Trẻ con vốn nhiều năng lượng, nhưng sau khi uống những “quả bom đường” đó, chúng trở nên không thể kiểm soát nổi.

"Nước ngọt rất được trẻ em và giới trẻ yêu thích, là nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương...

Ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

Thật khó mà không để ý sự tròn trịa của những đứa bé đấy, đặc biệt khi so sánh với cha mẹ chúng, những người đã không lớn lên với những cửa hàng tiện lợi chất đầy các loại thức uống có đường đủ loại. Rất nhiều nhãn hiệu trong số đó được xem là “sang chảnh” và “hiện đại”, dẫu cho nó mang lại tác động tệ hại.

Cách đây vài năm, tôi hay sử dụng một loại thức uống được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe, đặc biệt sau khi tập thể dục vào ban đêm. Dần dà tôi nhận ra mình khó ngủ sau khi uống 1 chai, và chỉ đến lúc đó tôi mới để ý lượng đường chứa trong loại “trà” đáng ra phải “tốt cho sức khỏe” đó. Tôi bắt đầu tránh tất cả loại thức uống tương tự.

Hãy ghé vào bất kỳ một cửa hàng tiện lợi hay siêu thị nào ở TP.HCM và bạn sẽ thấy các món thức uống trên được bày bán đập vào mắt. Một số trong đó rõ ràng để nhằm cung cấp đường và năng lượng nhưng một số được “đóng mác” là thức uống có lợi cho sức khỏe, với thành phần vitamin được đưa lên đầu danh sách.

" Không phải cái gì cũng cần như Tây"

Sự có mặt khắp nơi của các loại thức uống trên, cộng với sự nổi tiếng của chúng, có thể dẫn đến một thảm họa sức khỏe. Tôi biết rằng việc này có thể khiến nhiều người khó chịu khi phải nghe một người nước ngoài “chỉ bảo” người Việt cái gì nên uống cái gì không. Thay vì vậy, tôi hy vọng giây phút này có thể trở thành một bài học để mọi người tránh được sai lầm của người Mỹ, nơi giá nước ngọt rẻ mạt (cùng nhiều yếu tố khác) đã dẫn đến một một đại dịch béo phì và những vấn đề sức khỏe to lớn đi cùng.

Ví dụ, khi tôi còn nhỏ, nước ngọt được bán phổ biến trong trường học và mọi bữa tiệc sinh nhật hoặc kỳ nghỉ đều kèm theo vô số chai Coke, Sprite. Việc để những thức uống trên luôn trong tầm tiếp cận của những đứa trẻ, vốn chẳng biết gì nhiều, đã kéo theo hàng triệu trẻ em thiếu khỏe mạnh, rồi sau đó là hàng triệu người trưởng thành thiếu khỏe mạnh.

Tôi cho rằng người Việt đang ở trong giai đoạn mà người tiêu dùng Mỹ đã trải qua một vài thập kỷ trước, lúc họ có đủ năng lực tài chính để mua những thứ họ muốn. Tuy nhiên, không giống như 30 năm trước, khoa học nghiên cứu về mối liên quan giữa nước ngọt với các vấn đề sức khỏe hiện nay đã rõ ràng hơn nhiều.

Tất nhiên, nước Mỹ không ngưng hoàn toàn việc tiêu thụ nước ngọt, nhưng những thứ thức uống đấy không còn được ưa chuộng như thời trước nữa. Năm 2016, tiêu thụ nước ngọt ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua.

"Rõ ràng, không phải thói quen “như Tây” nào cũng đáng học hỏi.

Nhà báo Michael Tatarski

Cuộc tranh luận xoay quanh việc đánh thuế hay không đánh thuế thức uống có đường ở Việt Nam cần tránh đi theo hướng là không hay chưa có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ chúng và bệnh béo phì cùng những vấn đề về sức khoẻ khác. Đã có hàng loạt những nghiên cứu có uy tín chứng minh điều này ở Mỹ. Vấn đề cốt lõi là những chứng cứ, dữ liệu và thông tin như vậy vẫn chưa có ở Việt Nam.

Và không chỉ có một người ngoài cuộc như tôi đang gióng lên hồi chuông báo động.

Ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cảnh báo: "Nước ngọt rất được trẻ em và giới trẻ yêu thích, trong khi đó đồ uống có đường khiến cơ thể dư thừa năng lượng, dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa. Chúng là nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương…”.

May mắn thay, đã có một vài động thái nhằm giảm bớt việc tiêu thụ nước uống có đường trong tương lai. Nước ngọt không được phép bán tại căn tin trường học, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã cấm việc quảng cáo những thứ nước này trong trường.

Mức thuế đề xuất sẽ là một bước đi tích cực khác. Mức thuế này sẽ áp cho cả nước uống có ga lẫn không có ga, nước trái cây, nước uống có vị, nước tăng lực, trà uống liền, cà phê đóng lon và sữa có vị với mức thu thuế được ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng.

Nhưng cuối cùng thì quyết định và lựa chọn cuối cùng vẫn nằm ở người tiêu dùng Việt. Khi mà các thói quen tiêu dùng từ nước ngoài - đặc biệt là phương Tây, dù tốt hay xấu - vẫn đã và đang được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam, đã đến lúc người Việt nên mạnh dạn khước từ một xu hướng đã và đang gây ra những hệ luỵ sức khoẻ rõ ràng ở những nước khác.

Rõ ràng, không phải thói quen “như Tây” nào thì cũng lành mạnh và đáng học hỏi.

Bài viết của Nhà báo Michael Tatarski

Đăng trên Zing.vn

Có thể bạn quan tâm