Bà chủ Dohandmade Đặng Thu Hằng – Người dám từ bỏ công việc gắn bó gần 20 năm để “chạy theo” đam mê

Gần 18 năm gắn bó với nghề thiết kế xây dựng, nhưng vì đam mê nên chị Đặng Thu Hằng đã chuyển qua vẽ nghệ thuật và sở hữu thương hiệu Dohandmade – một lĩnh vực nghe có vẻ khá trái ngược với lĩnh vực hoạt động trước đó của chị.
Doanh nhân Đặng Thu Hằng - Chủ thương hiệu đồ vẽ tay Dohandmade.vn
Doanh nhân Đặng Thu Hằng - Chủ thương hiệu đồ vẽ tay Dohandmade.vn 

Chị kể, học xong ĐH Xây dựng vào năm 1998, chị xin vào làm ở Bộ Xây dựng. Sau 7 năm làm tại đây, chị cảm thấy “đủ lông đủ cánh” nên đã quyết định mở một công ty riêng chuyên về tư vấn thiết kế, kiến trúc và các kỹ thuật xây dựng.

“Sau khi mở công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Việt (VACC), tôi và các cộng sự đã thực hiện được nhiều công trình và được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong đó có một công trình đánh dấu bước trưởng thành trong sự nghiệp thiết kế của tôi đó là thiết kế và thi công bệnh viện đa khoa 600 giường tại Quảng Ngãi. Công trình được tỉnh Quảng Ngãi gọi là công trình văn hoá vì đẹp, quy mô và được đặt giữa trung tâm thành phố” – Chị Hằng nói.

Chị có cho rằng lĩnh vực tư vấn về thiết kế, kiến trúc và các kỹ thuật xây dựng quá khô khan với nữ giới, trong đó có chị?

Người ngoài có thể thấy khô khan nhưng tôi lại không cảm thấy như vậy. Với người trong nghề, khi nhìn ngôi nhà không chỉ là nhìn số nhà, màu sơn, tổng quan thiết kế đơn thuần mà chúng tôi nhìn rất chi tiết. Có thể phải xây cho đúng kỹ thuật, đúng kích cỡ chiều cao, chiều rộng… nhưng chúng tôi vẫn có thể tìm thấy sự hấp dẫn trong công việc này.

Nghề thiết kế đến với tôi tự nhiên như hơi thở vậy. Nói không phải khoe chứ trước đây khi đang làm ở Bộ Xây dựng, tôi luôn được sếp cử đi thi các dự án lớn trong nước. Nếu không thấy cái hay cái đẹp của nghề thì làm sao tôi có thể làm được những điều như thế. (Cười)

Vì thấy được cái hay cái đẹp của nghề nên sau đó tôi đã trở thành giảng viên tại một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, với mong muốn truyền lửa cho các bạn trẻ đang theo học ở lĩnh vực này.

Đang là dân thiết kế các công trình với những đường kẻ thẳng tắp khô khan, vì sao chị lại chuyển sang vẽ - một lĩnh vực mềm mại, trái ngược với nghề ban đầu của chị?

Như đã đề cập ở trên, năm 2013 tôi bắt đầu tham gia giảng dạy tại một trường đại học. Khoảng thời gian này khá nhàn nhã nên đến năm 2015 tôi quay sang tập vẽ - một sở thích mà trước đây tôi đã không thể thực hiện do quá bận bịu với các công trình.

Chiếc áo dài trắng trở nên thu hút hơn nhờ những cánh sen được vẽ bằng tay
Chiếc áo dài trắng trở nên thu hút hơn nhờ những cánh sen được vẽ bằng tay

Điều cốt yếu của việc chuyển sang vẽ tay lên các sản phẩm như khăn trải bàn, khăn phủ Piano, túi, ví, áo dài…. là do niềm đam mê và đến thời điểm đó tôi mới thấy thích hợp để làm. Có những thời điểm vì đam mê mà tôi cứ vẽ, vẽ và vẽ, thế nên số lượng tranh của tôi ngày càng nhiều. Tranh vẽ ra được chất đầy nhà và lúc đó tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ bán số tranh này. Sau đó có người bạn gợi ý về việc bán tranh tôi mới nghĩ đến vấn đề làm thương mại. Thật vui là tranh bán ra được người tiêu dùng đón nhận nên tôi càng có động lực để theo đuổi con đường này.

Gần 18 năm gắn bó với nghề thiết kế công trình xây dựng, chị có gặp khó khăn khi chuyển sang lĩnh vực mới này?

Khi mở công ty tôi khá vất vả vì phải căn ke tính toán từng hạng mục như chi phí thuê văn phòng, lương cho cán bộ công nhân viên, tìm các dự án… Với lĩnh vực mới này, vì không phải quá lo chuyện “cơm áo gạo tiền” như trước nữa nên tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chính điều đó đã giúp tôi thư thái và tự cho mình “phiêu” theo từng bức vẽ.

Thế có nghĩa ở lần khởi nghiệp thứ hai này khá dễ dàng với chị và đem lại cho chị nhiều cảm xúc hơn?

Nói về tâm thái là dễ dàng hơn bởi không quá áp lực. Nhưng khi đã mở cửa hàng và đã công bố nhãn hiệu Dohandmade, tôi đã tự tạo áp lực cho mình đó là sản phẩm luôn phải chỉn chu, đúng thời hạn…. khi đến tay khách hàng.

Bên cạnh đó, để chinh phục người dùng, hướng người dùng đến với những sản phẩm mang tính cá nhân hoá cao đang là một thách thức đối với tôi bởi thứ nhất, các sản phẩm như khăn và tấm trải trang trí mang văn hoá của châu Âu, không phải văn hoá của người Á Đông và thường sử dụng sản phẩm công nghiệp với giá rẻ, do đó rất kén người dùng.

Ô Quan Chưởng - Một trong nhiều bức tranh do chị Đặng Thu Hằng vẽ
Ô Quan Chưởng - Một trong nhiều bức tranh do chị Đặng Thu Hằng vẽ

Thứ hai, với đồ vẽ tay sẽ có giá cao hơn so với các sản phẩm in đồng loạt bởi mất nhiều thời gian vẽ, không nhân bản được, số lượng hạn chế… thế nên người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm đồ vẽ tay trong việc trang trí cho căn nhà của mình. Mục đích mua của khách hàng chủ yếu đang là để làm quà tặng cho đối tác, người thân…

Vậy chị đã có hướng đi nào cho các sản phẩm của mình?

Tôi rất mong muốn các sản phẩm vẽ tay có giá cả phải chăng hơn, đến được với nhiều người hơn. Tuy nhiên để làm được điều này còn cả chặng dường dài phải cố gắng phía trước. Trước mắt tôi hy vọng sẽ sớm tập hợp được một cộng đồng cùng sở thích, cùng làm ra những sản phẩm vẽ tay như tôi để tạo ra thị trường. Tôi nghĩ nhu cầu trang trí nhà cửa của người dân rất lớn, bởi có những khách hàng khi tìm được sản phẩm này, họ đã rất vồ vập và thể hiện rõ sự yêu thích, nhưng do mảng marketing còn yếu nên chưa tiếp cận được với nhiều khách hàng mà thôi.

Theo chị để thành công trong lĩnh vực vẽ nghệ thuật này cần phải có những yếu tố gì?

Để thành công phải có tố chất, phải thật sự yêu thích lĩnh vực này. Có yêu thích thì khi công việc kinh doanh gặp khó khăn, họ sẽ vẫn bền bỉ, chung thuỷ với nghề mà không “nhảy” sang kinh doanh ở một lĩnh vực khác. Nếu muốn khởi nghiệp nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu hãy đến gặp tôi để trước mắt cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, sau nữa cùng nhau tạo nên thị trường, hướng người tiêu dùng đến những sản phẩm mang tính cá nhân hoá cao.

Xin cảm ơn chị!

Quen chị khi chị đã chuyển sang lĩnh vực vẽ nghệ thuật, chị lại quá dịu dàng, nhỏ nhẹ trong từng lời ăn tiếng nói, thế nên tôi vẫn chưa thể tưởng tượng ra được cảnh trước đó chị có thể làm tốt công việc của một người chuyên thiết kế những công trình lớn và đã được xây dựng ở khắp miền nam bắc. Thế mới biết rằng khả năng của con người là vô hạn. 

Với lĩnh vực mới này, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường nhưng tôi tin, với niềm đam mê cháy bỏng cùng bàn tay tài hoa, chị sẽ sớm biết cách để những "đứa con tinh thần" của mình ngày càng toả sáng hơn, được nhiều người biết đến hơn, nhất là những khách hàng thích những sản phẩm mang tính cá nhân hoá cao như sản phẩm của chị.

Có thể bạn quan tâm