Nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Trước những rủi ro hiện hữu của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhà đầu tư cá nhân phải hết sức cẩn trọng, phân tích rõ thông tin trước khi quyết đị
Nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Chỉ trong nửa đầu năm nay, gần 117.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp  đã được phát hành thành công, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lãi suất hấp dẫn, cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm được xem là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được khuyến khích phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cần vốn có thể trực tiếp huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng. 

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao sẽ khiến cho áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế. 

Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành trái phiếu lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro với nhà đầu tư khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh...

Một rủi ro nữa là về thanh khoản, bởi thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển khiến rủi ro của người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng.

Hiện, nhà đầu tư tổ chức là chủ yếu trên thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 93,9% khối lượng phát hành trong khi, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 6,1%; tuy nhiên, do trái phiếu phát hành chủ yếu theo phương thức riêng lẻ, đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích được rủi ro khi quyết định đầu tư nên sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nếu chỉ quan tâm đến lãi suất là tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thông thường, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và dám chấp nhận rủi ro.

Do đó, trước khi quyết định đầu tư nhà đầu tư cá nhân phải yêu cầu tổ chức môi giới, tổ chức phát hành cung cấp chi tiết các thông tin như trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, phát hành cho mục đích gì; trái phiếu có/không có tài sản đảm bảo, các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với chủ sở hữu trái phiếu, kỳ hạn trái phiếu, phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính): "Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Cho dù lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có thể cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhưng mức lãi suất hấp dẫn cũng đi kèm với rủi ro cao".

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cho rằng,  thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh có mặt tích cực là sẽ giúp đa dạng hóa kênh truyền tải vốn của nền kinh kế. Thay vì chỉ dựa vào kênh tài chính gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại và trung gian tài chính, các doanh nghiệp có thể huy động vốn trực tiếp của chủ thể thừa vốn trong nền kinh tế. Việc phát triển thị trường trái phiếu cũng góp phần khơi thông dòng chảy vốn của nền kinh tế, giảm chi phí do bớt các khâu trung gian...

Tuy nhiên, chỉ có công ty chứng khoán mới có nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh... phát hành chứng khoán cho doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng hiện nay đang chào mời khách hàng cá nhân được hiểu là đang hỗ trợ doanh nghiệp bán trái phiếu bởi khó có thể ngân hàng đứng ra bảo đảm cho trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, sẽ chỉ an toàn nếu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực sự minh bạch, được xếp hạng tín nhiệm và được kiểm toán định kỳ.

>>Các ngân hàng tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu quốc tế 

Có thể bạn quan tâm