"Nóng" chuyện phát hành trái phiếu ngân hàng

Huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu đang được hàng loạt ngân hàng thương mại triển khai trong thời gian gần đây.
"Nóng" chuyện phát hành trái phiếu ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Quyết định chấp thuận phương án phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2019 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) với lãi suất do ngân hàng quyết định, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động.

Hiện VietinBank còn đang nắm giữ hơn 32.000 tỷ đồng trái phiếu,trong đó trái phiếu hữu danh loại kỳ hạn trên 5 năm là 26.515 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) cũng vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2019. Theo đó, ACB dự kiến phát hành qua 5 đợt với 5.500 trái phiếu, mệnh giá mỗi trái phiếu 1 tỷ đồng, tương đương tổng mệnh giá phát hành tối đa 5.500 tỷ đồng với kỳ hạn 2-3 năm. 

Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất cố định trong suốt thời hạn phát hành, cụ thể thì tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư, nhưng tối đa không quá 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7%/năm đối với kỳ hạn 2 năm.

ACB cho biết mục đích phát hành trái phiếu lần này là nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của ngân hàng, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng trung dài hạn.

Trước đó, ACB cũng đã phát hành thành công 2.350 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, với mức lãi suất 6,8%/năm. Lô trái phiếu này đã được bán hết cho CTCP Chứng khoán VnDirect và CTCP Chứng khoán SHS.

Trong hai ngày 9 và 13/5, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) cũng phát hành thành công hai lô trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng.

Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Mức lãi suất được "cố định" ở mức 6,9%/năm.

Ngoài ra, vào đầu tháng 5/2019, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cũng là nhà đầu tư duy nhất "ôm trọn" lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB) phát hành riêng lẻ. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, với mức lãi suất cố định là 6,7%/năm.

HDBank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống phát hành thành công trái phiếu năm 2019 với tổng cộng 2.500 tỷ đồng (1.100 tỷ kỳ hạn 2 năm và 1.400 tỷ kỳ hạn 3 năm) với lãi suất từ 6,3% đến dưới 7%.

"Trong năm 2018 cũng có rất nhiều các ngân hàng đã phát hành trái phiếu. Số liệu tổng hợp cho thấy chỉ riêng 6 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VIB, HDBank, VPBank, VietinBank đã phát hành tổng cộng hơn 32.000 tỷ đồng trái phiếu, với các kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 7 năm, 10 năm, 12 năm, 15 năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, những trái phiếu kỳ hạn dài thì có thể tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang khá là thấp, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng lớn.

Thứ hai, các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn nữa vì sang năm cũng là lúc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40%. Phát hành trái phiếu là một giải pháp để gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn nhanh chóng.

Tuy nhiên trong tương lai sẽ phải đối mặt với không ít áp lực gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Trong đó có rủi ro về lãi suất, vì huy động vốn trung và dài hạn thì thường có lãi suất cao. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí vốn đầu vào tăng, khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng.

 >> Trái phiếu Chính phủ huy động được 2.400 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm