"Bí ẩn” đối tác nhận chuyển nhượng cổ phần CGV Việt Nam

CTCP Đầu tư Kim Cương, đối tác nhận chuyển nhượng 12,5% vốn của CGV Việt Nam từ PNC là công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chỉ mới được thành lập cách đây gần 2 tháng.
"Bí ẩn” đối tác nhận chuyển nhượng cổ phần CGV Việt Nam

Công ty này có vốn điều lệ 120 tỷ đồng và do ông Vũ Hoàng Nhật sinh năm 1983 làm Tổng giám đốc, được thành lập ngày 26/4/2018.

Cổ đông lớn nhất của Kim Cương Đen là CTCP Đầu tư Vĩnh Vĩnh Phát với tỷ lệ sở hữu 59,5%. Vĩnh Phát cũng là công ty do ông Nhật làm Tổng giám đốc, được thành lập vào ngày 20/4/2018 và cũng có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.

Trước đó, CTCP Văn hóa Phương Nam (mã: PNC ) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng 12,5% vốn điều lệ Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá 160 tỷ đồng.

Số tiền này được dùng để thanh toán nợ gốc và một phần lãi cho đối tác Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJI) theo đúng thời hạn cam kết.

Khoản nợ với đối tác CJI gồm nợ gốc 7 triệu USD tương đương 159,6 tỷ đồng và lãi vay khoảng 18,5 tỷ đồng được công ty thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC vào Công ty TNHH CJ CGV đến hạn thanh toán là 30/6/2018 không được tiếp tục gia hạn.

Mức giá trên tương ứng với việc định giá CGV Việt Nam ở mức 1.280 tỷ đồng (56,4 triệu USD). Đây là mức giá được nhiều chuyên gia đánh giá là "rẻ như cho" khi mà cách đây 7 năm tập đoàn CJ CGV của Hàn Quốc đã trả mức giá 100 triệu USD để mua lại Megastar – tên gọi khi đó của CGV Việt Nam.

Để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường, CJ CGV đã bỏ ra 73,6 triệu USD để mua lại 92% cổ phầncủa Envoy Media – pháp nhân nắm giữ 80% vốn của Megastar - tương đương với mứcđịnh giá dành cho Megastar là 100 triệu USD.

Về phần vốn góp của PNC, năm 2005, Phương Nam và Công ty Envoy Media Partners Limited (Envoy) hợp tác kinh doanh, thành lập Công ty TNHH truyền thông Megastar (Megastar).

Trong liên doanh này, với vốn pháp định là 4 triệu USD, Phương Nam góp vốn tỉ lệ 20%, tương đương 800.000 USD; còn Envoy góp 80%, tương đương 3,2 triệu USD.

Đến năm 2006, thấy được tiềm năng phát triển nên Megastar muốn đầu tư phát triển thêm bằng cách nâng vốn pháp định lên, từ 4 triệu USD lên đến 8 triệu USD.

Theo đó, Phương Nam phải bổ sung thêm 800.000 USD để giữ được 20% vốn góp trong liên doanh. Nhưng PNC không có đủ tiền để góp thêm, nên quyết định chuyển nhượng phần vốn góp cho Envoy.

Tuy nhiên, điều này lại trái với giấy phép đầu tư (do còn vướng quy định giới hạn sở hữu nước ngoài không quá 80%) nên hai bên thực hiện con đường vòng là Envoy sẽ góp vốn thay cho Phương Nam là 800.000 USD (tương đương 10% vốn góp của Phương Nam), đồng thời trao cho Phương Nam một khoản tiền là 400.000 USD - được xem như là khoản tiền hỗ trợ cho Phương Nam, đứng dưới danh nghĩa là hợp đồng vay.

Đồng thời, hai bên đều có công văn lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp 10% từ Phương Nam cho Envoy. Nếu kế hoạch này được chấp thuận thì Phương Nam sẽ giữ lại 10% vốn góp và có thêm 400.000 USD. Còn ngược lại thì Phương Nam phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền là 1,2 triệu USD cho Envoy.

Tuy nhiên, đến năm 2011, Envoy bán 92% cổ phần trong phần vốn góp trong liên doanh Megastar cho Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), đồng nghĩa với việc trao quyền quản lý cụm rạp Megastar cho CJ.

Pháp nhân của đơn vị nhận chuyển nhượng đều là những công ty mới được thành lập và không hề hoạt động trong lĩnh vực chiếu phim, do đó, nhiều khả năng, Kim Cương đen là đơn vị liên quan đến CJ, được thành lập ra nhằm “lách” quy định giới hạn sở hữu nước ngoài.

>> Phương Nam bán vốn ở chuỗi rạp chiếu phim CGV để... trả nợ

Có thể bạn quan tâm