Không biết tiếng Hoa thì đừng mua "tour tàu"

Cái sự “siêu giỏi” của người Tàu trong lĩnh vực dịch vụ - đặc biệt là du lịch, ở ngoài biên giới Trung Quốc - khiến cho người ta phải kinh ngạc.
Không biết tiếng Hoa thì đừng mua "tour tàu"

Các tour du lịch người Trung Quốc đổ bộ đến núi Titlis

Tuy nhiên, đối tượng khách của các công ty du lịch do người Trung Quốc làm chủ hầu hết là người Hoa. Người khác ngôn ngữ lạc vào các tour này sẽ chỉ là kẻ “đi ghé” mà thôi.

Tôi và cậu con trai “lọt” vào một tour như vậy. Điểm tham quan là các thành phố: Geneve, Lausanne, Bern, Lucerne, núi Titlis và Zurich của Thụy Sĩ.

Reng reng và rủng rẳng…

Người đón chúng tôi lên xe bus là một hướng dẫn viên người Hoa chừng 40 tuổi với tên gọi mà tôi nghe na ná như Ly Reng Reng… Không tiện hỏi lại tên chính xác vì đằng nào cũng phát âm khó, tạm gọi cô là cô Ly Reng Reng.

Khi xe chuyển bánh, Ly Reng Reng bắt đầu làm nhiệm vụ một cách hết sức nhiệt tình. Lúc đầu tôi thấy hay hay vì phát hiện mới của mình – phiên âm tên của cô ấy sang tiếng Việt rất vui tai – Ly Reng Reng… Nhưng dần dà, tôi thấy… chối. Cái sự chối tỷ này bắt đầu từ việc không hiểu ngôn ngữ, không biết người ta nói gì. Không chỉ là Ly Reng Reng đâu, nó còn là lủng xủng loảng xoảng, loảng xoảng lủng xủng liên tục. Cô Ly Reng Reng cầm micro nói không ngưng nghỉ. Cả đoàn khách khoảng dăm chục người chăm chú lắng nghe, thi thoảng lại vỗ tay, ầm ào tán thưởng.

Thi thoảng cô Ly Reng Reng đưa mắt về phía tôi như để trấn an. Tôi mỉm cười với cô ấy trong khi cô ấy nhìn tôi mà miệng vẫn liên tục bắn ra những tiếng xủng xoảng, được micro phát tán âm thanh rộn ràng khắp cả xe bus.

Tôi cũng tự trấn an bằng cách tưởng tượng nội dung cô ấy đang cung cấp cho đoàn khách đồng hương của mình (với những gì tôi đã biết và đang được nhìn thấy về địa danh này): Chúng ta đang đi bên hồ Geneve. Đây là một hồ nước ngọt lớn thứ hai ở miền Trung châu Âu. Hồ Geneve không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động du lịch, thể thao mà còn là nơi tụ hội rất nhiều những giá trị văn hóa. Các bạn hãy quan sát toàn cảnh hồ. Đây là ngôi làng điển hình cho kiến trúc phong cảnh miền quê Thụy Sĩ với những ngôi nhà một tầng, mái dốc. Đây cũng là một trung tâm sản xuất rượu vang nổi tiếng của Thụy Sĩ. Những lâu đài cổ chênh chếch trên sườn đồi. Những ngọn tháp nhà thờ nổi bật trên bức tranh tuyệt đẹp đó…

Tôi vừa nhìn sang hồ nước, vừa “tưởng tượng và dịch” đến đó thì bỗng nghe tiếng quát rất to: “Lủng xủng loảng xoảng ờ…”. Tôi giật mình quay lại, thấy không chỉ Ly Reng Reng mà tất cả mọi người trong xe cùng nhìn về phía chúng tôi. Ly Reng Reng, vẻ mặt đã hết kiên nhẫn, miệng nhả từng từ tiếng Anh rất chậm – chắc chắn chỉ dành riêng cho hai kẻ lạc đàn là mẹ con tôi. Đại loại: Cả đoàn chuẩn bị xuống xe, dạo chơi 15 phút rồi lên tàu đi quanh hồ. “Đã hiểu chưa?”. Cô ấy lại quát to, mắt vẫn bắn về phía tôi cái nhìn có phần thảng thốt. Lúc này tôi mới kịp hiểu ra mọi sự. Thì ra cô ấy đã nói tiếng Anh để dặn dò chúng tôi nhưng vì English qua thổ ngữ Trung Quốc khiến tôi chưa quen, vẫn cứ lơ mơ trong dòng thác của tiếng Tàu mà không hiểu cô ấy nói gì.

Đúng lúc ấy có một giọng phụ nữ, tiếng miền Nam Việt Nam cất lên: “Hai mẹ con xuống đi. Chơi quanh chút rồi lên tàu. Nhớ bám đoàn kẻo lạc”. Ôi chao! Đi xa, đang lạc vào một ốc đảo của ngôn ngữ khác, bỗng nghe được tiếng Việt mà sướng, như thể gặp bác mình, chị mình. Bác vừa lên tiếng nhìn chúng tôi mỉm cười: “Đừng ngại nhé. Người Hoa họ hay nói to, ngôn ngữ của họ vậy, không có gì đâu…”.

Bác “Ầy Dà” hay là “Biết ơn Việt Nam”

Khỏi phải nói là tôi mừng đến thế nào. Thôi, thế là đỡ bị lạc loài. Ngay lập tức mẹ con tôi bám chặt lấy bác, hỏi han đủ thứ. Bác giới thiệu tên mình, phát âm nghe na ná như tiếng “Ầy Dà”. Hóa ra bác là người gốc Campuchia, định cư tại New Zealand. Bố gốc Tàu, nhiều đời sống tại Campuchia. Mẹ là người Campuchia. Hỏi sao bác lại biết nói tiếng Việt? Bác cười hiền: “Cái hồi bọn Polpot nó giết mấy triệu người đó. Nhà tôi bị chúng giết hai người, mẹ và chị gái. Mấy bố con tôi được bộ đội Việt Nam cứu, đưa sang Việt Nam. Nhà tôi ở Chợ Lớn 10 năm rồi được bà con bảo lãnh qua bên New Zealand... Giờ nói tiếng Việt cũng khó hơn đấy, vì quên nhiều rồi. Sống được thế này, nhà tôi biết ơn Việt Nam lắm đó”. Nói rồi, bác lại cười, rất hiền từ.

Đúng là có bước chân đi xa mới hay gặp những câu chuyện bất ngờ. Có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ đến cái duyên kỳ ngộ thế này. Nhưng gọi tên bác là Ầy Dà nghe nó cảm thán thế nào ấy. Tôi thầm gọi bác bằng một cái tên mới, chứa cả nội dung câu chuyện của bác: “Biết ơn Việt Nam”.

Nhờ có bác Biết ơn Việt Nam mà chuyến đi của chúng tôi đỡ tẻ nhạt hơn hẳn. Con tàu trắng hai tầng chầm chậm lướt đi êm ru trên mặt nước xanh và trong vắt. Những gợn sóng lấp loáng nắng, dập dờn theo đàn thiên nga trắng lang thang trên mặt hồ. Những câu chuyện về Việt Nam, về cố quốc Campuchia, về miền đất định cư New Zealand của bác cứ nhẹ nhàng như một cuốn phim quay chậm giữa cảnh sắc thiên nhiên nhuốm màu cổ tích.

Tác giả bên phải cùng bác Biết ơn Việt Nam tại thành phố Olympic.

Bài học nhớ đời

Chúng tôi không thể chiếm thời gian của bác Biết ơn Việt Nam quá nhiều. Bác còn các mối quan hệ khác, còn phải nghỉ ngơi… Chúng tôi tiếp tục tự mình đối mặt với những tiếng xủng xoảng reng reng trong suốt hành trình mà chẳng thể hiểu là “nhà tour” giới thiệu cho du khách những gì. Tôi lại phải tự kỷ ám thị, tự mình “dịch và tưởng tượng” về những dòng sông, ngôi nhà, lâu đài cổ, những đỉnh núi tuyết trên dãy Alps huyền thoại. Nhìn thấy cái gì thì tự mình giới thiệu cho mình cái đó, như thể nhìn bàn tay mà bảo, ngón cái to nhất, còn ngón út nhỏ nhất, rất vớ vẩn!

Nhưng dẫu sao vẫn phải công nhận, người Trung Quốc làm tour cho đồng bào của họ quá tuyệt vời. Thời gian đến các điểm luôn khít khịt đúng theo lịch trình. Hướng dẫn viên thì khỏi nói, lấy đâu ra quá nhiều năng lượng, nói như xe tăng nhả đạn liên tục mà không hề thấy Ly Reng Reng bị hụt hơi. Trên đoạn đường dài di chuyển giữa các thành phố, cảnh sắc thiên nhiên không khác nhau là mấy, nghĩa là cũng đồng cỏ, lâu đài thấp thoáng, mái dốc lô xô, những thảm hoa chạy dài tít tắp… dưới sự dẫn dắt của hướng dẫn viên, đoàn người Trung Quốc bắt đầu hát. Người nọ giới thiệu người kia, họ lên đầu xe, cầm micro và cất lên những giai điệu. Tôi không hiểu nội dung nên việc họ hát hay họ nói chỉ khác nhau ở giai điệu chứ tiếng của họ phát qua micro thì vẫn có cảm giác như họ sắp... choảng nhau.

Nghe mãi mỏi tai, nhìn mãi mỏi mắt, thần kinh hết căng lại đến trùng… tôi nhắm mắt, lơ mơ ngủ, lơ mơ nghĩ về việc bỗng đâu lại chui vào cái tour du lịch của người Tàu này…

Lủng xủng loảng xoảng!... Tôi giật bắn mình. Cô Ly Reng Reng đang nhìn về phía tôi, tiếp tục làm nhiệm vụ “nhả đạn”. Bác Biết ơn Việt Nam cười trấn an, nhắc tôi rằng xe đã đến bến. Thế là đã hết 4 ngày đi tour. Thế là đã đi tàu trên hồ Geneve; đã tới thành phố Lausanne; thăm thành phố Olimpia; đã đắm chìm trong vẻ cổ kính của thành Bern – Thủ đô của Thụy Sĩ; Cũng đã đi cáp treo lên đỉnh núi Titlis thuộc dãy núi Alps; Cuối cùng, trước khi lên xe để trở về điểm xuất phát, chúng tôi đã kịp nện gót trên những con phố lát đá của thành phố Zurich…

Mọi người xôn xao chia tay nhau. Bác Biết ơn Việt Nam cũng nắm tay tôi, hẹn ngày (bỗng dưng) gặp lại. Cô Ly Reng Reng có vẻ hơi áy náy: Tao biết chúng mày không được thoải mái vì tao không còn thời gian thuyết minh bằng tiếng Anh, nhưng tao đã cố tình bố trí cho mẹ con mày phòng tốt nhất ở khách sạn. Lần sau đi đâu mày gọi tao nhé.

Tôi cười như mếu. Túm lại là, với tour này, nếu không có vụ gặp bác Biết ơn Việt Nam thì coi như chúng tôi chỉ như người đi ké, nhờ book khách sạn và phương tiện vận chuyển với một giá cắt cổ.

Lần sau ấy à, lưng vốn tiếng Anh đã kha khá thì tự tìm điểm đến, tự book vé và khách sạn rồi cứ thế mà lang thang… chứ đã không biết tiếng Hoa thì đừng có húc vào tour của người Tàu. Thế là đi một ngày đàng đã thêm được một sàng khôn.
Chúng tôi vẫy tay, bái bai cô Ly Reng Reng. Phục cô lắm nhưng mà vái cô cả nón. Sẽ không có lần sau. Nhé.

Tác giả bên phải cùng bác Biết ơn Việt Nam tại thành phố Olympic.

Có thể bạn quan tâm