Bàn về con đường mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô

Thời gian vừa qua, sự ra đi của bà Hoàng Thị Minh Hồ - người vợ tào khang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã gây chấn động dư luận.
Bàn về con đường mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô

Bà thọ 104 tuổi, là người đã chứng kiến những sự kiện lịch sử gắn với sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước từ thời kỳ đầu. Lật lại những bài báo viết về bà, người ta lại nhớ tới sự nghiệp vĩ đại của nhà tư sản, doanh nhân Trịnh Văn Bô-chồng bà đã qua đời năm 1988.

Quay trở lại thời kỳ lịch sử của những nhà đại tư sản dân tộc trong thời kỳ cách mạng tháng 8 thành công, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với khó khăn đó là tiền. Kho bạc Nhà nước chỉ còn 1,2 triệu đồng Đông Dương (tính cả số tiền rách nát chờ đổi, và chưa kể tiền nợ lên tới 564 triệu đồng thì con số 1,2 triệu kia quả là buồn thảm).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quả là một người tài giỏi, khi người đề xuất giải pháp thần kỳ hữu hiệu: Dựa vào sức mạnh toàn dân, phát động chiến dịch “Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng” nhằm “thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để dùng vào việc khẩn cấp và quan trọng nhất là việc quốc phòng”. Bài thơ tuyên truyền kêu gọi góp nữ trang như sau:

"Hoa tai chỉ tổ nặng tai,
Đeo kiềng nặng cổ hỏi ai có vàng!
Làm dân một nước vẻ vang
Đem vàng cứu nước, giàu sang nào bằng?
Đổi vàng lấy súng cối xay,
Đánh tan giặc Pháp dựng ngày vinh quang.
Mỗi khi các chị ra đường,
Cổ tay chẳng xuyến, chẳng vàng... vẫn xinh"
Lúc này làm dáng càng dơ,
Hãy đem vàng để phụng thờ nước non.
Người còn thì của hãy còn,
Nhà tan nước mất, vàng son ích gì?"

Hai chiến dịch này đã thu về cho chính phủ 60 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng! Riêng Hà Nội góp 2.201 lạng vàng và 920 tạ thóc và nhiều hiện vật lên tới 7 triệu đồng.

Số tiền này được chính phủ dùng làm gì? Theo nhiều tư liệu để lại, hồi đó, không ai được phép tơ hào một xu, không tham ô, hối lộ, mót của, ăn cắp; nhờ số tiền này mà Chính phủ đã dùng 1000 cây vàng “lót tay” cho mấy tướng Tầu để họ chấp thuận đưa 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc, đồng thời mua chịu vũ khí mà quân Nhật bại trận giao nộp cho lính Tàu. Tiền này may 20 vạn bộ quân trang và áo trấn thủ cho bộ đội, phục vụ buổi duyệt binh biểu dương lực lượng, cứu đói, thành lập các cấp… (Theo Những gương mặt không thể nào quên, NXB Kim Đồng 2014).

Ngày 7/11, chính quyền Hà Nội cho hay đã trình HĐND TP phương án đặt đổi tên đường phố. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm, cơ quan dân cử của Thủ đô sẽ xem xét thông qua nghị quyết đặt tên cho 20 đường phố mới và điều chỉnh độ dài của 5 tuyến phố.

Cảm nhận sự đóng góp này của nhân dân, đặc biệt là của giới công thương, Hồ Chủ tịch đã có cuộc gặp gỡ với các đại diện giới này, đồng thời, gửi thư biểu dương nhiệt tình và lòng yêu nước của họ. Ngày người gửi thư (13/10/1945) về sau trở thành Ngày Doanh Nhân Việt Nam và được tổ chức hàng năm.

Đứng đầu danh sách những người đóng góp công nhiều nhất vào Quỹ Độc Lập và Tuần Lễ Vàng là ông bà Trịnh Văn Bô - một trong những người kinh doanh phát đạt và giàu có bậc nhất kinh kỳ vào những năm 1940, hiến cho Chính phủ 5.147 lạng vàng, và hàng nghìn đồng Đông Dương cùng nhiều hiện vật, nhà cửa, tài sản cá nhân. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi vợ chồng ông là Đại ân nhân của cách mạng!

Vậy, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô là ai?

Cha ông là cụ Trịnh Văn Đường - chủ tiệm buôn Phúc Lợi có tiếng ở Hà Nội xưa vốn là hậu duệ đời thứ 9 của chúa An Đô Vương Trịnh Cương - vị chúa duy nhất mà thời ông trị vì không có binh đao chiến tranh, thiên hạ thái bình ấm no. Cụ Đường vốn kinh doanh trong mảng tơ lụa, cụ cũng từng gây quỹ cho trường Đông Kinh Nghĩa Thục, xây dựng một sản nghiệp lớn nhờ tài năng, trí tuệ, sự cần cù, sáng tạo thể hiện tinh thần vượt khó, bất chấp luật lệ hà khắc của thực dân Pháp. Cụ đào tạo cả một thế hệ các nhà tư sản thời bấy giờ như ông Nguyễn Đức Mậu (Hiệu PHát Hòa), ông Mai Bá Lân (Hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (Hiệu Lợi Hòa).

Cụ cũng đã từng gặp gỡ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) khi cụ ra Hà Nội gặp gỡ các nhân sĩ Bắc Hà. Có thể đây cũng là một trong những lý do để Hồ Chủ Tịch chọn gia đình ông Trịnh Văn Bô để làm nơi ở và nơi làm việc trong suốt 3 tuần đầu sau khi rời chiến khu)?

Cụ Đường có 3 người con, trong đó có hai người con trai là Trịnh Văn Bính và Trịnh Văn Bô đều được cụ cho đi học trường Tây Albert Saraut ở Hà Nội, sau khi đỗ tú tài, lại cho sang Pháp học thêm. Ông Bính thi đỗ trường Cao đẳng Thương mại HEC tại Paris và tài chính ở Đại học Oxford nước Anh, về nước, ông là “Linh hồn của nền tài chính cách mạng Việt Nam”.

Người con thứ hai chính là Trịnh Văn Bô, vì có trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ, nên bỏ đường học hành bên Tây, cưới vợ theo sự kén chọn của cha mẹ, lấy cô gái Hoàng Thị Minh Hồ, vốn dòng trâm anh lại giỏi giang, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương và cháu gọi cụ Hoàng Đạo Thúy là chú ruột. Sự kết hợp hôn phối này tạo nên một sức mạnh trong kinh doanh khi hai ông bà được giao thừa kế ngôi nhà 48 Hàng Ngang – cửa hiệu Phúc Lợi và toàn bộ các mối làm ăn, kinh doanh của gia đình.

Những năm tháng đất nước đao binh, mà hai doanh nhân Trịnh Văn Bô -Hoàng Thị Minh Hồ đã dốc sức tìm những phương cách làm ăn mới, phát triển thị trường, xây dựng cơ sở sản xuất, vươn ra hoạt động ở nước ngoài, nên từ số vốn 30.000 đồng Đông Dương khởi nghiệp, sau 15 năm, đã trở thành một con số khổng lồ trở thành một doanh nghiệp tư sản giàu nhất nhì Hà Nội. Hiệu buôn Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang trở thành điểm nóng hàng đầu trong việc sản xuất và buôn bán vải vóc tơ lụa sang các nước Đông Dương, Thái Lan, Pháp, Anh, Thụy Sỹ, Ấn, Trung Quốc, Nhật…

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô luôn ghi nhớ và thực hiện những nguyên tắc sống: “Làm ra được 10 thì chỉ giữ lại cho mình 7 phần, còn 3 phần làm việc phúc đức. Như thế mới lâu bền”. Nổi tiếng không chỉ vì giầu nhất nhì Hà Nội, mà vợ chồng ông còn nổi tiếng bởi làm các việc phúc trợ giúp cho các hoàn cảnh và giúp cho xã hội. Hiệu buôn Phúc Lợi trở thành một địa chỉ đỏ khi được đón Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời mới ở chiến khu về. Việc nuôi cán bộ Việt Minh trong nhà khi đó là một mạo hiểm, thế mà, nhà vợ chồng Tư sản Trịnh Văn Bô đã có lúc, “chứa” tới 15 cán bộ cấp cao nhất trong nhà như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt…

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa khi chính tại đây, Hồ Chủ Tịch đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập – khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 9/1945.

Một điều thú vị nữa, là trước lễ độc lập 2/9 một tuần, các cán bộ và ngay cả Hồ Chủ Tịch cũng không có quần áo trang trọng phù hợp, chỉ toàn là quần áo cũ, sờn rách, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã mở tủ quần áo gia đình lấy các bộ quần áo vest sang trọng của chồng mình là ông Trịnh Văn Bô để đưa cho các ông mặc. Riêng Bác Hồ, ông bà chọn may vải kaki của Anh màu vàng ngà và được thợ may Phúc Hưng giao tới đúng ngày 30/8/1945 – trước Lễ độc lập 2 ngày… Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn cho các cán bộ quân đội mượn ngôi biệt thự số 34 Hoàng Diệu sử dụng trong những ngày đầu cách mạng…

Đặc biệt, được sự ủy thác của Bộ trưởng Tài Chính Nguyễn Lương Bằng, ông Trịnh Văn Bô cùng một số nhà tư sản yêu nước khác đứng ra xây dựng Việt Nam Công Thương Ngân hàng nhằm điều phối công tác tín dụng thay thế cho Ngân hàng Đông Dương của Pháp.

5/11/2017- người đàn bà – thương gia tài giỏi Hoàng Thị Minh Hồ- người bạn đời của nhà tư sản, doanh nhân Trịnh Văn Bô tạm biệt dương thế, thọ 104 tuổi, để lại sự kính trọng, ngưỡng mộ, biết ơn và cả những nỗi buồn còn vướng lại. Bà mất đi, để lại di chúc chuyển số tiền phúng viếng của bà tới làm công việc từ thiện- người đàn bà nhân hậu tới khi mất vẫn còn nghĩ tới việc phúc để lại.

Theo kế hoạch, con đường Đông Quan (Cầu Giấy) sẽ trở thành con đường Trịnh Văn Bô (1914-1988)– có chiều dài 1,2 km, rộng 7,5m, có điểm giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học Viện Quốc Phòng.

Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô dài 1,2 km, rộng 7,5 m, từ đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

Việc đặt tên đường Trịnh Văn Bô là hoàn toàn xứng đáng tuy có phần chậm, nhưng có ý kiến cho rằng, công lao của bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng không kém. Nên chăng, lấy chung một cái tên Đường Ông Bà Trịnh Văn Bô, và giá như chúng ta có thể chọn được một con đường to đẹp, bề thế hơn, nằm tại một khu vực trung tâm hơn, thay cho một con phố quá nhỏ, ngắn và khuất như con đường đang được chọn thì hay biết mấy. Con phố ấy sẽ là một biểu tượng gợi nhớ về lòng yêu nước của giới công thương xưa cũng như lời nhắc nhở với những doanh nghiệp nay.

Bài: Khang Dân

Ảnh: Tư liệu

Có thể bạn quan tâm