Bị cáo Đinh La Thăng lĩnh 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân

Sau 5 ngày nghị án, sáng 22/1, HĐXX tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 tù. Trước đó bị cáo này bị VKS đề nghị mức án 14-15 năm tù.
Bị cáo Đinh La Thăng lĩnh 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh án chung thân

Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Đinnh La Thăng 13 năm tù vì tội cố ý làm trái; bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Sau 10 ngày xét xử liên tục (cả ngày cuối tuần), khoảng 8h sáng nay, 22/1, TAND TP Hà Nội bắt đầu buổi tuyên án các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Chủ tọa đã đọc lại tội danh của các bị cáo bị truy tố cũng như mức án Viện kiểm sát đề nghị. Cụ thể tòa tuyên phạt các bị cáo với mức án như sau:

- Bị cáo Đinh La Thăng án 13 năm tù. 

- Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

- Cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nhận mức án 9 năm tù. 

- Hai cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn cùng nhận mức án 9 năm. 

- Cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh bị phạt 7 năm.

- Cựu tổng giám đốc PVC bị phạt 22 năm tù. 

- Bị cáo Vũ Hồng Chương bị phạt 3 năm tù treo, Nguyễn Mạnh Tiến: 6 năm, Trần Văn Nguyên: 30 tháng treo, Nguyễn Ngọc Quý 6 năm; Nguyễn Anh Minh 16 năm; Phạm Tiến Đạt: 4 năm 6 tháng.

- Bị cáo duy nhất Nguyễn Đức Hưng được tuyển trả tự do ngay tại tòa (nếu không bị giam trong vụ án khác) với mức phạt 3 năm treo, thử thách 5 năm.

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN bị truy tố về tội “Cố ý làm trái”. Nguyên Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản”. Các bị cáo đã lợi dụng vị trí đặc thù của tập đoàn nhà nước để phạm tội.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, tham ô tài sản xảy ra tại PVC và PVN là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Theo HĐXX, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận cáo buộc, cho rằng trách nhiệm là thuộc cấp dưới, chỉ thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên công việc... Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, biên bản họp và lời khai của bị cáo, có thể khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, căn cứ vào các tài liệu đã thu thập được, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, lời khai của nhân chứng, người liên quan và các bằng chứng khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận: Dù bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi, nhưng dựa vào lời khai của các bị cáo khác, lời khai của nhân chứng, các tài liệu chứng cứ khác, có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh.

Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo nghe tòa tuyên án sáng 22-1 - Ảnh: TTXVN

Quá trình thực hiện dự án, lợi dụng cơ chế đặc thù và nhiều ưu đãi khác của Nhà nước với PVN, vì các động cơ khác nhau, trên đó là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, các bị cáo, trong đó đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng, đã thực hiện hàng loạt các hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng để tạo nguồn vốn tạm ứng gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn.

Thậm chí, một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của Dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân.

Theo đại diên VKS, ngoài các thiệt hại ban đầu đã được xác định, việc làm sai trái của bị cáo đã tăng kế hoạch gấp đôi thời gian, đội vốn lên hàng trăm triệu USD, hụt vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng… gây thất thoát vốn lớn của Nhà nước. Đây là những sai phạm điển hình của PVN trong những năm vừa qua, thời điểm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng trách cao của tập đoàn.

Không chỉ bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên của PVN, trong đó nhiều người có chức sắc, nhiều người từng là các nhà khoa học trong ngành dầu khí, nhiều người từ đây đã tha hóa, biến chất như Trịnh Xuân Thanh là điển hình.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần tệ tham nhũng lãng phí, quan liêu, cục bộ, lợi ích nhóm. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu tới chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Thực hành quyền công tố tại tòa, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Đinh La Thăng từ 14-15 năm về tội “Cố ý làm trái”; Trịnh Xuân Thanh 13-14 năm tù về tội “Cố ý làm trái” và chung thân về tội “Tham ô tài sản”.

Có thể bạn quan tâm