BIDV và những "con nợ khổng lồ"

Một số doanh nghiệp có dư nợ lớn tại BIDV được xác định là có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu.
BIDV và những "con nợ khổng lồ"

Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng".

Đồng thời, ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho CTCP Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV.

Khối nợ "nguy cơ cao"

Theo cơ quan CSĐT, tổng dự nợ tạm tính của 8 doanh nghiệp này tại BIDV lên đến hơn 5.377 tỷ đồng, trong quá trình cho vay của ngân hàng cũng có nhiều vi phạm. Đáng chú ý, không chỉ BIDV, các doanh nghiệp này cũng đang có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng khác.

Trong đó, CTCP Tiến Phước và 990 có dư nợ 1.823,742 tỷ đồng, cùng với dư nợ 273,315 tỷ đồng tại 4 tổ chức tín dụng khác.

Được biết, CTCP Tiến Phước và 990 là chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn và cao ốc văn phòng (23 tầng) Le Meridien Saigon tọa lạc tại số 3C Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 120 triệu USD, được khởi công vào cuối năm 2010.

Tiếp theo là CTCP Xi măng Phú Sơn (Phú Sơn) thành lập năm 2006, là chủ đầu tư dự án Xây dựng nhà máy xi măng Phú Sơn (xã Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình) có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/7/2019, dự nợ của Phú Sơn là 10,6 triệu EUR (tương đương 283 tỷ đồng). Tuy nhiên, Phú Sơn ngừng hoạt động từ năm 2012.

CTCP hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) có dư nợ tại BIDV là 1.837,423 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn có dư nợ 3.350,005 tỷ đồng tại 7 tổ chức tín dụng khác, bao gồm: VietinBank (1.234,724 tỷ đồng), VIB (224,495 tỷ đồng), MBBank (224,495 tỷ đồng), Oceanbank (336,743 tỷ đồng), PVCombank (1.059,57 tỷ đồng), VRB (55,414 tỷ đồng), The Siam Commerical Bank (114,565 tỷ đồng). Hiện PVTex đã dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ.

CTCP Bò Sữa Tây Nguyên có dư nợ tại BIDV là hơn 355,7 tỷ đồng, đã được cơ cấu nợ nhiều lần. CTCP Tập đoàn Khải Vy có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng và dư nợ tại BaoVietBank là 423,459 tỷ đồng. 

CTCP nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã: HNG) có dư nợ tại BIDV là 723,424 tỷ đồng; dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 2.588,35 tỷ đồng (Sacombank 262,445 tỷ, VPBank 1.781,616 tỷ, NCB 300 tỷ, TPBank 543,989 tỷ đồng).

CTCP Thuận Thảo-Nam Sài Gòn có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng. Công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ. CTCP Thép Vạn Lợi có dư nợ tại BIDV là 350 tỷ đồng, hiện vẫn còn tài sản bảo đảm và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.

Khả năng thu hồi đến đâu?

Nhìn vào dữ liệu trên có thể thất, 8 "con nợ" của BIDV đều có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu. Trong số này, chỉ có Tiến Phước & 990 là có vẻ như khá hơn cả khi dự án Le Meridien Saigon đã được hoàn thành và đi vào sử dụng.

Tuy nhiên, Tiến Phước Group - công ty mẹ của Tiên Phước&990 lại đang có dấu hiệu khá căng thẳng về dòng tiền, khi vay tới 2.600 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong hai năm đổ lại. Trong đó có trường hợp công ty con vốn chỉ 20 tỷ song huy động tới 1.023 tỷ đồng, với tỷ lệ 51 lần qua phương thức này.

Một thông tin không mấy tích cực khác đến với doanh nghiệp này là UBND TP.HCM cách đây ít tuần đã chỉ đạo thu hồi 14,8ha đất thanh toán cho dự án BT Đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2. Chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty TNHHH Nam Rạch Chiếc và CTCP BĐS Tiến Phước.

Thực tế, trong thời gian qua, BIDV cũng khá tích cực trong công tác đôn đốc và xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay không chỉ tại những doanh nghiệp kể trên mà còn tại nhiều doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, có vẻ như kết quả đạt được chưa cao khi trong năm 2019, BIDV vẫn là ngân hàng sở hữu khối nợ xấu (nợ nhóm 5) lớn nhất hệ thống.

Cụ thể, cuối năm 2019, tổng nợ xấu của BIDV ở mức 19.452 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm hơn 11.209 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm trong khi nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cùng giảm 29%.

Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỉ lục 30.885 tỷ đồng, nhưng ngân hàng đã phải trích tới hơn 20.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018. 

Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn mất gần 65% lợi nhuận thuần của BIDV và là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế của nhà băng này.

Có thể bạn quan tâm