Ngày Doanh nhân bàn chuyện kinh doanh

Những doanh nhân thành công luôn để lại những kinh nghiệm quý báu mà nhìn vào đó, các bạn trẻ có thể học hỏi và tiếp thêm động lực để phát triển sự nghiệp. Cùng Tạp chí Thương Gia lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm khởi ngày 13/10.

Để trở thành công doanh nhân nào cũng có những thời điểm bắt đầu với những bỡ ngỡ, khó khăn. Tuy nhiên, họ dám chấp nhận rủi ro để thực hiện niềm đam mê với khát khao cống hiến cho nền kinh tế nước nhà.

Theo thống kê, khối kinh tế tư nhân đang đóng góp 42% GDP, 53% cơ cấu vốn và 85% việc làm cho nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định những năm vừa qua, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế. Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới nhận định những năm qua, kinh tế tư nhân đang nổi lên là một động lực quan trọng cho tốc độ phát triển các năm tiếp theo. 

Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc CTCP May Hồ Gươm " Tôi thích đọc sách về chính trị gia Putin, thích du lịch và ước mơ sẽ tạo dựng được một doanh nghiệp mang tầm quốc tế".

May mắn hơn bạn bè cùng lứa, ngay từ khi tốt nghiệp đại học tôi đã được vào làm việc tại May Hồ Gươm, được đi theo các lãnh đạo cũ học hỏi cách quản lý, vận hành doanh nghiệp cùng với những gì đã được học ở giảng đường đại học tôi tích luỹ cho mình một lượng kiến thức kha khá trong kinh doanh.

Hơn 30 tuổi tôi đã trở thành Phó Tổng giám đốc công ty, gánh trên vai sự sinh tồn của cả một doanh nghiệp lớn, áp lực nặng nề nhưng nhờ những gì mình có được từ khi mới vào làm tại công ty tôi vượt qua được những khó khăn, mọi thứ dần đi vào ổn định.

Do vậy, tôi cho rằng, để thành công thì mỗi một doanh nhân phải có đam mê, để thành đạt thì điều quan trọng nhất là phải có kiến thức. Khi có kiến thức có kinh nghiệm rồi mình mới có thể phát triển kinh tế thị trường được.

Hiện tại, Chính phủ đang rất tạo điều kiện cho doanh nghiệp để phát triển kinh doanh, mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, đi đôi với đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Trong môi trường nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị mới được mở ra, lúc này những kiến thức mà mình tích luỹ được sẽ phát huy lợi thế mới có thể chiếm đấu với thị trường để tồn tại.

Những năm gần đây, lượng doanh nhân trẻ đang có sự gia tăng đáng kể, đây là bộ phận những người trẻ năng động bản lĩnh và đặc biệt là rất nhạt bén với các xu hướng mới, công nghệ mới...

Tôi tin rằng, với sự nhạy bén và năng động của tuổi trẻ cùng với kinh nghiệm của người đi trước truyền đạt lại họ sẽ là thế hệ mới, giúp kế thừa và phát triển kinh tế đất nước. Doanh nhân không chỉ là người làm ra lợi nhuận mà còn góp phần đóng góp thiết thực cho xã hội.

Ông Lê Văn Minh – Giám đốc Seabank khu vực miền Trung 2, Trưởng văn phòng VACOD miền Trung tại Đà Nẵng: "Học hỏi thế hệ doanh nhân 6x, 7x đời đầu khiến tôi đi nhanh, lớn nhanh".

Tôi trở thành Giám đốc khi còn rất trẻ và bí quyết giúp tôi lớn nhanh là tham gia và các Hiệp hội về doanh nghiệp, doanh nhân, thị trường một trong những nơi mà tôi gắn bó từ ngày còn chập chững là Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD.

Tại đây tôi có những người bạn, những người anh người chị họ là những doanh nhân thuộc thế hệ 6x,7x đời đầu khiến tư tưởng của tôi lớn rất nhanh. Vợ tôi vẫn hay nói với tôi, không hiểu vì sao bạn tôi toàn hơn tôi 10 đến 20 tuổi, thực tế thì tôi không có bạn bằng tuổi hay nhỏ hơn.

Nhưng quả thực mà nói, những người bạn lớn tuổi của tôi đã giúp tôi đi nhanh hơn về nhận thức cũng như cách làm kinh doanh. Những thế hệ quản lý cấp trung của tôi, tôi đều hướng các bạn đi theo con đường này.

Tôi nói với các bạn rằng, đến với các Hiệp hội đừng nghĩ là mình sẽ được cái gì, đối với những người hiểu biết sâu thì người ta sẽ không cho mình con cá mà sẽ cho mình cái cần để câu cá. Khi mình hoà cùng với lớp doanh nhân lớn tuổi mình mới hiểu được cái nhịp đập của nền kinh tế nó đang như thế nào bởi mọi sự dịch chuyển về kinh doanh hiện nay gần như đang ở trong tay các lớp doanh nhân đó.

Ngay cả khi anh làm ngân hàng, anh chỉ ngồi ở văn phòng mà không chịu đi giao lưu với các doanh nhân này làm sao anh hiểu xã hội cần gì, các doanh nghiệp cần gì. Làm sao hiểu được doanh nghiệp mong mỏi ở ngân hàng điều gì? Việc mình cần làm là tìm hiểu là chiến lược chứ không phải đến đó để bán hàng, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bán hàng trong Hiệp hội.

Bạn không thể kinh doanh với người thân của bạn được, cũng không thể kinh doanh với bố mẹ của bạn được, càng không thể kinh doanh với người bạn của bạn được. Vấn đề ở đây là cần giải quyết vấn đề lớn hơn của lĩnh vực mà mình đang tham gia.

CEO Hà Đức Hùng - CTCP Cơ khí Hà Giang Phước Tường "Trước mỗi trận đánh luôn cần những khoảng lặng. Trận đánh càng lớn khoảng lặng càng dài"

Doanh nghiệp của tôi đã từng rơi vào khủng hoảng trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu năm 2007, các đơn hàng giảm tới 70%, nhiều doanh nghiệp bỏ nghề cơ khí chuyển hướng kinh doanh .

Lúc đó, tôi cũng rơi vào trạng thái chơi vơi không biết phải làm sao nhưng rồi tôi tự nhủ đã xác định tạo một khoảng lặng trước mỗi trận đánh thì trong giai đoạn khó khăn tại sao không cố kéo dài thêm khoảng lặng để chuẩn bị cho trận đánh lớn hơn, khủng hoảng rồi sẽ qua như "sau cơn mưa trời lại sáng".

Tôi quyết định bám trụ và kéo dài khoảng lặng. Năm 2009, kinh tế dần phục hồi, các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại, nhu cầu về cơ khí tăng dần. Tại Đà Nẵng, ngoài doanh nghiệp của Hà Đức Hùng, hầu như không có đơn vị nào có thể đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn trong cùng thời điểm. Cứ thế, doanh nghiệp của tôi dần lớn lên và phát triển như ngày hôm nay.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hay còn được gọi là "những người lính thời bình" đã và đang có nhiều đóng góp xây dựng đất nước, đồng thời tham gia sâu, rộng hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với làn sóng hội nhập, phát triển kinh tế, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ vị thế là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nguồn lực cho khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Có thể nói chưa bao giờ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được xác định và đánh giá cao như hiện tại. Trên mặt trận kinh tế, doanh nghiệp - doanh nhân thực sự là lực lượng chủ công: "Doanh nghiệp là tài sản quốc gia và doanh nhân là hiền tài của đất nước" như ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm