BIDV rao bán khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ có tài sản đảm bảo là "siêu dự án" Kenton Node tại TP.HCM “đắp chiếu” gần 10 năm.
BIDV rao bán khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng

Khoản nợ này là của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên với toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tính đến ngày 29/3) là 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM.

Giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, khoản nợ tại BIDV chiếm tới 58% giá trị. Điều đáng nói là tài sản này không chỉ được thế chấp tại BIDV mà còn được thế chấp tại MSB, PVCombank.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội với giá trị định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng.

Theo BIDV, giá trị khoản nợ bán là toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá là 90 tỷ đồng.

Được biết, siêu dự án Kenton Residence (hiện tại là Kenton Node) có tổng diện tích 9,1ha, với ba phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 block gồm 1.640 căn hộ. Ý tưởng của dự án có từ năm 2002 nhưng đến năm 2009 mới chính thức được Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên mở bán.

Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào thời điểm đó là 300 triệu đô la, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, vài năm sau ngày mở bán, dự án rơi vào thế bất động vì cuộc khủng hoảng bất động sản 2009-2013.

Nhiều chuyên gia cũng như giới kinh doanh bất động sản cho rằng, sai lầm trong chiến lược kinh doanh đã “phá sản” kế hoạch đầy tham vọng của ông chủ dự án này. Khi thị trường bất động sản hồi phục trở lại, những dự án cùng chung số phận như Kenton tại khu vực Nam Sài Gòn trước đây đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động trong khi đó dự án Kenton vẫn "đắp chiếu".

Đến năm 2017, dự án Kenton Residences được khởi động trở lại với tên gọi mới Kenton Node. Với sự hậu thuẫn từ BIDV và MSB, dự án Kenton Node có thêm 1.060 tỷ đồng để tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này là quá nhỏ so với mong muốn thay đổi toàn bộ thiết kế ban đầu của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, dự án không có thanh khoản do có mức giá quá cao so với thị trường ở thời điểm đó. Đây là lý do khiến dự án nằm bất động sau khi tái khởi động cho đến nay thì đã bị phát mại.

Có thể bạn quan tâm