Bầu Hiển vỡ mộng sở hữu ‘chuỗi bệnh viện’ nhờ cổ phần hóa?

Diễn biến mới đây liên quan đến kế hoạch tạm ngừng cổ phần hóa 3 bệnh viện thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã ảnh hưởng đáng kể đến tham vọng sở hữu chuỗi bệnh viện thông qua cổ phần hóa của "bầu Hiển"…
Bầu Hiển vỡ mộng sở hữu ‘chuỗi bệnh viện’ nhờ cổ phần hóa?

Khi các bệnh viện không muốn bị thâu tóm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về tạm dừng cổ phần hóa 3 bệnh viện thuộc Bộ là Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT tải Đà Nẵng.

Trước đó vào đầu năm 2017, Bộ GTVT đã có công văn gửi tới lãnh đạo Chính phủ xin ý kiến về việc tạm dừng thực hiện cổ phần hóa 3 bệnh viện nói trên và tới nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chấp thuận đề nghị này của Bộ GTVT.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý để 3 bệnh viện trên được quyết toán khoản chi phí cổ phần hóa đã chi từ nguồn thu hằng năm của đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp có khó khăn về tài chính, Bộ GTVT chỉ đạo 3 đơn vị lập hồ sơ và thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính trong xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Động thái trên đây được coi là kết quả của một quá trình “tranh đấu” từ phía chính các bệnh viện, dù điều này không được thừa nhận một cách chính thức. Chẳng hạn, thay vì sẽ tiếp tục cổ phần hóa theo kế hoạch, Bệnh viện Nam Thăng Long mới đây đã làm văn bản đề nghị Bộ GTVT dừng cổ phần hóa để chuyển sang cơ chế hoạt động tự chủ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nam Thăng Long, tháng 5/2015, Chính phủ đã cho phép Bộ GTVT thí điểm CPH bệnh viện, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Nếu quyết định này được thực hiện thì đây là bệnh viện thứ hai của Bộ GTVT thực hiện CPH, sau Bệnh viện GTVT trung ương đã bán phần lớn cổ phần cho Công ty cổ phần tập đoàn T&T.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Nam Thăng Long đã lấy ý kiến của hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc và đi đến nhận định rằng: kết quả sau CPH của Bệnh viện GTVT trung ương 6 tháng đầu năm 2016 không được cải thiện sau khi chuyển sang mô hình hoạt động như công ty cổ phần. Đời sống cán bộ, công nhân viên chưa được nâng lên, công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt xấp xỉ 54%, trong khi hơn 20 thầy thuốc có trình độ chuyên môn giỏi đã chuyển sang các bệnh viện công lập khác.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần bệnh viện GTVT chỉ thực hiện được khoảng 50% các danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế phê duyệt trước đây.

Về phần mình, Bệnh viện Nam Thăng Long cho biết đây là bệnh viện hạng hai theo quy định của Bộ Y tế, hiện đã đủ điều kiện đảm bảo tự chủ hoàn toàn cả về chi thường xuyên và chi đầu tư. Bệnh viện này hiện khám chữa bệnh cho hơn 70.000 người dân có mức thu nhập trung bình đăng ký bảo hiểm hàng năm.

Do đó, nếu cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long có nghĩa là sẽ chuyển đổi một bệnh viện công lập, đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế, hàng năm nhà nước không phải cấp kinh phí chi thường xuyên, sang bệnh viện hoạt động với mục đích lợi nhuận và không phải là địa điểm dành cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp.

Lãnh đạo bệnh viện cũng lo ngại rằng nếu Chính phủ thực hiện cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long cũng có nghĩa là nhiều thầy thuốc có trình độ chuyên môn tốt sẽ ra đi dẫn đến tình trạng khủng hoảng nhân lực.

Do đó, hầu hết cán bộ công nhân viên của bệnh viện thống nhất ký văn bản đề nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện Nam Thăng Long được hoạt động tự chủ hoàn toàn theo Nghị định 16/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bầu Hiển vỡ mộng 'chuỗi bệnh viện'

Theo giá trị sổ sách tính đến hết tháng 5/2015, giá trị của bệnh viện này là 29,5 tỷ đồng. Dự định là Bộ GTVT sẽ bán 70% cổ phần tại đây, đồng thời phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ. Sau CPH, bệnh viện sẽ chỉ còn 30% vốn nhà nước.

Đáng chú ý là Công ty cổ phần tập đoàn T&T, đơn vị đã mua số cổ phần chi phối tại Bệnh viện GTVT trung ương, cũng đã bày tỏ đề nghị mua tiếp cổ phần tại Bệnh viện Nam Thăng Long và một bệnh viện khác của ngành giao thông.

Ngay sau khi chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT Trung ương, ông Đỗ Quang Hiển, thường được gọi là “bầu Hiển”, đã xin tham gia trở thành cổ đông chiến lược tại các bệnh viện còn lại hiện do Cục Y tế thuộc Bộ GTVT quản lý.

Thời điểm đó, 2 bệnh viện tiếp theo của ngành GTVT lọt vào mắt xanh của bầu Hiển là Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng. “Chúng tôi muốn trở thành cổ đông chiến lược tại hai bệnh viện này nhằm hình thành một hệ thống bệnh viện các tuyến hoàn chỉnh, trong đó Bệnh viện GTVT Trung ương là hạt nhân”, bầu Hiển cho biết.

Trước đó, bầu Hiển đã mua 51,43% cổ phần của Bệnh viện GTVT Trung ương (vốn điều lệ 168 tỷ đồng), Nhà nước nắm giữ 30% cổ phần và phần còn lại thuộc về một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ - công nhân viên Bệnh viện.

Với tỷ lệ sở hữu này, bầu Hiển cũng đã trở thành Chủ tịch Công ty cổ phần bệnh viện GTVT. Tuy nhiên, ngay sau khi thương vụ mua cổ phần này diễn ra, đã có nhiều ý kiến cho rằng mức định giá bệnh viện GTVT đã không hợp lý, nhất là trong vấn đề định giá quỹ đất hiện tại của bệnh viện cũng như toàn bộ phần vốn nhà nước đã đầu tư vào bệnh viện này, bao gồm cơ sở khám chữa bệnh và hệ thống trang thiết bị.

Hai trong số những “tài sản” đáng giá nhất của bệnh viện này là diện tích đất hơn 20 ngàn m2 ở khu vực trung tâm Hà Nội (Ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) và “Dự án tòa nhà Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương” được xây bằng… nguồn vốn do Chính phủ cấp từ vốn vay ODA giữa chính phủ Việt Nam và quỹ OPEC về phát triển quốc tế với tổng mức đầu tư 15 triệu USD, tương đương 322,5 tỷ đồng. Tòa nhà này hiện đã được hoàn thiện và đi vào khai thác.

Theo Vietnamfinance

Có thể bạn quan tâm