ATTP: 500.000 hộ sản xuất "tự tung tự tác" vì sân nhà bị bỏ ngỏ

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) chưa bao giờ “hạ nhiệt”, thậm chí còn được chú ý nhiều hơn khi yêu cầu cao về ATTP để xuất khẩu vào các thị trường quốc tế ngày càng lớn.
ATTP: 500.000 hộ sản xuất "tự tung tự tác" vì sân nhà bị bỏ ngỏ

Năm 2017, ngành nông nghiệp đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và xử phạt 107 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực.

Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33% (17.303/17.778 cơ sở, tăng so với năm 2016 với 91%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16% (6.294/6.756 cơ sở), tăng so với năm 2016 là 89,9%.

Những số liệu trên chính là cơ sở để Việt Nam tin rằng sẽ quản lý tốt vấn đề ATTP. Tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững” với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch WB phụ trách Phát triển bền vững, đại diện Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được.

Không phủ nhận những thành quả trên nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn trăn trở với vấn đề ATTP, bởi Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng hàng đầu thế giới như: Gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu... nhưng thực phẩm cho tiêu dùng trong nước chưa được bảo đảm tốt như cho xuất khẩu.

Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân và khoảng 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ. Đây cũng là thách thức đối với việc bảo đảm ATTP và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Khi còn nghèo, người dân có xu hướng sử dụng mọi cách để tối đa hóa năng suất, thu nhập dẫn đến tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia trong chế biến. Bên cạnh đó, thói quen chế biến của nhiều hộ gia đình cũng chưa bảo đảm ATTP.

Theo Phó Thủ tướng, người tiêu dùng hiện chưa được trợ giúp nhiều để phân biệt được thực phẩm an toàn với thực phẩm không an toàn. Công tác truyền thông chưa hiệu quả, dẫn tới việc suy diễn, thổi phồng nguy cơ mất ATTP. Một bộ phận người dân thấy sợ khi mua thực phẩm ở các chợ truyền thống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển như WB và đánh giá cao Báo cáo về ATTP mà WB và các đối tác thực hiện năm 2017 đã đưa ra nhiều nhận định, kiến nghị và các kiến nghị đang được triển khai trong thực tế.

Chính phủ Việt Nam xác định trước hết cần tập trung xây dựng khung pháp luật về ATTP. Luật VSATTP ban hành năm 2010 đã tiếp cận theo xu thế của thế giới. Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được xây dựng theo hướng tập trung vào quản lý yếu tố nguy cơ, tăng cường năng lực đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về các nguy cơ. Ngoài ra, việc tuyên truyền vận động giúp mọi người dân hiểu rõ nguy cơ, hiểu rõ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của mình. Các đoàn thể phụ nữ, nông dân, hiệp hội, tổ chức xã hội và các cơ sở tôn giáo đều tham gia hướng dẫn, giám sát vấn đề ATTP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam cam kết phối hợp với WB và các đối tác, mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước, các tổ chức trên thế giới để giải quyết hiệu quả vấn đề ATTP.

Theo Dân Việt

Có thể bạn quan tâm