Các khoản vay đang chiếm tới 80% tổng tài sản của các công ty chứng khoán

Tại cơ cấu tài sản của không ít công ty chứng khoán, nhất là nhóm các công ty ngoại, giá trị khoản cho vay đang chiếm tới 60-80% tổng tài sản tương đương với tỷ trọng cho vay của một ngân hàng cỡ nhỏ, trong đó phần lớn là cho vay ký quỹ (margin).
Các khoản vay đang chiếm tới 80% tổng tài sản của các công ty chứng khoán

Theo số liệu cập nhật đến quý II/2019, có 6 công ty giữ tỷ lệ này trên 70%, cao nhất là Chứng khoán Yuanta Việt Nam (88,8%), Maybank Kim Eng (88,7%); Chứng khoán Rồng Việt (80%)…

Các khoản cho vay khách hàng của công ty chứng khoán phần lớn gồm cho vay ký quỹ (margin) được đảm bảo bằng chứng khoán của khách hàng thuộc danh mục được phép ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán (do tiền chỉ về tài khoản sau 2 ngày bán chứng khoán).

Hiện có 20 công ty chứng khoán đã có số dư margin vượt 1.000 tỷ đồng, đứng đầu là Chứng khoán SSI với gần 6.290 tỷ đồng. Chứng khoán Mirae Asset, nhân tố mới với tốc độ tăng trưởng nhanh, hiện đứng thứ hai về dư nợ cho vay với 5.000 tỷ đồng.

Ở trường hợp của SSI, phải thu cho vay khách hàng chỉ chiếm hơn 23% trong tổng tài sản 27.240 tỷ đồng. Gần 60% tài sản của CTCK này là các khoản tiền gửi ngân hàng, đa phần được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay. Còn lại, SSI phân bổ vào danh mục đầu tư, góp vốn công ty liên kết. Trong khi đó, Mirae Asset để 65% tài sản ở các khoản cho vay, 18% nằm ở các khoản tiền gửi.

Thực tế, hoạt động cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán nhìn chung có thời hạn ngắn, vòng quay nhanh và thường có rủi ro thấp, bởi công ty chứng khoán là bên nắm tài sản đảm bảo là chứng khoán cơ sở và có thể chủ động giải chấp để thu hồi tiền về khi tỷ lệ ký quỹ duy trì bị vi phạm.

"Cầm đằng chuôi" nhưng các công ty chứng khoán vẫn có những rủi ro trong hoạt động cho vay margin.

Số tiền các công ty chứng khoán cấp cho các nhà đầu tư vẫn liên tục tăng qua các quý gần đây. Thống kê đến thời điểm 30/6/2019 tại trên 35 công ty chứng khoán có số dư cho vay khách hàng trên 100 tỷ đồng, tổng số tiền cho vay đạt 54.178 tỷ đồng, tăng 11.442 tỷ đồng tăng 26,8% so với cách đó một năm. 

Vẫn có những rủi ro trong hoạt động cho vay margin.
Vẫn có những rủi ro trong hoạt động cho vay margin.

Chủ động “cầm đằng chuôi”, nhưng công ty chứng khoán nào cũng có các bộ phận để quản trị rủi ro dòng vốn cho vay này. Với hơn 700 mã cổ phiếu trên 2 sàn, trừ khoảng 120 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ, các công ty chứng khoán thường chỉ chọn 150-300 mã chứng khoán để chấp nhận làm tài sản đảm bảo, với tỷ lệ ký quỹ cao nhất theo quy định là 50%, nhưng cũng có thể chỉ là 10%.

Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi” như những lùm xùm quanh cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân gần đây lại là một góc riêng bộc lộ rõ ràng rủi ro của hoạt động cho vay ký quỹ.

Được chủ động giải chấp, nhưng điều này lại không có ý nghĩa, bởi trong khi lệnh bán lên tới hàng chục triệu cổ phiếu, bình quân chỉ vài trăm ngàn cổ phiếu được đăng ký mua mỗi phiên, đẩy cổ phiếu FTM giảm sàn 30 phiên, bốc hơi 88,8% so với thời điểm giá đỉnh cao. 

 Bên bị thiệt hại gồm 11 CTCK và 1 ngân hàng thương mại đã họp lại, nghi vấn việc cổ phiếu bị thao túng giá, giao dịch qua lại giữa các tài khoản được đặt ra. Theo đó, dù là “nắm đằng chuôi” nhưng mấu chốt vẫn là phải có người mua, các nhà đầu tư sẽ không bỏ tiền vào một cổ phiếu đang cắm đầu lao dốc với những thông tin nội tại mập mờ.

Có thể bạn quan tâm