Bộ Tài chính tính phạt nặng DN đã cổ phần hoá nhưng chây ỳ lên sàn

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, việc các doanh nghiệp cổ phần hoá nhưng không lên sàn làm việc kiểm soát doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp không được thúc đẩy.
Bộ Tài chính tính phạt nặng DN đã cổ phần hoá nhưng chây ỳ lên sàn

Tại  Hội nghị Phổ biến quy định về niêm yết/ đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tính đến đầu tháng 9/2019 có 755 DNNN cổ phần hóa chưa niêm yết/đăng ký giao dịch  trên thị trường chứng khoán. Trong số này, chỉ có 154 doanh nghiệp bổ sung mới, còn lại tới 601 doanh nghiệp  là tồn lại từ danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa đã công bố vào tháng 8/2017.

Công tác cổ phần hóa DNNN đóng góp nguồn hàng quan trọng cho sự phát triển của thị trường vốn, tuy nhiên vẫn còn đáng lo là nhiều doanh nghiệp  sau cổ phần hóa nhưng không chịu lên sàn làm giảm chất lượng kiểm soát, quản trị doanh nghiệp ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Ông Tiến kỳ vọng, thời gian tới đây doanh nghiệp sẽ chủ động đẩy nhanh quá trình đưa cổ phiếu lên sàn sau khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Cơ quan quản lý luôn mong muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để đồng hành và cùng tháo gỡ vướng mắc khó khăn, nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật. 

Thông tin tới hội nghị, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết, trong tháng 10 này, dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định 126/2018 và Nghị định 32/2018 để có những quy định sát thực tế hơn, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn.

Theo đó, những doanh nghiệp cố tình chây ỳ sẽ bị xử phạt và công khai người vi phạm. Cơ quan quản lý sẽ phối hợp để kiểm tra việc chấp hành niêm yết của doanh nghiệp sau cổ phần hoá.

Qua đó nắm thêm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục ĐKGD; nguyên nhân chậm trễ và đề nghị doanh nghiệp có biện pháp xử lý vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan về phía doanh nghiệp  để sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch.

Cũng theo đại diện UBCKNN, song hành với các biện pháp trên, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành xử phạt theo quy định; đồng thời sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp  nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn kéo dài việc đưa các DNNN cổ phần hóa niêm yết/đăng ký giao dịch.

Thực tế, việc doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ mang lại nhiều lợi ích như: dễ dàng huy động vốn; nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong công chúng; tạo tính thanh khoán cho chứng khoán;…

Hiện nay, quy định pháp lý và các thủ tục liên quan đã được đơn giản hóa rất nhiều, tạo điều kiện để DNNN sau cổ phần hóa thành công có thể sớm niêm yết. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở, cần tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho các công ty đại chúng thực hiện nghĩa vụ niêm yết/đăng ký giao dịch  của DNNN cổ phần hóa.

Có thể bạn quan tâm