Bán mía đường, cơ cấu nợ, bức tranh hoạt động của HNG có sáng?

Quyết định bán đi mảng mía đường và cơ cấu lại nợ vay được kỳ vọng là những giải pháp giúp CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh q
Bán mía đường, cơ cấu nợ, bức tranh hoạt động của HNG có sáng?

Bán mảng mía đường, quyết định khó khăn

Ngày 19/5/2017, Hội đồng quản trị của CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Ninh (SBT) đã đồng thời ra nghị quyết về việc đầu tư chiến lược vào Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar) do HNG nắm 99,987% vốn điều lệ.

Theo đó, BHS chi ra 798 tỷ đồng, còn SBT sẽ chi ra 532,1 tỷ đồng để mua lại lần lượt 60% và 40% cổ phần của HAGL Sugar, giao dịch dự kiến hoàn tất trong thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2017.

Như vậy, sau khi chuyển giao quyền vận hành, quản lý kinh doanh với các nhà máy đường, nông trường mía tại Lào từ 31/8/2016, cuối cùng, những thông tin chính thức về giá bán của HNG với mảng mía đường đã được công bố.

Việc phải bán đi mảng mía đường được coi là một quyết định không dễ dàng với HNG, bởi đây là mảng hoạt động quan trọng, chiếm tỷ trọng thứ 2 trong cơ cấu doanh thu của Công ty, chỉ sau mảng chăn nuôi bò.

Hoạt động sản xuất mía đường của HNG tại Lào có lợi thế hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước, nhờ thổ nhưỡng phù hợp, trồng trọt tập trung theo hướng công nghệ cao, do đó, năng suất trồng mía ước tính gấp đôi mức trung bình của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng mía đường của HNG lên tới 28,73% trong 2016, cao gấp đôi so với các doanh nghiệp đường trong nước (bình quân lợi nhuận gộp chỉ từ 10 - 15%) và cũng cao hơn biên lợi nhuận gộp của các mảng hoạt động khác của HNG như chăn nuôi bò (12,11%), sản xuất hàng hóa (5,26%)…

Đặc biệt, hoạt động sản xuất mía đường của HNG còn nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ Lào và Việt Nam, mà cụ thể là chính sách ưu đãi của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào. Theo đó, đường nhập khẩu từ Lào khi về Việt Nam theo hạn ngạch chỉ chịu mức thuế suất 0%.

Còn nhớ, trong năm 2013, câu chuyện đề xuất cấp hạn ngạch nhập khẩu đường về Việt Nam tinh chế, sau đó xuất đi Trung Quốc đã bị Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) phản ứng dữ dội, bởi VSSA cho rằng HNG đầu tư sản xuất ở Lào có giá thành thấp hơn hẳn, nếu nhập về Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân trồng mía trong nước.

Từ đó cho thấy, lợi thế cạnh tranh của HNG đã được chính các doanh nghiệp trong ngành thừa nhận. Năm 2016, khi kế hoạch bán mảng mía đường được chia sẻ đã khiến nhiều nhà đầu tư và cổ đông của HNG lo ngại, lo nhất là hiệu quả của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng khi mất đi một mảng quan trọng.

Dẫu vậy, nhiều phân tích đều nhận định đây là bước đi cần thiết trong hoàn cảnh nợ vay đang đè nặng lên tình hình tài chính của HNG. Với mức giá bán 1.330 tỷ đồng sẽ đem về dòng tiền quan trọng để HNG thực hiện lộ trình tái cơ cấu, giảm nợ vay trong năm 2017.

2017: trọng tâm cơ cấu nợ

Tính đến cuối năm 2016, cơ cấu nguồn vốn của HNG mất cân đối khá lớn khi nợ phải trả lên đến 24.985 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 70,44% cơ cấu nguồn vốn. Trong đó, vay ngắn hạn và dài hạn hơn 20.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của HNG lên đến 2,38 lần.

Thông thường, các doanh nghiệp duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức dưới 1,5 lần, chỉ ở một số ngành đặc thù như bất động sản hay xây dựng, tỷ lệ này mới lớn hơn 1,5 lần. Con số trên 2,38 lần của HNG khiến nhà đầu tư không khỏi e ngại về rủi ro thanh toán nợ và áp lực chi phí lãi vay.

Thực tế, gánh nặng lãi vay 701 tỷ đồng, gấp 1,37 lần lợi nhuận gộp là nguyên nhân chính khiến HNG lỗ sau thuế 1.020 tỷ đồng trong năm 2016, dù doanh thu thuần của Công ty tăng 9,9% so với năm 2015 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tính bình quân mỗi ngày, HNG phải trả 1,92 tỷ đồng tiền lãi.

Do vậy, trong năm 2017, bên cạnh việc tập trung vào hoạt động kinh doanh thì vấn đề cơ cấu nợ là trọng tâm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư đối với HNG. Từ đầu năm đến nay, hoạt động này cũng đã ghi nhận một số kết quả nhất định.

Mới đây, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I của HNG mới được công bố ngày 20/5, khoản nợ trái phiếu trị giá 1.400 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) bắt đầu đáo hạn từ cuối năm 2017 đã được gia hạn thêm 2 năm và sẽ đáo hạn từ 2019 - 2021, phần nào giúp HNG giảm áp lực trả nợ lên dòng tiền trong ngắn hạn.

Ngày 15/5, Hội đồng quản trị HNG đã ra nghị quyết tiếp tục thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, nhằm hoán đổi các khoản nợ.

Thông tin cụ thể tuy chưa được công bố, nhưng với tỷ lệ sở hữu 67,84% vốn điều lệ của công ty mẹ - CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), có lẽ không quá khó khăn để phương án này được thông qua.

Việc phát hành hoán đổi công nợ tuy không đem lại dòng tiền mới cho Công ty, nhưng một mặt làm giảm vay nợ, tăng vốn chủ sở hữu, giúp hệ số tài chính được cải thiện, mặt khác giúp giảm chi phí lãi vay mà Công ty phải trả. 

Trước đó, ngày 20/2, Hội đồng quản trị của HNG cũng đã phê duyệt chủ trương hoán đổi 200 tỷ đồng trái phiếu do HAGL phát hành sang 20 triệu cổ phiếu HNG với giá chuyển đổi bằng mệnh giá, tương ứng 2,6% số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty. Các thủ tục đã hoàn tất vào ngày 4/5 vừa qua.

Dù đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại nợ vay, nhưng chi phí lãi vay của HNG vẫn cao. Báo cáo tài chính quý I/2017 của HNG cho thấy, nợ phải trả của HNG đã giảm 1.225 tỷ đồng so với cuối 2016, nhưng lãi vay vẫn lên tới 182 tỷ đồng, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi lãi vay chưa có dấu hiệu suy giảm thì doanh thu của HNG lại sụt giảm mạnh, chỉ còn hơn 1/3 so với cùng kỳ 2016.

Doanh thu sụt giảm sau khi bán mảng mía đường là điều đã được dự báo trước, nhưng đáng chú ý là trong quý I/2017, mảng bán bò - mảng kinh doanh chủ lực của HNG khi đóng góp 72,6% doanh thu và 82,35% lợi nhuận gộp trong năm 2016, cũng sụt giảm tới 78% doanh thu so với cùng kỳ. Song song với đó là giá vốn tăng mạnh, khiến lỗ gộp đạt gần 4 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý nữa là doanh thu mảng bán bắp không được ghi nhận trong quý I/2017 sau khi giảm 54,54% trong năm 2016. Như vậy, có khả năng HNG đã loại bỏ hoàn toàn mảng này ra khỏi hoạt động.

Việc sụt giảm trong 3 mảng hoạt động kinh doanh chính khiến doanh thu mảng bán hàng hóa, dù tăng mạnh 6 lần trong quý I cũng không giúp doanh thu, lợi nhuận của HNG tránh khỏi đà sụt giảm mạnh. Tính đến hết quý I/2017, doanh thu HNG đạt 470,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10,09 tỷ đồng, giảm lần lượt 63,32% và 90,7% so với cùng kỳ 2016.

Điểm tích cực trong tình hình kinh doanh của HNG là mảng cao su. Từ chỗ phải chịu lỗ trong năm 2016 đã ghi nhận doanh thu 56,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt hơn 5 tỷ đồng trong quý I/2017, nhờ giá cao su thiên nhiên hồi phục mạnh. Giá cao su thiên nhiên tăng mạnh từ đầu tháng 9/2016 đã giúp hàng loạt doanh nghiệp khác trong ngành như PHR, DPR, TRC… cải thiện lợi nhuận đáng kể.

Do đó, có thể kỳ vọng mảng này của HNG sẽ được tăng cường khai thác, gia tăng doanh thu, sản lượng, bù đắp cho các mảng kinh doanh còn lại trong những quý tiếp theo.

Sau 5 tháng đầu năm, dù hoạt động cơ cấu nợ phần nào đạt được những kết quả nhất định, nhưng bức tranh kinh doanh của HNG đang cho thấy nhiều khó khăn.

Khả năng trở lại quỹ ETF

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, kỳ review quý II của 2 quỹ ETF trên thị trường Việt Nam sẽ chính thức diễn ra. Đây được xem là tâm điểm chú ý của thị trường tháng 6 trong bối cảnh vùng trống thông tin khi mùa đại hội đồng cổ đông, báo cáo kết quả kinh doanh quý I đã qua đi, còn mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II lại chưa tới.

Theo dự báo mới nhất của các công ty chứng khoán, cổ phiếu HNG đang là một trong những ứng viên sẽ được bổ sung trở lại danh mục quỹ FTSE ETF trong kỳ review tới. Trước đó, HNG bị loại khỏi danh mục trong kỳ review quý IV/2016 do không đáp ứng được tiêu chí về thanh khoản. Tuy nhiên, tiêu chí này hiện đã đáp ứng được trở lại.

Nếu điều này được thực hiện, đây sẽ thêm một tin vui cho những cổ đông của Công ty trong bối cảnh thông tin kết quả kinh doanh thiếu tích cực. Từ đầu năm 2017, thị giá HNG đã tăng trưởng gần 100%, phản ánh những kỳ vọng về những gian khó của 2016 đã qua đi và kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, đà hồi phục của cổ phiếu này có bền vững hay không sẽ phụ thuộc không nhỏ vào những định hướng, giải pháp để vực dậy Công ty mà Ban lãnh đạo Công ty sẽ chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến được tổ chức vào ngày 30/6 tới.

Theo Khắc Lâm/ TNCK

Có thể bạn quan tâm