Bao giờ cổ phiếu thép lại nóng?

Kinh doanh lao dốc, triển vọng ngành ảm đạm, các công ty chứng khoán hạ khuyến nghị mua là thực trạng của các doanh nghiệp niêm yết ngành thép hiện nay. Trong bối cảnh này, liệu cổ phiếu ngành thép có
Bao giờ cổ phiếu thép lại nóng?

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 đang ở giai đoạn cuối với sự phân hóa mạnh về lợi nhuận tại các nhóm ngành. Tuy nhiên, mảng màu xám nhất có lẽ thuộc về nhóm doanh nghiệp ngành thép với doanh thu, và cả lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ, thậm chí lỗ.

Sau đợt tăng mạnh hồi đầu năm, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành thép lại tiếp tục rơi vào đà sụt giảm đáng kể do kết quả kinh doanh thiếu khả quan, thị giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng đáy nhiều năm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Lợi nhuận sụt giảm, cổ phiếu đỏ sàn

Mới đây, CTCP Thép Nam Kim (mã: NKG) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 thoát lỗ ghi nhận 135,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhờ khoản lợi nhuận đột biến 180 tỷ đồng từ hoạt động khác. Tuy nhiên, doanh thu thuần trong kỳ lại giảm mạnh 31% so với cùng kỳ đạt 2.964 tỷ đồng.

Do quý I/2019, Thép Nam Kim đã lỗ gần 102 tỷ đồng nên lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế công ty chỉ đạt gần 34 tỷ đồng, giảm 85,2% so với cùng kỳ.

Hiện giá cổ phiếu NKG đang ở vùng đáy hơn 3 năm, giao dịch quanh vùng giá hơn 6.000 đồng/cp, giảm 20% so với đầu năm.

Tương tự, CTCP Thép Pomina (mã: POM) cũng vừa công bố  BCTC quý II và 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, doanh thu thuần trong quý II công ty đạt 3063 tỷ đồng, giảm 15% so với quý II/2018; do phát sinh nhiều chi phí nên Thép Pomina tiếp tục chịu lỗ hơn 49 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 164 tỷ đồng.

Với việc kinh doanh thua lỗ trong cả 2 quý  đầu năm đã khiến bức tranh kinh doanh của Pomina trở nên xám xịt với doanh thu thuần 6 tháng đạt 6.184 tỷ đồng giảm 6,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm gần 133 tỷ đồng.

Song song với kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu POM cũng giảm sâu về sát vùng đáy của nhiều năm trở lại đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/8 thị giá cổ phiếu POM đang ở mức 6.300 đồng/cp, giảm 27,6% so với đầu năm và giảm 45% so với cách đây 1 năm.

Ngay cả “ông lớn” ngành thép CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) cũng không nằm ngoài diễn biến chung khi trong một cuộc gặp mặt các nhà đầu tư mới đây lãnh đạo công ty đã cho biết, ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đạt 30.263 tỷ đồng, tăng 11% so với nửa đầu năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 12,77%, còn khoảng 3.860 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG vẫn đang trong vùng nhiều biến động, hiện đang giao dịch quanh vùng giá 22.000 đồng/cp. Tính trong vòng khoảng một năm rưỡi qua, cổ phiếu HPG đã giảm tổng cộng hơn 35% từ đỉnh 34.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) .

Trước đó, bắt đầu từ 2018, cổ phiếu HPG có nhiều biến động nhất, tăng lên đỉnh lịch sử vào đầu năm và giúp ông Trần Đình Long lọt danh sách tỷ phú USD thế giới, rồi sau đó lao dốc mạnh trước sự rút lui của ác quỹ đầu tư lâu năm cùng với triển vọng ngành thép kém khả quan.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành thép khác như Thép Việt Ý (mã: VIS), Tisco (mã: TIS), Thép Tiến Lên (mã: TLH), Hoa Sen (mã: HSG)… cũng đều ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ trong 6 tháng đầu năm. Tất nhiên, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng không thể khả quan hơn kết quả kinh doanh.

Vẫn còn dư địa tăng trưởng

Nguyên nhân chính của việc lợi nhuận ngành thép sụt giảm là do giá vốn bị đội lên cao bởi tại Trung Quốc, giá quặng sắt đang liên tục lập đỉnh mới, thị trường quặng sắt ghi nhận quý II/2019 là quý tăng giá mạnh nhất kể từ cuối năm 2016.

Trong khi đó, ngược lại, áp lực cạnh tranh, áp lực về giá của các doanh nghiệp làm cho giá thép bán ra không tăng mạnh được như mức tăng giá nguyên liệu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tự chủ được nguồn phôi nguyên liệu sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp chỉ đi nhập phôi nguyên liệu.

Việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan cũng là một áp lực làm các doanh nghiệp xuất khẩu thép phải tìm hướng đi mới, chủ động nguồn nguyên liệu từ Việt Nam hoặc các nước khác ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

Để đương đầu với những khó khăn, các doanh nghiệp ngành thép cũng có sự chủ động liên kết nhằm gia tăng sức mạnh, tạo nên sức cạnh tranh mới. Có thể lấy ví dụ về cuộc “hôn nhân” của Thép Nam Kim và SMC với khởi đầu là thương vụ phát hành rrieeng lẻ 30 triệu cổ phiếu NKG mà SMC là đối tác mua.

Sau đó, một nhân sự cấp cao của SMC được bầu làm CEO của Thép Nam Kim, đồng thời, vị CEO này đã mua vào lượng lớn cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của Nam Kim. Tiếp theo đó, SMC dần gia tăng tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn của Nam Kim.

Theo nhận định của CTCK MBS, triển vọng ngành thép Việt Nam vẫn tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của của Chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng "chảy" vào Việt Nam. 

Thực tế, chi tiêu cơ sở hạ tầng ở Việt Nam luôn tăng trưởng ở hai con số kể từ năm 2012. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn bắt đầu, ví dụ như tuyến Metro Tp. Hồ Chí Minh, Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, nhiều đường cao tốc và cầu quanh thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh... 

Nhìn chung, sự cạnh tranh gia tăng sẽ là bài kiểm tra với các doanh nghiệp ngành thép về thị phần, khả năng duy trì lợi nhuận và dòng tiền, khách hàng lớn sẽ chỉ chọn lựa sản phẩm của các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Do đó, cổ phiếu ngành thép được dự báo có thể vẫn còn dư địa tăng trưởng, nhưng cơ hội không chia đều cho tất cả các mã cổ phiếu mà sẽ có sự phân hóa mạnh. 

>> Thép Việt Ý muốn cho Kyoei Steel mua thêm cổ phần

Có thể bạn quan tâm