Bất cập bảng giá đất: Giá áp khung chưa bằng 1/2 giá thực tế

Hiện nay, sự bất cập trong khung pháp luật quy định về định giá đất khiến giá đất đai không phù hợp với giá thị trường đang gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, bức xúc cho người dân, doanh nghi
Bất cập bảng giá đất: Giá áp khung chưa bằng 1/2 giá thực tế

Ông Lê Hoàng Châu chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM HoREA

Về vấn đề này, theo ông Lê Hoàng Châu chủ tịch HoREA , giá đất quy định trong bảng giá đất của các địa phương chỉ tương đương khoảng 30 - 50% giá thị trường. Kết quả công tác thẩm định giá đất chưa thể đảm bảo được nguyên tắc: "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường". 

Tại các địa phương xảy ra tình trạng bảng giá đất thấp, nguyên nhân chủ yếu là do khung giá đất thấp và do Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất, nhưng không được quy định mức giá đất thấp hơn mức giá tối thiểu của cùng loại đất trong khung giá đất, nên không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cụ thể, lãnh đạo HoREA cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2014/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Trong đó, quy định giá đất tối đa tại TP. HCM là 162 triệu đồng/m2.

"Bảng giá đất của TP. HCM đã xác định 3 tuyến đường gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ áp dụng mức giá cao nhất, tính theo công thức: 162 triệu đồng/m2 + (162 x 30%) = 210,6 triệu đồng/m2. "Mặc dù vậy, mức giá này vẫn rất thấp so với giá thị trường khoảng hơn 1 tỷ đồng/m2", ông Châu cho biết.

Cũng theo HoREA, ngày 15/3/2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 09/2018/QĐ-UBND về hệ số điều chỉnh giá đất, khi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất này thì đơn giá cho thuê đất hàng năm hoặc xác định giá khởi điểm đấu giá đất để cho thuê vẫn thấp so với giá thị trường. 

Đất vàng Nguyễn Huệ áp dụng mức giá cao nhất, tính theo công thức là 442,26 triệu đồng/m2

Như đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, nếu áp dụng hệ số điều chỉnh 2,1 thì giá đất cũng chỉ là: 210,6 triệu đồng x 2,1 = 442,26 triệu đồng/m2. Đây là mức giá vẫn còn quá thấp so với giá thị trường.

HoREA cũng đưa ra phương án 2 trong trường hợp luật vẫn giữ cơ chế khung giá đất, bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất thì nên quy định đưa công tác định giá đất "thu về một mối” do Sở Tài chính chủ trì, đỡ “vất vả” cho các nhà đầu tư dự án vì phải “phục vụ” cả 2 Sở như hiện nay là Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, HoREA cho rằng nên linh hoạt hơn trong quy định nhà đầu tư cần hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đai với ngân sách thì mới được quyền chuyển nhượng nhà, đất tại dự án đang đầu tư. Nghĩa là cứ cho phép doanh nghiệp được tạm nộp tiền sử dụng đất và được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần còn lại doanh nghiệp sẽ nộp bổ sung sau theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Theo ông Châu, tháo được “chốt chặn” này sẽ gỡ được ách tắc của nhiều dự án bất động sản hiện nay.

Nhằm giải quyết ách tắc, tồn đọng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cũng vừa kiến nghị Bộ Tài nguyên môi trường sớm hoàn thành đề án “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm