Báo chí và doanh nhân - Đồng hành trên con đường phát triển

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam 21/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đối thoại doanh nhân với nhà báo với chủ đề: "Báo chí và doan
Báo chí và doanh nhân - Đồng hành trên con đường phát triển

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam 21/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đối thoại doanh nhân với nhà báo với chủ đề: "Báo chí và doanh nghiệp thời hội nhập". Tham dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, các doanh nghiệp trên cả nước. Đây là dịp để các doanh nhân và những người làm báo cùng nhau trao đổi, thảo luận về vai trò của báo chí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với cộng đồng doanh nghiệp, giúp hai bên hiểu biết nhau hơn, giúp nhau cùng phát triển và vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Báo chí và cộng đồng doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, nhất là trong việc cải cách thủ tục hành chính. Báo chí còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Một bài báo có thể khiến một doanh nhân vững vàng hơn, nhưng cũng có thể kéo cả một doanh nghiệp “ngã xuống” không cưỡng lại được. Trong mối quan hệ khá đặc biệt này, trách nhiệm đang là đòi hỏi tiên quyết từ cả hai phía. Những mối nghi ngại Chuyện của bà Nguyễn Thu Giang Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần thương mại Việt Xưa  khiến những người có mặt tại cuộc đối thoại phải suy ngẫm. Bà Giang kể, doanh nghiệp của bà đã thành lập 20 năm nay, nhưng chủ yếu là xuất khẩu. Giờ bà đang quay lại thị trường nội địa. Song, vướng mắc rất lớn của bà lại là… truyền thông. “Chúng tôi không có kinh nghiệm truyền thông, nên e ngại, không biết cách nói tốt về mình, dù chúng tôi đã đầu tư rất nhiều công sức để có công nghệ, chất lượng sản phẩm tốt. Nhưng báo chí cũng lại e ngại khi nói về một sản phẩm nào đó tốt, vì sợ bị nghĩ là… có gì sau đó”, bà Giang thẳng thắn nói. Vậy là, thông tin về sản phẩm của Công ty bà Giang, cũng có thể của nhiều doanh nghiệp Việt khác, khó đến với thị trường một cách đầy đủ, chính xác bởi những sự nghi ngại không đáng có từ hai bên. Đây là điều đáng tiếc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội và hàng ngoại, giữa sự khôn khéo, tài chính dày dặn của các công ty, tập đoàn đa quốc gia… Thực ra, khúc mắc của bà Giang có chưa phải là vấn đề lớn, nhưng điều đáng nói là tâm lý e ngại này đang chi phối mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, thậm chí còn lớn dần lên từ những vướng mắc không hề lớn. Ngay cả ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thanh Hóa vốn không lạ lẫm gì với giới truyền thông trong cái tên “bầu Đệ” một thời của bóng đá Thanh Hóa cũng phải thừa nhận điều này. “Doanh nghiệp khó chết vì thiếu vốn, nhưng rất dễ chết vì cơ chế, chính sách. Có những dự án gần đi đến đích rồi, nhưng một văn bản từ cơ quan chính quyền thế là chấm dứt. Nhưng thông tin báo chí lại không đầy đủ, nhiều khi lại “hình sự hóa” khiến chúng tôi nhụt chí”, ông Đệ chia sẻ. Đó là chưa kể có ngày ông nhận được tới 30 cuộc điện thoại mời quảng cáo từ các báo, rôi những bài báo săm soi… “Việc chúng tôi ngại báo chí là có thật”, ông Đệ nói. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phú Thọ còn cảm thấy không an tâm với những nhà báo… xem voi, đến và phán không đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ báo chí để phát huy tính chiến đấu, nhưng phải song phẳng, chuyên nghiệp và có văn hóa. Có tốt, nói tốt, có xấu, bêu xấu, đừng để con sâu làm rầu nồi canh. Nếu không, chúng tôi sẽ phải nhìn báo chí bằng con mắt khác. Doanh nghiệp, doanh nhân đang xây dựng văn hóa kinh doanh, cũng đề nghị báo chí, nhà báo cũng vậy. Tất cả vì sự phát triển”, ông Thản nói. Trách nhiệm từ hai phía Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói, muốn những người đồng hành trong sự phát triển của đất nước thực sự hiểu nhau. “Đại hội Đảng XII và các nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra những điểm tựa quan trọng cho phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Lần đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân được xác định là một động lực phát triển. Lần đầu tiên Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển xác định con số 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020… Trong điều kiện mới này, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Doanh nghiệp, doanh nhân sẽ cô đơn nếu thiếu người đồng hành là báo chí”, ông Lộc trao đổi. Đặc biệt,  lần đầu tiên báo chí cũng được nhắc tới trong nghị quyết 35 như một bên đối thoại. “Để đảm bảo các nội dung của Nghị quyết 35 này đi vào cuộc sống, bên cạnh sự tham gia của doanh nghiệp, không thể thiếu sự đồng hành, giám sát và phát hiện của báo chí”, ông Lộc nói. Điều này có nghĩa là cơ hội của doanh nghiệp cũng là cơ hội của báo chí, vì doanh nghiệp phát triển, có nhu cầu truyền thông, giới thiệu nhiều hơn, cần biết nhiều hơn về thông tin. Nhưng thách thức doanh nghiệp đang gặp cũng có thể là thách thức của báo chí, vì lời nói, đọi máu, doanh nghiệp và cả báo chí đều có thể phá sản nếu không thực tâm và có trách nhiệm với công việc.

Minh Anh

Có thể bạn quan tâm