Bình Thuận đầu tư hàng ngàn tỷ để hút nhà đầu tư vào vùng biển Kê Gà – Hòn Lan

Hai tuyến đường ven biển mà tỉnh Bình Thuận muốn đầu tư gồm nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện và làm mới trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà.
Bình Thuận đầu tư hàng ngàn tỷ để hút nhà đầu tư vào vùng biển Kê Gà – Hòn Lan

HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X vừa có nghị quyết gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Giao thông Vận tải (GTVT) về chủ trương đầu tư hai dự án trên.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện có tổng chiều dài khoảng 32,5 km; chiều rộng nền đường 9 m, chiều rộng mặt đường 8 m, chiều rộng lề đường mỗi bên 0,5 m. Riêng các đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Tân Thành - huyện Hàm Thuận Nam, xã Tân Tiến, Tân Bình - thị xã La Gi có chiều rộng nền đường 15 m, chiều rộng mặt đường 12 m; đoạn tuyến trùng với đường Nguyễn Công Trứ có chiều rộng nền đường 20 m, chiều rộng mặt đường 12 m. Trên tuyến sẽ xây mới một cây cầu tại Km 50+284,76 có chiều dài 12,8 m, chiều rộng cầu 9,0 m.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 600 tỷ đồng. Nguồn vốn đề nghị thẩm định gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh.

Còn dự án làm mới trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà có chiều dài khoảng 25 km. Chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m, dải phân cách giữa 11 m, chiều rộng lề đất mỗi bên 0,5 m. Kết cấu mặt đường: 2 lớp bê tông nhựa chặt trên lớp móng cấp phối đá dăm. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án gần 1.000 tỷ đồng.

Theo dự kiến cả hai tuyến đường đến năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

HĐND tỉnh Bình Thuận cũng giao nghị quyết này cho UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án theo quy định.

Theo HĐND tỉnh Bình Thuận, hai tuyến đường này với mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra cả hai tuyến đường còn làm nhiệm vụ tuyến tránh cho quốc lộ 1 khi xảy ra ách tắc giao thông và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đối với khu vực từng được mệnh danh là "thiên đường nghỉ dưỡng" Kê Gà, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết trước năm 2007 nơi đây chỉ có quy hoạch tuyến điểm du lịch của ngành du lịch, chưa có quy hoạch xây dựng chung. 

Sau khi dự án cảng Kê Gà bị bãi bỏ (2013), thời gian 3 năm trở lại đây đã có những tín hiệu hồi sinh tích cực. Nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã trở lại vùng biển Kê Gà - Hòn Lan, nhiều khu du lịch, resort đang xây dựng. Ngoài 2 tuyến đường ven biển nói trên sắp được đầu tư nâng cấp, mở rộng giúp kết nối thông suốt từ Phan Thiết đến La Gi, từ đó nối thẳng đến khu Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều nhà đầu tư đang chờ cơ hội mới khi có sân bay Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Vào ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo Quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030.

Từ cơ sở này, UBND tỉnh Bình Thuận đang triển khai quy hoạch mở rộng Khu du lịch quốc gia tiến về hướng Nam, kéo dài từ Mủi Né đến Kê Gà (Hàm Thuận Nam), với quy mô rộng hơn 20.000ha.

Có thể bạn quan tâm