Bầu Hiển sẽ không bỏ lỡ cơ hội thâu tóm Vigecam

Sau khi đã thâu tóm thành công hàng loạt doanh nghiệp như: Vinafor, Vegetexco, Cảng Quảng Ninh, nhóm công ty liên quan đến bầu Hiển- chủ tịch T&T Group vẫn miệt mài mua cổ phần của Vigecam- một do
Bầu Hiển sẽ không bỏ lỡ cơ hội thâu tóm Vigecam

Sau khi đã thâu tóm thành công hàng loạt doanh nghiệp như: Vinafor, Vegetexco, Cảng Quảng Ninh, nhóm công ty liên quan đến bầu Hiển- chủ tịch T&T Group vẫn miệt mài mua cổ phần của Vigecam- một doanh nghiệp có quỹ đất đai rất "màu mỡ". Khi các nhà đầu tư chiến lược đã “cầm chắc” suất mua được 70% vốn cổ phần Vigecam, một cuộc đua khác cũng “nóng” lên từng ngày. Đó là phiên chào bán đấu giá 28,87% cổ phần lần đầu (IPO), mà các nhà đầu tư hi vọng sẽ “vét luôn một mẻ” để nắm quyền chi phối. Kết quả kinh doanh bết bát, thua lỗ nhưng Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) lại rất hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút cả những “tay to” tham gia mua cổ phần. Dự kiến, ngày 19/7/2016 tại Sở HNX, công ty mẹ- tổng công ty Vigecam, sẽ tiến hành bán đấu giá hơn 6.350.580 cổ phần, tương đương 28,87% vốn điều lệ (VĐL khi cổ phần hoá là 220 tỷ đồng). Mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/CP. IPO sẽ “cháy hàng” Đến thời điểm này, theo thông báo của HNX, đã có 21 nhà đầu tư đăng ký mua tổng cộng 16.141.180 cổ phần, vượt gấp 2,5 lần lượng chào bán. Cụ thể, 20 cá nhân đăng ký mua 9.790.600 cổ phần và một tổ chức đăng ký “ôm” trọn cả lô 6.350.580 cổ phần. Mức độ quan tâm của nhà đầu tư hứa hẹn phiên IPO cổ phần Vigecam sẽ “cháy hàng” và đem về cho Nhà nước số tiền tối thiểu 64,14 tỷ đồng. Mặc dù giá trị cổ phần của phiên đấu giá không lớn, song cổ phần Vigecam hấp dẫn ở nhiều điểm, như: quỹ đất rộng lớn, tổng tài sản lớn, Nhà nước sẽ thoái hết vốn để cho tư nhân có cơ hội tham gia với tỷ lệ sở hữu tối đa 99%… Tiềm năng, giá trị thực tế của Vigecam vẫn chưa được phản ánh hết khi xác định giá trị doanh nghiệp CPH. Đặc biệt, giá trị nhất nằm ở quỹ “đất vàng” rộng lớn, có vị trí đẹp cùng các dự án đã và đang được triển khai đầu tư dở dang, đất được chuyển đổi công năng sử dụng…

Bầu Hiển sẽ không bỏ lỡ cơ hội thâu tóm Vigecam ảnh 1

Vigecam kinh doanh thua lỗ nhưng sở hữu đất đai rộng lớn

Do đó, phiên IPO sắp tới có lẽ các nhà đầu tư chiến lược không thể bỏ qua vì có thể “vét nốt” 28,87% cổ phần Vigecam nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tối đa 99% vốn điều lệ. Theo công bố, Vigecam đã chọn được hai nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Rau Quả, Nông sản – CTCP (Vegetexco) nắm 45% và CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNAinsurance) nắm 25%. Trước đó, còn có thêm CTCP Cảng Quảng Ninh cũng đăng kí mua cổ phần Vigecam nhưng bị loại vì không đủ điều kiện. Cả ba công ty này đều không có ngành kinh doanh cốt lõi của Vigecam là sản xuất phân bón, chè nên không rõ nhà đầu tư chiến lược sẽ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp vực dậy hai mảng hoạt động này. Được biết, cả ba nhà đầu tư này đều là công ty con hoặc có liên quan tới ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển)- Chủ tịch tập đoàn T&T Group, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB). Trong số 20 nhà đầu tư đăng kí mua cổ phần Vigecam, có một tổ chức muốn mua toàn bộ 6,35 triệu cổ phần, phải chăng cũng là công ty có liên quan đến T&T Group? Quan sát diễn biến các phiên IPO có nhóm công ty của bầu Hiển tham gia, sẽ thấy giá trúng đấu giá ở mức khá thấp. Như các phiên IPO của Tổng công ty Vinafor, Vegetexco, Cảng Quảng Ninh… có giá trúng đấu giá khá “bèo”, chỉ nhỉnh hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP. Do đó, giá trị thặng dư cổ phần thu từ IPO có lẽ sẽ “chẳng bõ bèn gì”. Chọn doanh nghiệp “thua lỗ” Theo chỉ đạo của Chính phủ, tháng 10/2014 Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có quyết định cổ phần hoá Vigecam. Song tiến trình đưa cổ phần ra bán đấu giá, xây dựng tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, xác định giá bán cổ phần… kéo dài suốt hai năm rưỡi vừa qua. Lĩnh vực chính của Vigecam là sản xuất kinh doanh phân bón và chè, song lợi nhuận thu về lại rất thấp, thậm chí mảng phân bón bị lỗ 3 tỷ đồng trong năm 2014. Vigecam chủ yếu thu lợi từ mảng “tay trái” là cho thuê kho bãi, nhà xưởng, đầu tư xây dựng… song không thể “gánh đỡ” cho mảng phân bón thua lỗ. Đáng nói, trong giai đoạn 2012-2014, Vigecam chỉ đạt lợi nhuận sau thuế rất thấp, lần lượt ở mức 10 tỷ đồng, 432 triệu đồng và 2,1 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến hết tháng 6/2015 là 57,6 tỷ đồng, nếu khắc phục được thì hết năm 2015 vẫn còn lỗ 1,5 tỷ đồng. Vigecam cũng phải gánh công nợ khó đòi 61,7 tỷ đồng, khiến cho khả năng cân đối tài chính luôn khó xoay sở. Thua lỗ, nợ nần, khó xoay sở vốn hoạt động, hiệu quả lợi nhuận thấp… là đặc điểm chung của nhiều doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hoá. “Sức khoẻ” yếu kém cũng khiến cho việc định giá trị doanh nghiệp thường ở mức thấp, và chưa bao gồm giá trị của quỹ tài sản đất đai rộng lớn ở trạng thái “đất thuê, đất nhà nước giao quản lý, khai thác”. Ở trường hợp Vigecam, từ lâu, công ty đã lấn sân, đầu tư các dự án bất động sản, như: khu đất làm Khu vui chơi giải trí Đống Đa (diện tích 23.042 m2 tại Hà Nội), khu đất số 120 Quán Thánh (276 m2), khu đất 164 Trần Quang Khải (536 m2), khu đất tại số 16 Ngô Tất Tố (1.585,4 m2)… Do nguồn lực tài chính có hạn, sở hữu nhà nước chi phối, tranh chấp pháp lý… nên việc triển khai các dự án rất ì ạch, dở dang. Với giá trị nằm ở “đất vàng” nên Vigecam trở thành mục tiêu thâu tóm của các công ty đầu tư bất động sản. Và con đường trở thành “nhà đầu tư chiến lược” như bầu Hiển và các công ty liên quan đang âm thầm thực hiện, sẽ là cách nhanh nhất để thâu tóm những dự án tiềm năng, hứa hẹn sinh lợi nhuận cao trong tương lai.

Thu Hằng

Theo Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm