Ngập trong nợ nần, Thuận Thảo lên kế hoạch năm thứ 6

Năm 2019, Thuận Thảo đặt kế hoạch lỗ sau thuế năm nay 170 tỷ đồng và nâng khoản lỗ lũy kế lên gần 1.500 tỷ đồng. Đại gia vận tải Phú Yên sẽ nối dài chuỗi thua lỗ năm thứ sáu liên tiếp nếu "hoàn thành"
Ngập trong nợ nần, Thuận Thảo lên kế hoạch năm thứ 6

Ban lãnh đạo công ty đã trình cổ đông kế hoạch phân chia lợi nhuận năm 2019 với 5% lợi nhuận được trích quỹ dự phòng tài chính; 10% trích quỹ đầu tư phát triển, 4% quỹ khen thưởng và 4% là quỹ phúc lợi. Còn lại, công ty sẽ giữ lại 77% lợi nhuận còn lại chưa phân phối.

Thực tế, kế hoạch phân chia lợi nhuận của CTCP Thuận Thảo (mã: GTT) gần như không thể thực hiện khi lãnh đạo công ty nhấn mạnh chỉ chia lợi nhuận khi đã bù hết khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính.

Theo báo cáo tài chính quý I/2019, doanh thu của Thuận Thảo chỉ đạt vỏn vẹn hơn 4,3 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế âm gần 41 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ hơn 42 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại , tổng nguồn vốn của Thuận Thảo đạt trên 740 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là hình thành từ nợ. Điều này khiến phía kiểm toán nhiều lần đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Cụ thể, công ty hiện vẫn phải duy trì khoản nợ ngân hàng lên tới 640 tỷ đồng, trong đó có tới gần 630 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và gần như không có khả năng chi trả.

Nhiều năm trở lại đây Thuận Thảo liên tục phải hoạt động trong tình trạng khó khăn, doanh thu không đủ bù chi phí, trong khi mỗi năm công ty này đều phải chi hơn 100 tỷ đồng chỉ để trả lãi ngân hàng.

Công ty cũng cho biết đang xem xét việc mua bán nợ để tìm kiếm nhà đầu tư, xử lý các tài sản thế chấp nhằm cơ cấu lại tài chính. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa có kết quả khả quan.

Cuối năm 2018, Công ty Bán đấu giá Lam Sơn đã thông báo bán đấu giá lần thứ tư khoản nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân. Dù được giảm giá từ 1.200 tỷ xuống còn 843 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có người mua.

Khoản nợ hiện là tài sản thuộc sở hữu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Hoạt động kinh doanh bết bát phản ánh trực tiếp lên cổ phiếu GTT khi thị giá hiện tại chỉ 300 đồng và gần như không có giao dịch. Các phiên họp đại hội cổ đông thường niên hàng năm của Thuận Thảo đều bất thành trong lần đầu tiên do không đủ số lượng tỷ lệ cổ phần biểu quyết.

Đơn cử như năm nay, trong cả hai lần tổ chức, chỉ có 6 cá nhân (đại diện cho 40% cổ phần có quyền biểu quyết) trong tổng số gần 1.850 cổ đông đến tham dự.

Nổi lên như một đại gia lừng lẫy đất Phú Yên trong giai đoạn 2009 - 2010, ngoài việc tăng vốn thần tốc, Thuận Thảo đã sử dụng đòn bẩy tài chính là vay nợ ngân hàng  để đầu tư dàn trải vào các dự án bất động sản…với hàng loạt dự án như khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai...

Tuy nhiên, du lịch Phú Yên chưa thực sự phát triển cùng với thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã khiếnThuận Thảo nợ nần chồng chất hàng nghìn tỷ đồng, thua lỗ triền miên từ năm 2014 cho đến nay.

Cuối tháng 2/2017, Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã hủy bỏ giá trị sử dụng toàn bộ hóa đơn, bao gồm cả tem, vé và thể do doanh nghiệp này nợ thuế hàng trăm tỷ đồng mà không có khả năng thanh toán.

 >> Tiếp tục "đại hạ giá" khoản nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm