Bamboo Airways có gặp vấn đề về nhân sự khi phát triển quá nóng?

Trước việc Hãng hàng không Tre Việt điều chỉnh tăng máy bay từ 10 lên 30 chiếc, Bộ GTVT đã có yêu cầu về việc phát triển nguồn nhân lực của hãng phù hợp với quy mô tăng trưởng tàu bay, không để xảy ra
Bamboo Airways có gặp vấn đề về nhân sự khi phát triển quá nóng?

Mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Công ty Tre Việt hoàn thiện hồ sơ thực hiện điều chỉnh quy mô dự án theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

“Việc Công ty Tre Việt mở rộng quy mô khai thác để phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho người dân có thêm lựa chọn sử dụng dịch vụ vận tải hàng không cần được khuyến khích và ủng hộ. Do vậy, Bộ GTVT thống nhất về chủ trương cho Công ty Tre Việt tăng số lượng tàu bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc đến năm 2023”, văn bản nêu rõ.

Tuy nhiên, đối với Tre Việt, Bộ GTVT có 5 yêu cầu lớn, gồm yêu cầu Công ty Tre Việt xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu bay đảm bảo phù hợp Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và chủ trương đầu tư được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ GTVT yêu cầu Tre Việt tuân thủ các khuyến cáo và hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) trong quá trình triển khai dự án, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Tre Việt phải thuyết minh làm rõ việc duy trì mức vốn tối thiểu khi xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu bay để đảm bảo điều kiện kinh doanh và điều kiện về vốn tối thiểu theo quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Hãng phải xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay) phù hợp với quy mô tăng trưởng tàu bay đến năm 2023 để phát triển ổn định, bền vững và phù hợp với năng lực quản trị, khai thác an toàn tàu bay của hãng, năng lực phục vụ của cơ sở hạ tầng hàng không, năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không.

“Không để xảy ra tình trạng tranh giành phi công thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam”, văn bản nêu rõ.

Một vấn đề nữa được Bộ GTVT đề cập đến đó là yêu cầu Công ty Tre Việt ưu tiên cho việc phát triển thị trường vận tải hàng không tại các cảng hàng không, sân bay còn dư công suất khai thác (sân bay địa phương) nhằm phát triển du lịch địa phương, tập trung khai thác vào khung giờ bay thấp điểm để giảm tình trạng quá tải tại các cảng hàng không, sân bay.

Lo ngại vấn đề nhân sự của Bộ GTVT trước sự phát triển đội tàu bay của Công ty Tre Việt là có cơ sở bởi, đầu tháng 6/2018, phi công của Vietnam Airlines đã đình công tập thể để phản đối những chính sách mà họ cho là “trói chân người lao động” của hãng bay.

Trong đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, các phi công của Vietnam Airlines nói rằng hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo.

Đáng chú ý, nhóm này còn cho rằng hãng bay đang làm khó phi công muốn nghỉ việc khi hợp đồng lao động có nhiều điều khoản nghỉ việc mà họ cho là vô lý như phải báo trước 120 ngày hay phải bồi thường 2-3,5 tỷ đồng chi phí hỗ trợ đào tạo mà không có hoá đơn chứng minh.

Nếu Vietnam Airlines gặp khó khăn trong việc giữ chân phi công thì những hãng bay mới như Bamboo Airways hay Vietjet Air lại gặp khó trong việc tuyển người cầm lái, vì nguồn nhân lực ngành hàng không không những cả trong nước mà cả nước ngoài đều thiếu.

Cầu vượt quá cung lo ngại của Bộ GTVT là có cơ sở khi trước đó các hãng hàng không đã có những tố cáo về việc tranh giành phi công thời gian vừa qua.

Viện đào tạo Hàng không có kịp đáp ứng nhu cầu?

Theo một ước tính từ Boeing, cho đến năm 2034, thế giới sẽ cần thêm 558.000 phi công mới để phục vụ nhu cầu và sự phát triển ngành hàng không. Con số này tính riêng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 226.000 phi công.

Tại Việt Nam, sự tăng trưởng nóng trong lĩnh vực hàng không cũng đặt ra bài toán lớn về nhân sự. Khi tính đến tháng 6/2019, Việt Nam mới chỉ có một trường đào tạo phi công dân dụng duy nhất được Cục HKVN phê chuẩn là trường Bay Việt thuộc Công ty CP Đào tạo Bay Việt (công ty con của Vietnam Airlines), mỗi năm đào tạo tốt nghiệp từ 80-100 phi công.

Ước tính con số này chỉ bằng khoảng 20% số nhân sự phi công cần thiết mỗi năm tại Việt Nam giai đoạn từ nay đến 2023. Chính vì thế, nhu cầu về nhân sự trong ngành hàng không hiện rất lớn, nhiều Tập đoàn lớn đã nhảy vào mảng đào tạo nhân lực ngành hàng không đầy tiềm năng này.

Cụ thể là Bamboo Airways, hãng hàng không mới đi vào hoạt động 6 tháng đã vội vã khởi công xây dựng viện đào tạo hàng không.

Ngày 28/7, tại khu quy hoạch Trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực thuộc Khu lõi Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, Quy Nhơn, Bamboo Airways đã tổ chức Lễ khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways.

Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có quy mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển.

Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung trong các chuyên môn nghiệp vụ ngành như: Phi công, Tiếp viên hàng không, Kỹ thuật, Khai thác Mặt đất, Điều hành Khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…

Hay Vingroup sau khi thành lập Vinpearl Air cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác cùng tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới CAE Oxford Aviation Academy trong dự án thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam.

Vingroup tham vọng VinAviation và Trung tâm huấn luyện bay sẽ cung cấp khoảng 400 phi công, kỹ thuật viên đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và EASA ra thị trường mỗi năm. Dự kiến, Vingroup sẽ bắt tay vào tuyển sinh ngay từ tháng 8/2019.

Tuy nhiên, một phi công thực thu phải trải qua một quy trình đào tạo cực kỳ khắc nghiệt. Đầu tiên, các học viên trước tiên phải qua được khâu tuyển chọn vô cùng khó khăn về thể hình và thể lực.

Sau khi qua vòng sơ tuyển, các học viên sẽ tham gia khóa huấn luyện phi công dự khóa, các học viên sẽ được chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tiếp thu tốt chương trình huấn luyện phi công cơ bản. Giai đoạn này sẽ kéo dài 6 tháng.

Giai đoạn thứ hai của quá trình đào tạo phi công là chương trình đào tạo phi công cơ bản. Để có thể tham gia khóa học dài 16 đến 18 tháng này, các học viên phải đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe và vượt qua vòng phỏng vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không.

Tiếp đó, các học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ trong khoảng 1 năm, rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và 5 năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính.

Do đó, đào tạo được một phi công thực thụ thường sẽ phải mất từ 7 đến 9 năm.

Như vậy, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air hiện nay mới chỉ trong quá trình xây dựng thì ít nhất cũng phải gần 10 năm nữa thì 2 cơ sở này mới có thể cho ra đời những lứa phi công đầu tiên đáp ứng nhu cầu thị trường.

Có thể bạn quan tâm