Eximbank đã chốt được ngày họp ĐHĐCĐ

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã: EIB) vừa thông báo cho biết dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 2 vào ngày 21/6.
Eximbank đã chốt được ngày họp ĐHĐCĐ

Trước đó, cuộc họp này được dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 nhưng bất thành do không đủ 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Lịch họp được dời lại vào ngày 26/5 nhưng phía ngân hàng cho biết cần thêm thời gian để chuẩn bị hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức cuộc họp được đồng nhất và thành công, nên cuộc họp lại buộc phải hoãn lần nữa. 

Sau nhiều xáo trộn nhân sự cấp cao, đến nay,  ông Cao Xuân Ninh được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc. Ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó Tổng giám đốc Thường trực - được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc ngân hàng. 

Trước đó, Eximbank trở thành tâm điểm chú ý của giới tài chính khi thay tới 3 chủ tịch HĐQT chỉ trong 2 tháng.

Cụ thể, vị trí chủ tịch Eximbank đã lần lượt trong tay ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại trở về tay ông Quốc và hiện tại đến ông Cao Xuân Ninh. Chưa kể, trước khi từ nhiệm, ông Quốc còn ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng, một thành viên HĐQT thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT ngân hàng

Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được chuyển nhượng trong thời gian biến động nói trên và dẫn đến những thay đổi không nhỏ về sở hữu của các nhóm cổ đông tại ngân hàng này.

Nhiều nguồn tin tiết lộ, nhóm cổ đông mới liên quan đến tập đoàn phân phối ô tô thương hiệu Hàn Quốc đã gom lượng lớn cổ phiếu EIB và sở hữu khoảng 17-18% cổ phần ngân hàng, nhưng thời gian nắm giữ cổ phiếu chưa đủ 6 tháng nên theo điều lệ, họ chưa thể đề cử đại diện vào HĐQT và sẽ không tham dự ĐHĐCĐ sắp tới.

"Lục đục" nội bộ đã khiến hoạt động kinh doanh của Eximbank rơi vào khó khăn một thời gian dài khi tổng tài sản sụt giảm, lợi nhuận lao dốc.

Cổ phiếu EIB cũng từng bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp và vừa mới được đưa ra khỏi diện cảnh báo hồi tháng 4/2018.

Hoạt động kinh doanh của Eximbank bắt đầu có sự cải thiện trong 2 năm trở lại đây khi thoát lỗ lũy kế vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực chuyển mình, "New Eximbank" ngoài đối diện với tình trạng dang dở ở "thượng tầng" còn liên tục vướng phải các lùm xùm lớn với khách hàng trong thời gian qua.

Đáng chú ý nhất là hai vụ việc tiền gửi bốc hơi trong năm 2018 đã khiến Eximbank phải trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 390 tỷ đồng, là một trong những nguyên nhân khiến nhà băng phải ghi nhận khoản lỗ 309 tỷ đồng trong quý IV/2018.

 >> Eximbank hoãn họp ĐHĐCĐ sang tháng 6

Có thể bạn quan tâm