Bất động sản Đồng Nai: Ấm dần vì có “hơi người”

Thị trường bất động sản Đồng Nai được đánh giá là tiềm năng vì nằm sát TP.HCM, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, kết nối vùng thuận lợi…
Bất động sản Đồng Nai: Ấm dần vì có “hơi người”

Thị trường bất động sản Đồng Nai không chỉ "nóng" bởi các hoạt động đầu tư mà còn sôi động vì những người có nhu cầu ở thực đang đổ về đây ngày càng đông. “Hơn 1.000 sản phẩm Khu đô thị Long Hưng mà Eximrs bán ra thời gian qua đa phần là nhu cầu ở thực, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximrs, cho biết tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản Đồng Nai: Nhận diện cơ hội và rủi ro” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 14/9.

Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi là nhà phân phối độc quyền dự án Long Hưng, quy mô 1.300ha, gần khu vực cầu Đồng Nai kết nối với Sài Gòn. Ngoài yếu tố pháp lý rõ ràng, hạ tầng tốt thì lý do chúng tôi phân phối thành công dự án Long Hưng là nắm bắt được xu hướng giãn dân ở TP.HCM, trong khi Đồng Nai gần sát, giá cả còn “mềm”,

Rà soát pháp lý để tránh rủi ro

Theo bà Tú, đầu tư vào một dự án, các nhà đầu tư cần chú ý đến các yếu tố vị trí dự án, kết nối vùng, cơ sở hạ tầng và tiện ích xung quanh. Đầu tư không phải vì hiện trạng mà là tiềm năng trong tương lai.

“Đồng Nai là thị trường tiềm năng để đầu tư”, bà Tú khẳng định. Tuy nhiên, bà cũng khuyên nhà đầu tư hãy thận trọng, rà soát pháp lý thật kỹ để tránh rủi ro.

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximrs chia sẻ tại buổi tọa đàm
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximrs chia sẻ tại buổi tọa đàm

Cũng đề cập đến vấn đề pháp lý, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: Thời gian qua đơn vị này có nhận được hơn 300 lá đơn kêu cứu của người dân mua đất ở Nhơn Trạch. Đây là những nạn nhân của 2 công ty môi giới ở TP.HCM. Hai công ty này đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa người tiêu dùng như vẽ thêm tiện ích của dự án, vẽ lại bản quy hoạch 1/500, thay đổi giá...

Theo ông Châu, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng không lại bị quả lừa như khoảng 10 năm trước. Cụ thể lúc đó những người có thẩm quyền của Đồng Nai đã nói về thành phố mới Nhơn Trạch. Khi thông tin này được công bố thì rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã đổ vốn về đây nhưng sau đó đã vỡ mộng.

“Thực tế bây giờ Nhơn Trạch còn chưa có thị trấn thì vào thời điểm đó làm sao có thể lên thành phố mới được”, ông Châu nói và khuyến cáo không nên dẫn dắt nhà đầu tư thứ cấp vào những dự án mà thông tin chưa rõ ràng.

Về những phòng rủi ro trong giao dịch nhà đất, luật sư Lâm Đăng Phúc, Phó giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp cho biết: Mua bán thông qua giấy viết tay có thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa. Nếu chưa là sai luật, vì luật quy định chỉ được mua bán bất động sản khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, khách hàng sẽ gánh chịu thiệt hại hết.

Đô thị phải có người ở chứ không phải để cỏ mọc

Đánh giá về thị trường Đồng Nai, ông Nguyễn Minh Khang, quyền Tổng giám đốc Công ty LDG cho rằng: Đất nền sắp tới sẽ phát triển mạnh vì yếu tố hạ tầng với hàng loạt các công trình sẽ được triển khai như việc kéo dài tuyến Metro dài đến Biên Hòa, hạ tầng được kết nối qua Nhơn Trạch và sân bay Long Thành...

Nhiều vấn đề của thị trường bất động sản Đồng Nai đã được các chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn phân tích
Nhiều vấn đề của thị trường bất động sản Đồng Nai đã được các chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn phân tích

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Khang không kỳ vọng lắm vào sân bay mà chỉ nhìn vào sự phát triển thực của Đồng Nai. Đồng Nai hiện đang rơi vào tình trạng đầu tư tự phát nhiều, mua bán chỉ bằng tờ giấy sang tay. Điều này sẽ dẫn đến vỡ quy hoạch và gây nên hiện tượng sốt ảo.

Bất cập là các nhà đầu tư “nhảy” vào đầu tư ào ạt nhưng để 3 đến 5 năm sau những dự án này thành vùng đất hoang, cỏ mọc mà không hề có người ở. Đô thị phải có người ở chứ không phải để cỏ mọc và bò ở trong đó. Rất nhiều dự án ở Đồng Nai, đặc biệt là Nhơn Trạch đang rơi vào tình trạng đó.

“Nếu được, tôi kiến nghị, tỉnh duyệt quy hoạch và yêu cầu nhà đầu tư phải đầu tư tối thiểu cái gì và xác định khu đô thị thì phải có người ở nên đưa vào những yếu tố nào. Chẳng hạn, LDG phát triển dự án Trảng Bom, thời điểm triển khai dự án chúng tôi xác định là phát triển đô thị, phải đi từ đầu. Tất cả những tiện ích khu đô thị chúng tôi làm trước, làm luôn và yêu cầu xây sẵn nhà trước để đưa dân vào ở. Chứ bán đất nền rồi giao sổ, nhà đầu tư chuyển đến cấp thứ mấy thì 5 năm sau vẫn không có người ở. Có yêu cầu cụ thể thì khi đó, các khu đô thị mới đông đúc, người ở thực”, ông Khang nói thêm.

Về phía doanh nghiệp, quyền Tổng giám đốc Công ty LDG cho rằng: Chủ đầu tư phải chú trọng uy tín thương hiệu, tính đạo đức và nhân văn, tuân thủ pháp luật và tạo ra giá trị đối với khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho biết: Bất động sản ở Long Thành gần đây có sốt ảo do một số cò mồi thổi giá, đất thì chưa có quy hoạch, đất nông nghiệp… chưa làm sổ đỏ được. Do vậy, tỉnh mới dừng quy hoạch về tách thửa. Chẳng hạn 1.000m2, tách thửa 10 hộ, mỗi hộ 100m2, vậy thì được tách mấy lần. Do đó, cần sửa trong quy định là tách mấy lần. Chúng tôi đang đề nghị bổ sung sửa đổi Luật Đất đai, Luật Quy hoạch để ăn khớp nhau.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, tính tới hết 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở cung cấp gần 30.200 căn/nền trên thị trường lẫn sơ cấp và thứ cấp. Thị trường thứ cấp chiếm lĩnh tổng nguồn cung của Đồng Nai với khoảng 27.600 căn/nền, hơn 90% tổng nguồn cung trong khi đó số lượng nguồn cung hiện hữu trên thị trường sơ cấp chỉ khoảng 2.600 căn/nền.

Các dự án nhà ở tập trung chủ yếu tại các huyện nằm liền kề với TP.HCM và Bình Dương bao gồm Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Trong đó, Nhơn Trạch chiếm 32% tổng nguồn cung, tiếp theo là Long Thành, Trảng Bom và Biên Hòa với 17% mỗi khu vực, phần còn lại thuộc về huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất.

Có thể bạn quan tâm