Bán 50.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Habeco, Sabeco trong 16 tháng

Sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, toàn bộ 9.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Habeco sẽ được thoái trong năm nay, trong khi 40.500 tỷ đồng tại Sabeco sẽ bán trong giai đoạn 2016-2017.
Bán 50.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Habeco, Sabeco trong 16 tháng
 

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới việc thoái vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty tại cuộc họp báo chiều 31/8 của Chính phủ, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này đã "chốt" lộ trình niêm yết, phương án thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Rượu - bia - nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Sài Gòn (Sabeco).

Theo Thứ trưởng Hải, dù Habeco đã cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn giữ gần 82% vốn điều lệ và tỷ lệ này tại Sabeco là gần 89,6%. “Lộ trình thoái vốn tại Habeco và Sabeco được Bộ Công Thương xây dựng dựa trên quy mô vốn của mỗi doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói. Cụ thể, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco, tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Riêng lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt thứ 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco sẽ được thoái ngay trong năm 2016 - 2017

Vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco sẽ được thoái ngay trong năm 2016 - 2017

“Việc thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này sẽ đảm bảo theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh, chống độc quyền và lợi ích nhóm”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Riêng về giá bán, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập (trong nước hoặc nước ngoài) để thẩm định. Trong trường hợp doanh nghiệp đã niêm yết thì lấy giá giao dịch trên sàn làm tham chiếu khi đấu giá bán vốn, không phân biệt thành phàn kinh tế, ngành nghề kinh doanh tham gia vào đấu giá.

“Bộ Công Thương đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp phải niêm yết theo đúng quy định. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, Bộ sẽ triển khai các công việc như thuê tư vấn trong ngoài nước để thẩm định giá trị cổ phiếu, đấu giá công khai, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước”, ông Hải khẳng định.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng khẳng định tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "Chính phủ không đi bán bia, bán sữa". Với Habeco và Sabeco, Thủ tướng chỉ đạo phải tiến hành niêm yết ngay trên sàn chứng khoán theo đúng quy định của luật. “Việc hai doanh nghiệp này phải niêm yết là việc bắt buộc, chứ không phải có hay không”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Nói thêm về quy định bắt buộc doanh nghiệp Nhà nước phải niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi cổ phần hoá, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Vũ Thị Mai cho hay, quy định này đã được nêu rõ tại Quyết định 51/2014 về thoái vốn và bán cổ phần doanh nghiệp giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng thực tế “có doanh nghiệp trốn niêm yết”.

“Hiện nay, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là bắt buộc với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhưng phải đủ điều kiện. Với doanh nghiệp chây ỳ, cơ quan chủ quản cần có sự đôn đốc”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm