Bất thường người nhà Chủ tịch ACB “sang tay” 1.600 tỷ cổ phiếu?

Hơn 51,7 triệu cổ phiếu ACB của các cá nhân liên quan tới ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (mã: ACB) đã được chuyển nhượng cho 3 pháp nhân công ty. Giao dịch trị giá hơn 1.600 tỷ đồng
Bất thường người nhà Chủ tịch ACB “sang tay” 1.600 tỷ cổ phiếu?

Trụ sở 3 công ty vừa nhận sở hữu 51,7 triệu cổ phiếu ACB chính là nơi đặt một phòng giao dịch của ngân hàng Á Châu

3 công ty “mới sinh” của ai?

Theo thông báo từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), 3 người thân của Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy đã thực hiện chuyển quyền sở hữu gần 51,7 triệu cổ phiếu ACB (chiếm tỷ lệ 4,08% vốn) cho 3 công ty có liên quan. Tổng giá trị thương vụ này lên tới 1.600 tỷ đồng tính theo thị giá ACB hiện ở quanh mức 31.000 đồng/CP.

Cụ thể, ngày 22/2, ông Trần Mộng Hùng (bố ông Huy) đã chuyển quyền sở hữu 22.992.941 cổ phiếu (tỷ lệ 1,8% vốn điều lệ ngân hàng ACB) sang cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen, giảm tỷ lệ sở hữu về 0%.

Ông Trần Minh Hoàng (em trai ông Huy) cũng thực hiện chuyển toàn bộ 16.007.648 cổ phiếu (tỷ lệ 1,3%) sang cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh. Cùng thời điểm này, bà Trần Đặng Thu Thảo (chị gái ông Huy) đã chuyển quyền sở hữu 12.711.293 cổ phiếu ACB sang cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Vân Môn (tỷ lệ 0,98%) trên tổng số sở hữu 14.711.293 cổ phần ACB. Cả 3 người thân của ông Trần Hùng Huy đều chuyển nhượng cổ phần với mục đích góp vốn vào doanh nghiệp.

Nhóm người thân của ông Trần Hùng Huy- chủ tịch Ngân hàng Á Châu đã "sang tay" 51,7 triệu cổ phiếu cho 3 công ty 

Đây cũng là thương vụ chuyển nhượng cổ phần để góp vốn vào doanh nghiệp mới lớn nhất được ghi nhận kể từ khi gia đình ông Trần Mộng Hùng quay lại nắm quyền lực tại ACB và giao con trai ông - Trần Hùng Huy kế nhiệm ghế Chủ tịch HĐQT.

Đáng chú ý, 3 công ty vừa nhận chuyển quyền sở hữu lượng cổ phiếu ACB “khủng” nêu trên chỉ vừa mới được thành lập vào tháng 11/2018, cùng hoạt động trong lĩnh vực “tư vấn đầu tư”. Địa chỉ đăng kí kinh doanh của cả 3 công ty đều đặt tại tại số 480 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3, TP.HCM – cũng là nơi đặt một Phòng giao dịch thuộc Chi nhánh ngân hàng ACB – TP.HCM. Cả 3 công ty đều có mức vốn điều lệ khiêm tốn chỉ… 5 tỷ đồng.

Hơn nữa, cổ đông của 3 công ty này cũng hé lộ những cái tên khá “quen”, đơn cử: Công ty Cổ phần đầu tư Thương Mại Vân Môn do bà Trần Thị Xinh là người đại diện theo pháp luật và giữ chức Tổng giám đốc, sở hữu 90% cổ phần (giá trị 4,5 tỷ đồng), còn bà Trần Đặng Thu Thảo và ông Đặng Văn Phú góp 250 triệu đồng (5%) mỗi người.

Tại Công ty Bách Thanh, hai cá nhân là ông Trần Minh Hoàng và bà Trần Thị Minh Hà cùng góp 250 triệu đồng (5%) mỗi người, cổ đông lớn nhất là ông Trần Trọng Nhân nắm 90% (giá trị 4,5 tỷ đồng)…

Dường như có sự trùng hợp của hai cái tên quen thuộc là Trần Đặng Thu Thảo và Trần Minh Hoàng với hai cá nhân là chị gái và em trai ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Ngân hàng ACB? Và nếu đúng 2 cá nhân bà Thảo và ông Hoàng này dùng cổ phần góp vốn vào doanh nghiệp thì quy mô vốn điều lệ công ty sẽ có thể tăng mạnh lên vài trăm tỷ đồng, đồng thời thay đổi “lật ngược” sở hữu chi phối tại đây.

Đơn cử, giá trị khoản góp vốn của bà Đặng Thu Thảo tại Công ty Vân Môn ước tính lên tới 394 tỷ đồng, có thể chiếm tới 99% cổ phần công ty sau tăng vốn. Tương tự, khoản góp vốn của ông Trần Minh Hoàng ước tính tới 496 tỷ đồng, có thể giúp ông này nắm chi phối 99% công ty Bách Thanh. Còn ông Trần Mộng Hùng có thể góp 710 tỷ đồng vào công ty Giang Sen để nâng sở hữu lên 99,3% vốn tại đây (ước tính giá trị khoản đầu tư theo thị giá ACB là 31.000 đồng/CP).

Nguồn “tiền tươi thóc thật” đến từ đâu?

Thế nhưng, điều gì mới thực sự ẩn sau thương vụ “sang tay” cổ phần tới 1.600 tỷ đồng này từ nhóm người nhà chủ tịch ACB?

Theo báo cáo quản trị công ty của Ngân hàng ACB năm 2018, tại thời điểm 31/12/2018, ông Trần Hùng Huy là cổ đông cá nhân sở hữu lớn nhất với 40.036.334 cổ phần ACB (tỷ lệ 3,11%). Cùng với sở hữu của bố, mẹ, chị gái, em trai, thì nhóm cổ đông Trần Hùng Huy nắm tổng cộng 109 triệu cổ phần, chiếm 8,46% vốn ngân hàng ACB.

Ngoài ra, các cá nhân liên quan tới bà Đặng Thu Thuỷ - vợ ông Trần Mộng Hùng sở hữu tổng cộng 18,39 triệu cổ phần ACB, chiếm tỷ lệ 1,43% vốn.

Như vậy, tổng sở hữu của nhóm cổ đông Trần Huy Hùng và người nhà thể hiện trên báo cáo chiếm chưa tới 10% vốn ACB mặc dù nhóm này đang nắm giữ tới 2/6 vị trí chủ chốt trong HĐQT ngân hàng (chưa tính 2 thành viên độc lập). Điều này cũng đảm bảo tuân thủ quy định Luật các TCTD về sở hữu của nhóm cổ đông liên quan lãnh đạo ngân hàng nắm không qua 15% vốn ngân hàng, nhằm ngăn chặn sự thao túng, chi phối.

Một thông tin đáng lưu ý khác vừa được tung ra thị trường là CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự đoán Ngân hàng TMCP Á Châu có thể sẽ bán ra 41,42 triệu cổ phiếu quỹ để cái thiện hệ số CAR trước năm 2020. Đây là lượng cổ phiếu quỹ được mua vào trong giai đoạn từ năm 2013 – 2015 khi ACB đang gặp khủng hoảng “hậu Bầu Kiên” khiến cả dàn lãnh đạo chủ chốt bị bắt giữ, hoạt động kinh doanh sa sút, giá cổ phiếu ACB giảm sâu về vùng đáy 10.000 đồng/CP.

Sau khi gia đình ông Trần Mộng Hùng quay trở lại nắm quyền, sốc lại con tàu ACB vượt bão thì hoạt động kinh doanh của nhà băng này đã dần ổn định, cải thiện lợi nhuận, xử lý nợ xấu cũng như các tồn đọng dưới thời ông Nguyễn Đức Kiên. Cho đến nay, giá cổ phiếu ACB cũng hồi phục mạnh mẽ, có thời điểm xác lập đỉnh 44.500 đồng/CP và hiện giao dịch quanh mốc 31.000 đồng/CP. So với thời điểm khủng hoảng, thì giá trị khoản đầu tư mua vào cổ phiếu quỹ ACB hiện đã tăng gấp 3 lần, hứa hẹn sẽ đem về lợi nhuận nghìn tỷ cho ngân hàng khi bán ra.

"Quay trở lại động thái “sang tay” 51,7 triệu cổ phần từ cá nhân sang pháp nhân, đã diễn ra trước thời điểm mà ACB có thể tính tới việc bán ra 41,42 triệu cổ phiếu quỹ thì ai sẽ mua lại toàn bộ số cổ phiếu quỹ này và nguồn tiền mua lên tới gần 1.300 tỷ đồng sẽ đến từ đâu?

Luật các TCTD và Ngân hàng Nhà nước vài năm trở lại đây đã siết chặt quy định mua cổ phần, góp vốn vào ngân hàng nhằm ngăn chặn tình trạng góp vốn ảo, sở hữu chéo, sở hữu vượt trần dẫn tới những hệ luỵ nguy hiểm. Theo đó, nguồn tiền mua cổ phần ngân hàng sẽ phải đảm bảo tính “hợp pháp, hợp lệ”, nói cách khác là “tiền tươi thóc thật” có nguồn gốc rõ ràng.

Có một giả thiết đặt ra, nếu 3 công ty Giang Sen, Bách Thanh, Vân Môn sở hữu 51,7 triệu cổ phiếu ACB có thể đem thế chấp, vay tiền để đầu tư vào hoạt động kinh doanh, đầu tư tài chính… Cũng không loại trừ khả năng dòng tiền lớn cả nghìn tỷ ấy lại đổ vào mua gom cổ phiếu ACB? Và dù thông qua con đường nào, sự hậu thuẫn của các nhà băng nào, cá nhân nào cho hành trình “biến giấy” thành tiền… là điều cần làm sáng tỏ?

>> Sếp ACB chi 120 tỷ đồng gom cổ phiếu

Có thể bạn quan tâm