Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tăng tốc phát triển

Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam rất lớn, nhất là ngành du lịch ghi nhận sự tăng trưởng tới 30-40% trong vài năm gần đây. Đây sẽ là đòn bẩy cho bất động sản du l
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tăng tốc phát triển

Du lịch phát triển thúc đẩy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Vinpearl resort Hội An, Quảng Nam

Đánh thức tiềm năng

Năm 2017, du lịch Việt Nam đã đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, đến hết tháng 7/2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng 20,2%; đến bằng đường bộ tăng 63,3%; đến bằng đường biển giảm nhẹ 0,2%.

Với tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh chóng, dự báo tới năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa sẽ tăng trưởng đạt 100 triệu lượt khách.

Khách du lịch đến từ các thị trường chính đều tăng mạnh, như: du khách Trung Quốc tăng 34,1%; Hàn Quốc tăng 56,1%; Nhật Bản tăng 6,2%; Đài Loan tăng 13,3%; Malaysia tăng 12%; Thái Lan tăng 9,9%; Singapore tăng 4,7%. Khách đến từ châu Âu tăng 10,4%, trong đó khách đến từ Liên bang Nga tăng 7,2%. Du khách đến từ 5 thị trường Tây Âu được Việt Nam miễn thị thực trong 15 ngày cũng đều tăng khá tốt (Anh tăng 7,9%, Pháp tăng 12%, Đức tăng 9,4%, Tây Ban Nha, Italy tăng 16,6%...).

Đây là những thông tin tích cực cho thấy sức hấp dẫn du lịch Việt Nam, kéo theo nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lưu trú khách sạn, nghỉ dưỡng, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng ven biển.

Tại hội thảo “Phát triển bất động sản ven biển bền vững” ngày 24/8, các chuyên gia đều nhận định: tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam là rất lớn, vì ngành du lịch tăng trưởng với tỷ lệ khá cao 30-40% và tương lai có thể tiếp tục tăng trưởng hơn. Du lịch Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nơi tăng trưởng du lịch mạnh trên thế giới, là đòn bẩy cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ven biển tăng tốc mạnh mẽ.

Về thực trạng hạ tầng cơ sở lưu trú, báo cáo của CBRE Việt Nam dự báo đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 300.000 phòng lưu trú (loại 3 sao trở lên). Còn hiện tại, tổng lượng phòng khách sạn từ 3 sao trở lên tại các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt… mới có khoảng 102.758 phòng. Các thành phố du lịch lớn tại Việt Nam cần thêm khoảng gần 78.000 phòng khách sạn lưu trú, cho thấy dư địa còn lớn cho giới đầu tư địa ốc.

Hiệu suất khai thác phòng khách sạn tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng đạt mức cao (trên 90%), nhất là ở các thanh phố du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh…luôn “cháy” phòng vào mùa du lịch. Với nhu cầu lưu trú tăng nhanh, các chủ đầu tư bất động sản nhanh nhạy đầu tư phát triển sản phẩm condote (căn hộ khách sạn), villas (biệt thự du lịch) với chính sách chia sẻ lợi nhuận khai thác (cam kết lãi từ 8-12%)… Năm 2017, đã có tới hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công là hơn 12.500. Đặc biệt, việc mở đặc khu hành chính - kinh tế sẽ là cú hích cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ven biển tăng tốc.

Chiến lược khác biệt

Nhận định về thị trường BĐS, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam chỉ ra sự dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp địa ốc khi dòng tiền phải “san sẻ” cho nhiều kênh như chứng khoán, vàng, ngân hàng, sản xuất… Nhất là tín dụng cho BĐS bị siết chặt từ đầu năm 2017, và xu hướng giảm dần vì lo ngại rủi ro “bong bóng” quay trở lại. Dù vậy, ông Nam vẫn lạc quan cho rằng thị trường BĐS vẫn tăng trưởng trong vài năm tới, doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang BĐS du lịch và nhắm tới các địa phương ven biển miền Trung, với chiến lược phát triển bền vững, ổn định.

Theo Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE, Việt Nam có lợi thế sở hữu gần 3.000 km bờ biển với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hoá bản địa đắc sắc, là sức hấp dẫn du khách quốc tế. Tiềm năng du lịch biển của Việt Nam còn rất lớn nhưng đang thiếu là nguồn cung, đa dạng hoá và khác biệt hóa sản phẩm du lịch. “Theo tôi, đòn bẩy quan trọng nhất là sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay và kết nối đường bay quốc tế tới các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, tới đây là đặc khu kinh tế… sẽ tạo đà cho sự phát triển du lịch”, bà Dung nói.

Đón bắt nhu cầu thị trường, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển dự án nghỉ dưỡng ven biển tại các địa phương còn tiềm năng lớn như Phú Quốc, Cam Ranh- Nha Trang, Vân Đồn, Quy Nhơn, Quảng Bình…

Sự xuất hiện các dự án nghỉ dưỡng lớn của Vingroup, CEO Group, Sunshine, Eurowindow, MIK Group… đã và đang tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho cả khu vực. Bởi tiềm năng lợi thế của các địa phương khác còn rất lớn, như Phú Quốc đang rất hấp dẫn đầu tư khu nghỉ dưỡng.

Theo Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch/Tổng giám đốc MIK Group, Phú Quốc đã được đầu tư khá mạnh trong vài năm gần đây nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Số khách sạn, resort cao cấp đã đi vào hoạt động chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hơn nữa, với định hướng phát triển trở thành đặc khu kinh tế thì việc đầu tư vào Phú Quốc sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.

Đặc biệt, các chủ đầu tư đã hợp tác với các thương hiệu quốc tế để vận hành quản lý các khu nghỉ dưỡng mang tầm đẳng cấp quốc tế như Marriott, InterContinental, Mövenpick, Accor Hotels, Novotel...

“Việt Nam giàu tiềm năng để trở thành cường quốc du lịch của Thế giới và thị trường bất động sản có nhiều tiềm năng, lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA/Chủ tịch HĐQT CEO Group nhấn mạnh.

Hải Nam-Đăng Nguyễn

>> Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài

Có thể bạn quan tâm