Bắt ông Đinh La Thăng, chống tham nhũng không còn "từ cổ trở xuống"

Đây là một nỗi đau xót chẳng thể đặng đừng mà Đảng ta buộc phải xử lý nghiêm khắc nếu Đảng muốn lấy lại hình ảnh của mình trong lòng mọi người dân Việt Nam, dù ông Thăng cũng từng có những đóng góp nh
Bắt ông Đinh La Thăng, chống tham nhũng không còn "từ cổ trở xuống"

Cái gì đến thì rồi nó cũng đã đến!

Bộ Chính trị Đảng ta sau khi nghe Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Đảng uỷ Công an Trung ương báo cáo những kết quả điều tra về các sai phạm của người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng ở giai đoạn 2006-2011, đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng từ 2009-2011 nên buộc phải xử lý hình sự. Tiếp đó, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp phiên bất thường trong ngày và đi tới quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng kể từ ngày 8.12, tất cả diễn biến này nó vừa bất ngờ lại vừa không bất ngờ.

Có thể nói, với suốt cả chiều dài lịch sử 87 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta  đã ghi nhiều dấu ấn tích cực. Song, với ngày hôm qua, ngày 8.12, việc Đảng, Nhà nước ta đã  buộc phải để cơ quan pháp luật xử lý hình sự, bắt tạm giam  một Uỷ viên Trung ương Đảng mà trước đó chỉ mấy tháng, ông Đinh La Thăng còn là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng do những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế ngành mình là một sự kiện quá hy hữu.

Đó là quãng thời gian mà ông Thăng được Đảng, Chính phủ giao phó là người chịu trách nhiệm cao nhất về Đảng và chính quyền của ngành Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Vì lẽ đó, nó càng là một điều chưa hề có trong tiền lệ của Đảng. Đây là một nỗi đau xót chẳng thể đặng đừng mà Đảng ta buộc phải xử lý nghiêm khắc nếu Đảng muốn lấy lại hình ảnh của mình trong lòng mọi người dân Việt Nam, dù ông Thăng cũng từng có những đóng góp nhất định đối với đất nước.

Con đường công danh của ông Thăng bắt đầu gặp sóng gió và đi xuống, đó là từ khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rằng ông sẽ phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu ngành dầu khí về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN gây ra trong giai đoạn 2009 - 2011. 

Việc chủ trì và ban hành nghị quyết chỉ định khá nhiều gói thầu trái pháp luật, ông Thăng và tập thể lãnh đạo PVN đã vi phạm quy chế làm việc của Hội đồng quản trị, ký kết tham gia góp vốn 20% vào OceanBank, gián tiếp gây thất thoát số tiền 800 tỉ đồng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Theo lời khai của những người có quyền lực tại ngân hàng này như Hà Văn Thắm và Ninh Văn Quỳnh tại phiên toà kéo dài cả tháng trời ấy  thì trong suốt giai đoạn từ 2009 - 2011, tổng số tiền gửi đã di chuyển từ PVN vào tài khoản OceanBank lên tới 500.000 tỉ đồng là con số rất lớn, tiếp sức cho ngân hàng trụ được trong bối cảnh khó khăn chung của cả ngành.

Ông Đinh La Thăng cũng bị điều tra vì liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Cảnh sát xuất hiện ở khu vực nhà ông Đinh La Thăng tối 8/12

Được biết, trước đó, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC, vào cuối tháng 9.2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra thông báo về việc thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với một loạt lãnh đạo của PVC do có liên quan đến những sai phạm về các nguyên tắc tài chính trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư. Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, qua đó cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11.10.2011) là hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.

Những lình xình, những khuất tất của ngành dầu khí trong những năm nói trên, có thật đúng là cơ quan chủ quản của PVN và các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Kiểm tra Đảng và hệ thống pháp luật của chúng ta không hề biết gì không ? 

Tôi nghĩ không phải như vậy ! 

Tôi từng biết tại PVN đã có những con người rất có trách nhiệm, họ đã phát giác, đã từng lên tiếng, đệ đơn đi nhiều nơi, họ đến với các cơ quan có trách nhiệm để mong muốn được cấp trên tiến hành xác minh, điều tra nhưng chính những con người ấy phải chịu áp lực rất lớn và cũng rất cô đơn.

Song hình như tất cả đều vô vọng (?!). Tập thể Đảng bộ ngành dầu khí vẫn luôn vững mạnh và đoàn kết như chưa có chuyện gì xảy ra.

Tôi cũng tự hỏi tại sao, những lợn gợn từng có trong ngành dầu khí những năm ông Đinh La Thăng phụ trách từng có những điều tiếng như vậy nhưng tại Đại hội 12 , Ban Chấp hành Trung ương vẫn không xem xét kỹ để dừng việc đưa ông Thăng tham gia Bộ Chính trị. Phải chăng, những gì mà ông Thăng làm Bộ trưởng GTVT đã có gì đó khá ấn tượng mà đủ khoả lấp những gì ông Thăng từng vi phạm ở ngành dầu khí ?

Phải chăng cũng chỉ tại chiếc xe sang Lexus 570 của tư nhân được gắn biển xanh do ông Trịnh Xuân Thanh quen xài sang bị tung lên mạng xã hội mà trở thành đại hoạ cho cả dàn lãnh đạo ngành dầu khí? 

Rồi tiếp theo đó là hệ thống báo chí cùng vào cuộc. Nó được xới vấn đề từ trong quá khứ của ông Trịnh Xuân Thanh  trước khi được mấy Ban, Bộ, tỉnh phù phép cho ông ta "luân chuyển cán bộ theo đường tiểu ngạch" để về làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, lại trúng đại biểu Quốc hội . 

Những bước đi được lập trình ấy nó quá hài hước, trớ trêu nên vô tình đã thách thức xã hội, thách thức nhiều người có tốt, có lương tâm, trách nhiệm trong xã hội. Nó bộc lộ hàng loạt các lỗ hổng chết người ở một khâu tưởng như rất chặt chẽ này để khi nó bị bung bét ra thì không sao đỡ nổi. 

Hàng chục lãnh đạo cấp vụ, cục, cấp ban, bộ và tỉnh bị mất chức hoặc bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách mà cho đến mãi gần đây mới tạm... "tan bão". 

Tôi nói vậy là vì phiên toà xét xử Trịnh Xuân Thanh vẫn còn chưa diễn ra nên nó vẫn chưa đến hồi kết. "Củi" vẫn đang tiếp tục ném vào "lò".  Chúng ta hãy tiếp tục chờ xem trong ít ngày nữa khi toà án Nhân dân Hà Nội đưa Trịnh Xuân Thanh ra xét xử!

Qua đây, chúng ta cũng sẽ có cái nhìn tích cực trước việc Đảng ta rất mạnh mẽ trong xử lý những sai phạm gần đây của ngành dầu khí (và rất có thể còn một số ngành khác). Nó sẽ là một điểm son trong mắt mỗi Đảng viên chân chính cũng như người dân yêu nước, yêu chế độ. Chính những điều này đã giúp mọi người hồi phục lòng tin với Đảng hơn lúc nào hết. Lò đã nóng thì củi tươi cho vào rồi cũng sẽ cháy!

Tôi tin lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói vậy là rất có cơ sở!

Theo Dân Việt

Có thể bạn quan tâm