Bí quyết ươm tạo khởi nghiệp thành công từ các ĐH Đài Loan

Trong khi không ít vườn ươm tạo khởi nghiệp thuộc trường đại học ở Đài Loan gặp thất bại thì một nhóm vườn ươm khác gặt hái được những thành công đáng kể, ươm tạo được hàng nghìn startups và giúp họ t
Bí quyết ươm tạo khởi nghiệp thành công từ các ĐH Đài Loan
Trong khi không ít vườn ươm tạo khởi nghiệp thuộc trường đại học ở Đài Loan gặp thất bại thì một nhóm vườn ươm khác gặt hái được những thành công đáng kể, ươm tạo được hàng nghìn startups và giúp họ thu hút đầu tư hàng trăm triệu USD. Để tìm ra bí quyết của những thành công này, nhóm phóng viên đã đến các cơ sở hàng đầu trong số những vườn ươm tạo khởi nghiệp tại các trường đại học của Đài Loan.
Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp tại các trường đại học đang trở thành một xu hướng khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đã phát triển, bởi các trường đại học luôn là nguồn cung cấp dồi dào các ý tưởng, tri thức, và công nghệ phục vụ cho các ngành công nghiệp và nhu cầu xã hội, lại là nơi sẵn có các nguồn lực về con người, trang thiết bị, không gian làm việc, v.v. Bên cạnh đó, theo PGS. Jane Liu, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp của Đại học Công nghệ Chaoyang, hoạt động ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học mở ra nhiều cơ hội để sinh viên tham gia doanh nghiệp khởi nghiệp theo hình thức làm tình nguyện viên, thực tập sinh, thậm chí sáng lập viên, qua đó tăng cường rèn luyện kinh nghiệm, kỹ năng, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hết sức thiết thực cho các em, đồng thời mang lại một nguồn lực chất lượng cao, chi phí thấp cho các doanh nghiệp ươm tạo.
Các vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học không chỉ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng lập bởi các nhà nghiên cứu, sinh viên trong trường, mà còn có thể ươm tạo doanh nghiệp của các nhà khởi nghiệp từ bên ngoài, theo đó, trường đại học cùng với các nguồn lực sẵn có của nó trở thành bệ phóng cho tất cả mọi ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp, bao gồm cả những ý tưởng, kế hoạch có xuất xứ từ bên ngoài nhà trường. “70% các doanh nghiệp được ươm tạo trong các vườn ươm của chúng tôi được hình thành từ các nhà sáng lập có xuất xứ bên ngoài nhà trường”, GS. Shih-Ming Wang, Phó giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ của Đại học Chung Yuan Christian, cho biết.
Cách xây dựng và tổ chức vườn ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học ở Đài Loan
Vườn ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học thường là một đơn vị trực thuộc trường đại học, do trường bố trí các nguồn lực về con người và cơ sở vật chất để có thể hình thành. Tuy nhiên, sau khi hình thành, các trung tâm này hoàn toàn có thể tự chủ khi có đủ năng lực tạo ra nguồn thu để duy trì và phát triển.
Các chức năng cơ bản của một vườn ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học sau khi đã phát triển hoàn chỉnh thường bao gồm hai mảng chính: 1/ Quản lý về sở hữu trí tuệ - chuyển giao công nghệ; 2/ Ươm tạo và huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp. Nội dung về huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) thường là các khóa ngắn hạn (khoảng sáu tháng – một năm) gồm các cấu phần về huấn luyện (mentoring), hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư và xin kinh phí tài trợ (funding), mở rộng mạng lưới quan hệ của doanh nghiệp (networking). Nội dung về ươm tạo (incubator) cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện hơn, từ quy trình thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tới quảng bá và thâm nhập thị trường.
Vườn ươm tạo khởi nghiệp ở các trường đại học nên là các đơn vị tự chủ ngay từ đầu, hoặc có lộ trình tự chủ rõ ràng.
Cơ sở vật chất phục vụ cho các vườn ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học thường không nhiều. Yêu cầu về không gian thường khoảng trên dưới 200 m2, được chia thành hai cấu phần: 1/ Không gian dành cho các doanh nghiệp được huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp trong khoảng thời gian sáu tháng – một năm, với số lượng doanh nghiệp được huấn luyện khoảng 20-30, diện tích dành cho mỗi doanh nghiệp thường tương đương với một bàn làm việc; 2/ Không gian dành cho các doanh nghiệp được ươm tạo trong khoảng thời gian ba năm, với số lượng doanh nghiệp ươm tạo khoảng dưới 10 doanh nghiệp, diện tích cho mỗi doanh nghiệp thường dưới 10 m2.
Bộ máy nhân sự của một vườn ươm tạo thường khoảng 10 người. Tuy nhiên, các vườn ươm tạo đều có sự cộng tác của các chuyên gia ươm tạo khởi nghiệp từ bên ngoài. Bên cạnh đó, các vườn ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học có thể huy động nguồn lực sinh viên tình nguyện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hoặc thực tập ngay trong các doanh nghiệp này.
Khi mới thành lập, nếu chưa sẵn có nguồn nhân lực cơ hữu có chuyên môn sâu về tư vấn khởi nghiệp, các vườn ươm tạo khởi nghiệp thường chỉ khởi đầu với các dịch vụ cơ bản về môi giới (như môi giới chuyển giao công nghệ của trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp), tổ chức các lớp huấn luyện khởi nghiệp bằng cách mời chuyên gia tình nguyện từ bên ngoài, và cho doanh nghiệp khởi nghiệp thuê văn phòng.
Sau quá trình một vài năm hoạt động, các vườn ươm tạo khởi nghiệp bắt đầu tích lũy nguồn nhân lực cơ hữu có năng lực cao hơn, đồng thời đã thâm nhập sâu hơn vào mạng lưới các nhà đầu tư để có nhiều thông tin hơn về các ngành công nghiệp, từ đó có thể cung cấp những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo. Ví dụ như tư vấn giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược thâm nhập thị trường, tổ chức xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, tìm kiếm nhân sự chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp, v.v.
Cuối cùng, khi đã có đầy đủ thực lực, các vườn ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học bắt đầu tham gia vào các mạng lưới ươm tạo khởi nghiệp quốc tế, mở văn phòng đại diện hoặc cơ sở ươm tạo tại nước ngoài nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp khai thác các lợi thế, nguồn lực quốc tế về vốn đầu tư, thị trường cung ứng đầu vào, thị trường tiêu thụ đầu ra.
Những sai lầm phổ biến cần tránh
Như đã đề cập, ưu điểm của các vườn ươm khởi nghiệp từ trường đại học là sẵn có những nguồn lực về con người, cơ sở vật chất mà các doanh nghiệp ươm tạo có thể dễ dàng tiếp cận và là một lợi thế không nhỏ đối với các ngành công nghệ đòi hỏi đội ngũ nhân lực nghiên cứu, trang thiết bị tốn kém. Các trường đại học cũng là nơi có nguồn tình nguyện viên dồi dào là những sinh viên nhiệt tình, có tri thức, sẵn sàng tham gia làm việc hoặc hỗ trợ doanh nghiệp với chi phí rẻ. Mặt khác, đối với những trường đại học có uy tín cao trong xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực KH&CN thì thương hiệu và giá trị sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN cũng có thể được định giá cao hơn trong mắt nhà đầu tư và khách hàng.
Điều kiện quan trọng là vườn ươm tạo khởi nghiệp cũng như trường đại học cần nằm ở nơi có mật độ cao các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, để dễ tiếp cận nắm bắt nhu cầu công nghệ của các khách hàng.
Tuy nhiên, ở các vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học có thể tồn tại những điểm yếu tai hại, xuất phát từ hai sai lầm thường gặp: 1/Giao quyền quản lý đơn thuần về hành chính cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, thay vì giao cho những chuyên gia từng trải, giàu kinh nghiệm trong ươm tạo khởi nghiệp, khiến vườn ươm thiếu tính năng động, hiệu quả, không đáp ứng kịp thời các nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp; 2/Nhà trường bao cấp cho các vườn ươm khởi nghiệp của mình, khiến chúng thiếu năng lực tự chủ và sự cố gắng cao độ cần thiết trong hoạt động, đồng thời khiến các nguồn lực của vườn ươm bị sử dụng dễ dãi, thiếu tính tối ưu.
Theo Jason Lu, giám đốc của Garage+, một vườn ươm tạo khởi nghiệp tư nhân nổi tiếng ở Đài Loan, chính những sai lầm nêu trên đã khiến không ít vườn ươm tạo khởi nghiệp trong các trường đại học Đài Loan hoạt động thiếu hiệu quả, không biết cách hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng tiết kiệm hợp lý nguồn lực hạn chế trong quá trình ươm tạo để có thể khởi nghiệp thành công. Nhiều vườn ươm như vậy đã thuần túy trở thành nơi cho thuê văn phòng hơn là nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp.
Bí quyết đầu tiên là dùng đúng người 
“Vườn ươm của chúng tôi ra đời từ năm 1997, khởi đầu có nguồn lực rất hạn chế, chỉ có hai nhân viên bao gồm cả giám đốc, nhưng chúng tôi vẫn thành công, quan trọng nhất vì giao việc cho người có tâm huyết và có kinh nghiệm về khởi nghiệp”, GS. Wang của Đại học Chung Yuan Christian chia sẻ - sau 18 năm hoạt động, đến nay vườn ươm này đã ươm tạo thành công 150 doanh nghiệp, tạo 40 thương vụ chuyển giao công nghệ, đăng ký thành công 47 patent, và thu hút tổng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp là 65 triệu USD.
Bí quyết quan trọng thứ hai, theo GS. Wang, là vườn ươm tạo khởi nghiệp trong các trường đại học nên là các đơn vị tự chủ ngay từ đầu, hoặc có lộ trình tự chủ rõ ràng. Ngay từ khi thành lập, dù chỉ với hai nhân viên, vườn ươm tạo khởi nghiệp của Đại học Chung Yuan Christian đã lập tức phải đảm bảo tính tự chủ, chỉ được nhà trường hỗ trợ duy nhất khoản tiền thuê văn phòng của trường trong những năm đầu tiên, GS. Wang cho biết.
Bên cạnh đó, mỗi vườn ươm khởi nghiệp tại mỗi trường đại học phải hiểu rõ về nhu cầu của doanh nghiệp được ươm tạo và các thế mạnh từ những nguồn lực của trường mình, từ đó tổ chức kết nối hiệu quả những nhu cầu này.
Tuy nhiên, theo GS. Wang, để vườn ươm phát triển bền vững thì nó không thể chỉ là nơi môi giới và cung cấp không gian văn phòng, nhà xưởng cho thuê, mà quan trọng hơn phải mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Muốn vậy, điều kiện quan trọng là vườn ươm tạo khởi nghiệp cũng như trường đại học cần nằm ở nơi có mật độ cao các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, để dễ tiếp cận nắm bắt nhu cầu công nghệ của các khách hàng, nhanh chóng thu thập dữ liệu làm cơ sở để tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đánh giá đúng khả năng thương mại hóa sản phẩm, phát triển đúng hướng, xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết, đáng tin cậy. Hơn thế nữa, theo PGS. Jane Liu của Đại học Công nghệ Chaoyang, vườn ươm không chỉ cần chăm sóc cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình ươm tạo, mà cần giữ mối liên hệ với doanh nghiệp cả trong thời kỳ hậu ươm tạo (post-incubation), kịp thời hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp này khi cần thiết.
Mặt khác, giống như mọi vườn ươm tạo khởi nghiệp, vườn ươm của trường đại học cũng phải thường xuyên có sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia tình nguyện, bao gồm cả chuyên gia về phát triển công nghệ và chuyên gia về khởi nghiệp, những người có kỹ năng đánh giá, tư vấn, huấn luyện cho doanh nghiệp khởi nghiệp một cách hiệu quả. Và để tạo động lực cho các nhà nghiên cứu tham gia các việc đó, nên tạo điều kiện để họ có thể góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ của mình. Điều này đồng thời đòi hỏi vườn ươm phải có đầy đủ năng lực giúp các nhà nghiên cứu đàm phán, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ.
Cuối cùng, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay cần có kết nối quốc tế hiệu quả, bao gồm kết nối với các nhà đầu tư quốc tế cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm quốc tế. Vì vậy các cơ sở ươm tạo đều cần hướng tới gia nhập các mạng lưới hỗ trợ ươm tạo quốc tế, ví dụ như chương trình Soft Landing của INBIA, hay AABI. Theo đó, doanh nghiệp khởi nghiệp từ một vườn ươm trong nước có thể được ươm tạo tại các vườn ươm ở nước ngoài trong cùng mạng lưới khởi nghiệp mà vườn ươm ở trong nước tham gia, nhờ vậy có cơ hội lớn hơn trong việc kêu gọi vốn đầu tư và chinh phục thị trường ở nước ngoài.
Vai trò của Nhà nước Thực tế từ Đài Loan cho thấy các vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học nhận được tối thiểu 50% nguồn thu từ các dự án tài trợ khởi nghiệp của Nhà nước, tuy nhiên sự hỗ trợ đó phải thông qua các dự án yêu cầu đấu thầu cạnh tranh một cách công khai, công bằng, minh bạch, đảm bảo ưu tiên hỗ trợ cho những trung tâm ươm tạo hoạt động có hiệu quả.  Tuy nhiên, không chỉ tài trợ kinh phí, Nhà nước còn cần tổ chức trao giải thưởng hằng năm và có chương trình quảng bá cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm chất lượng nổi bật, qua đó làm tăng uy tín thương hiệu và giá trị của doanh nghiệp, và tăng cường sự quan tâm đầu tư từ xã hội dành cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
 

Nguồn: Tia sáng

Có thể bạn quan tâm