Bà chủ thương hiệu Bún Nguyễn Bính: Làm bún sạch như “lấy trứng chọi đá”

Đi ngược thị trường khi tung ra sản phẩm bún tươi sạch không hóa chất, bà chủ thương hiệu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính khi ấy biết rằng, đó là cuộc chiến không cân sức, chẳng khác nào “lấy trứng chọi đá”
Bà chủ thương hiệu Bún Nguyễn Bính: Làm bún sạch như “lấy trứng chọi đá”

Dù bao phen lao đao, bà chủ thương hiệu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính vẫn nhất quyết không cho hóa chất vào bún

Cơ duyên với nghề tổ của gia đình

Bà Nguyễn Thị Bính, TGĐ Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính, đơn vị sở hữu thương hiệu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính, vốn sinh ra trong một gia đình giàu có ở vùng nông thôn tại tỉnh Hà Tây cũ với nghề gia truyền của gia đình là làm bún. Thế nhưng, khi bà Bính lên 5, gia đình gặp phải biến cố lớn, mất sạch tài sản và các công cụ làm nghề. Cũng từ đây, cả gia đình bà gồm 2 người lớn và 9 đứa trẻ phải vật lộn mưu sinh với đủ thứ nghề. Nhớ lại những ngày tháng cơ cực, chủ doanh nghiệp Bún tươi Nguyễn Bính không kìm được những giọt nước mắt.

“Sau biến cố, nhà tôi đói khổ lắm, không có được như người ta đâu, gạo không có mà ăn, bút giấy đều không có mà viết, toàn phải đi lượm giấy người ta vứt đi để mà học lấy cái chữ. Đi học mà cặp không có, toàn lấy nilon quấn quấn, phải vác cái ghế con đi để ngồi hoặc kê dép lên để ngồi.

"Nhà tôi có 9 người, tôi là con thứ 7, bố mẹ không biết chữ. Lúc đó nhà tôi phải ở nhờ nhà người ta chứ cũng không có nhà đâu. Nghèo thế nên tôi luôn nghĩ lớn lên mình phải làm cái gì đó để thoát cảnh tù túng và đói khổ này”, bà Bính tâm sự về tuổi thơ khó khăn.

Với khát khao thoát nghèo, năm lên 16 tuổi, bà Bính theo gia đình vào miền Nam lập nghiệp. Tuy nhiên, thời đó cô gái tuổi đôi mươi xinh đẹp và đầy sức trẻ Nguyễn Bính không hề muốn nối gót nghề làm bún gia truyền của gia đình. Bà thử qua rất nhiều ngành nghề khác như trang điểm cô dâu, làm móng, làm tóc hay kể cả bán thịt heo ở chợ nhưng cuối cùng vẫn không thể gắn bó. Đến năm 1999, bà Bính quyết định quay trở về nghề tổ của gia đình là làm bún tươi…

Đổi cả thanh xuân cho sợi bún sạch

Xuất thân là một cô gái quê, bà Bính vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau khi lăn lộn đủ thứ nghề nhưng vẫn không có được chút vốn liếng nào, bà Bính mở một sạp bún nhỏ ở chợ để buôn bán nhỏ lẻ. Sản phẩm mà bà chọn là bún tươi sạch, không hóa chất.

Thế nhưng, việc mang một sản phẩm bún không hóa chất ra thị trường vô cùng gian nan. Bị khách từ chối và trả hàng liên tục, bị các tiểu thương khác gây khó dễ như ném mắm tôm vào sạp, hất đổ gánh hàng… là những khó khăn mà bà Bính tưởng chừng như không thể vượt qua. Đó là chưa kể đến những lần bị tịch thu toàn bộ công cụ làm ăn do bà Bính buôn bán mà không xin cấp phép. Những khó khăn cứ ập đến liên tục khiến người phụ nữ này nhiều lần muốn bỏ cuộc.

“Nhiều lần tôi muốn nghỉ cho xong, đi làm cái khác nhưng nghĩ đến việc người dân ăn phải bún hóa chất đầy rẫy trên thị trường, tôi lại không đành lòng. Nhưng hàng tôi làm ra nào có ai chịu bán. Người ta chê bún không hóa chất nhanh hỏng, lại nhạt nhẽo và sợi không dẻo dai.

Bị trả nhiều lắm nhưng tôi vẫn làm. Tôi chấp nhận đi ngược thị trường, chấp nhận bị chửi và chấp nhận bị trả hàng liên tục chứ quyết không cho hóa chất vào bún. Lúc đó, những người làm bún hóa chất cạnh tranh rất mạnh, liên tục hạ giá để ép tôi nghỉ bán. Nhưng bản thân tôi nghĩ, mình làm gì cũng phải nghĩ đến lương tâm, tạo được điều tốt cho mọi người và sự thanh thản cho chính mình”, bà Bính trải lòng.

Theo bà Bính, bún có hóa chất thường có sợi trắng hơn, dai hơn và rất lâu hỏng. Trong khi đó, bún của bà không hóa chất nên chỉ để được thời gian ngắn, rất khó cạnh tranh vào thời điểm đó.

Thương hiệu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính đã thành lập được 20 năm và đang ngày càng lớn mạnh

Chủ doanh nghiệp Bún tươi Nguyễn Bính kể lại, để thuyết phục người tiêu dùng, bà phải tự mình mang sản phẩm đi chào mời ở các nhà hàng, trường học, các chợ, cho người ta ăn thử. Sau thời gian cố gắng, cuối cùng thương hiệu bún sạch của bà cũng được nhiều người nhớ đến và đặt hàng với số lượng nhiều dần lên. Khi lượng đơn hàng về liên tục, bà Bính đã nhờ cô cháu gái hỗ trợ giao hàng, còn mình ở nhà chăm lo khâu sản xuất.

Đưa công nghệ vào nghề truyền thống

Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, bà Bính nghĩ rằng phải công nghiệp hóa cho nghề này chứ không nên dùng tay chân quá nhiều – đó cũng là lý do Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính ra đời. Bà Bính cũng là người đầu tiên đưa công nghiệp lò hơi về ứng dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực bún tươi. Đến nay, những sợi bún mang tên Nguyễn Bính đã được phân phối đi khắp khu vực TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam. Với bà Bính, đây là một thành công khó có thể tưởng tượng đối với một phụ nữ xuất thân là nhà nông như mình.

“Thành công của tôi không đong bằng tiền bạc mà đong bằng nước mắt và sự hy sinh. Tôi nghĩ ai cũng có những sứ mệnh của riêng mình. Với tôi việc đem được sợi bún tươi, sạch, không hóa chất đến được người dân, giúp họ đảm bảo an toàn về sức khỏe là điều hạnh phúc hơn cả kiếm được nhiều tiền”, bà Bính chia sẻ.

Bà Bính mong muốn đưa thương hiệu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính không chỉ mở rộng ra toàn quốc mà còn vươn ra thị trường quốc tế

Hiện tại, doanh nghiệp bún tươi do bà Bính điều hành đang thực hiện khâu chuyển đổi công nghệ, áp dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất để tiết kiệm sức lao động và rút ngắn thời gian thành phẩm.

Theo bà Bính, chi phí cho công nghệ này tốn đến hàng tỷ đồng cho mỗi giai đoạn nhưng sẽ giúp doanh nghiệp của bà tiến gần hơn đến thị trường quốc tế. Mong muốn của bà Bính là không chỉ đem những sợi bún sạch ra toàn quốc mà còn giúp “bún Việt” tỏa sáng ở trời Tây.

Thương hiệu Bún Thủ Đức – Nguyễn Bính thành lập từ năm 1999, với nguyên liệu chính từ gạo nguyên chất, không pha trộn bột năng và các hóa chất, đảm bảo các tiêu chí về độ ngon, an toàn thực phẩm và không rã nát trong nước, có vị mặn thuần khiết của gạo. Đặc trưng của sợi bún Nguyễn Bính là bún có màu trắng ngà và do hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên bún chỉ để được trong 24 giờ.

Hiện nay, bún tươi Thủ Đức - Nguyễn Bính đã có mặt khắp các điểm bán ở Sài Gòn, với thị phần áp đảo so với hơn 400 lò bún hiện có trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm