"Biến hoá" lợi nhuận ở ngân hàng SHB?

Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội đã "bốc hơi" tới 27,7 tỷ đồng chỉ sau khi kiểm toán vào cuộc. Điều gì đang diễn ra phía sau các báo cáo tài chính với những số liệu kinh doanh đẹp
"Biến hoá" lợi nhuận ở ngân hàng SHB?

Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội đã "bốc hơi" tới 27,7 tỷ đồng chỉ sau khi kiểm toán vào cuộc. Điều gì đang diễn ra phía sau các báo cáo tài chính với những số liệu kinh doanh đẹp "lung linh" của nhà băng này?

Trong 2 năm liền (năm 2013-2014), công ty kiểm toán lớn - Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam đều được chọn là đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính hàng năm của Ngân hàng SHB nên chuyện số liệu bỗng dưng "teo" vài chục tỷ gây ngạc nhiên... Đâu là số liệu thực? Ngày 24/2/2015, Ngân hàng SHB đã công bố Báo cáo tài chính Quý 4/2014 hợp nhất. Theo báo cáo này, tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế tính đến cuối Quý 4/2014 là 1.022 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013 (đạt 1.002 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt gần 818,4 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước (đạt 757 tỷ đồng). Nhưng đến ngày 6/4/2015, ngân hàng này tiếp tục công bố Báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán thì hàng loạt số liệu đã có thay đổi đáng kể. Đơn cử: thu nhập lãi thuần năm 2014 đạt 2.725 tỷ đồng, giảm 92 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo Quý 4. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ điều chỉnh tăng 89 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng thêm 5 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán đầu tư bị lỗ gần 7 tỷ đồng thay vì lãi hơn 20 tỷ đồng như báo cáo quý trước đó… Lợi nhuận thuần từ kinh doanh trước dự phòng rủi ro là 1.632 tỷ đồng, giảm 29 tỷ đồng so với báo cáo quý. Do đó, tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.012 tỷ đồng và sau thuế là 790,7 tỷ đồng. So với báo cáo trước đó, lợi nhuận trước và sau thuế đã bị giảm lần lượt 10 tỷ đồng và 27,7 tỷ đồng. Như vậy, chỉ một tháng rưỡi sau 2 lần báo cáo, số liệu lợi nhuận của SHB phải điều chỉnh theo hướng bị “bốc hơi” vài chục tỷ đồng. Tương tự, báo cáo tài chính năm 2013 sau khi kiểm toán của Ngân hàng SHB cũng từng phải điều chỉnh số liệu lợi nhuận. Riêng chỉ số lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 849,7 tỷ đồng, tăng tới 92,7 tỷ đồng so với số liệu báo cáo Quý 4/2013. Nhiều số liệu tài chính đã phải thay đổi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng như vậy đang đặt ra câu: Vì sao Ngân hàng SHB có cả bộ máy quản lý tài chính, cùng đơn vị kiểm toán uy tín lại xảy ra chênh lệch số liệu tại các kỳ báo cáo năm 2013-2014 như vậy? Các báo cáo tài chính năm 2014 và những điều chỉnh này sẽ được trình Đại hội cổ đông ngày 24/4 xem xét, thông qua. Nhưng sự “biến hóa” số liệu lợi nhuận liên tục qua các kỳ báo cáo cũng làm dấy lên nghi vấn: Số liệu sau điều chỉnh có thực sự chính xác và cổ đông, nhà đầu tư có thể tin tưởng vào “sức khỏe” của ngân hàng sau khi sáp nhập được phản ánh trên báo cáo? Cổ tức "giật lùi" Mặc dù có lợi nhuận 1.012 tỷ đồng, nhưng Hội đồng quản trị SHB trình Đại hội cổ đông sẽ chỉ trả cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7% vốn điều lệ. Mức cổ tức này thấp hơn tỷ lệ 9% mà Đại hội cổ đông năm trước đã thông qua. Trước đó, cổ đông SHB cũng đã từng buồn rầu vì mức cổ tức năm 2012 chỉ có 7,5% (trả bằng tiền mặt) do lợi nhuận lao dốc (chỉ lãi 26 tỷ đồng) khi gánh lỗ nghìn tỷ cho Habubank. Dự kiến, SHB sẽ phát hành thêm hơn 62 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 100 triệu cổ phần để nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex- Viettel. Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 8.865 tỷ đồng hiện tại lên 10.485 tỷ đồng. Trong 2 năm gần đây, sau khi sắp xếp ổn định hệ thống, đẩy mạnh cho vay thì lợi nhuận của SHB bắt đầu khởi sắc hơn. Nhờ xử lý được khoản lỗ của Habubank nên năm 2013, SHB đạt lợi nhuận sau thuế hơn 849,7 tỷ đồng, tăng gấp 32,7 lần so với năm trước. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế lại giảm 6,93%, chỉ đạt 790,7 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015, ngân hàng sẽ đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10,6% so với năm trước. Việc giảm lợi nhuận, giảm cổ tức là do yêu cầu xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn vốn hoạt động của ngân hàng. Khi mới sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của SHB ở mức rất cao trên 9,04%. Gánh nợ xấu lớn nhất là của nhóm khách hàng Vinashin mà Habubank đã từng cho vay, khó thu hồi được. Trong năm 2014, SHB cho biết, đã xử lý được đáng kể nợ xấu, giảm mạnh còn 2.406 tỷ đồng nợ xấu (tỷ lệ 2,31%) từ mức 4.330 tỷ đồng (tỷ lệ 5,67% của năm 2013). Đáng kể là “dọn dẹp” xong khoản nợ xấu hơn 1.228 tỷ đồng từ nhóm khách hàng Vinashin khỏi các báo cáo tài chính Quý và hợp nhất cả năm. Có khoản nợ đã phải khoanh lại, chờ xử lý một thời gian dài trước đó. Dù vậy, SHB vẫn chưa xử lý được khoản 1.979 tỷ đồng nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) có liên quan đến nhóm khách hàng Vinashin (nay là SBIC) và một số đơn vị chuyển sang Vinalines, PVN…

Hải Hà

Theo Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm