“Big Hit” 2018: Chờ đợi từ những gương mặt quen thuộc (phần 2)

Cùng Thương Gia điểm lại những gương mặt được mong đợi về khả năng “kiến tạo” và “đổi mới” mạnh mẽ hơn trong năm 2018.
“Big Hit” 2018: Chờ đợi từ những gương mặt quen thuộc (phần 2)

Năm 2017 có thể được gọi là “Năm của Châu Á” khi chứng khiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các quốc gia thuộc châu lục này cùng với đó là những gương mặt nổi bật - các doanh nhân, nhà điều hành có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, có khả năng truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp

Young Sohn: Người hùng của “đế chế” Samsung

Bê bối gia đình, dính líu chính trị của Tập đoàn Samsung đã gây chấn động lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc nhưng không vì thế mà sức tăng trưởng của “cheabol” này bị ảnh hưởng. Năm 2018 được coi là năm định hình phát triển tương lai của Sam Sung Electronics khi Tập đoàn này “sở hữu” Giám đốc chiến lược Young Sohn.

Young Sohn từng là nghiên cứu sinh kỹ thuật điện tử tại Đại học Pennsylvania và tốt nghiệp Học viện Quản lý Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts. Trước khi gia nhập Samsung vào năm 2012, Young Sohn đã làm việc cho các công ty công nghệ của Mỹ như Agilent Technologies, Quantum và Intel. Tuy đã 61 tuổi nhưng ông Young Sohn vẫn được giao nhiệm vụ là “đầu tàu” trong việc đưa ra các chiến lược phát triển đồng thời là người đứng đầu mảng M&A của Tập đoàn này tại Thung lũng Silicon.

Khi Samsung đang phải đối mặt với “cú ngã ngựa” của Phó Chủ tịch Lee Jae-yong (hiện đang ngồi tù 05 năm vì tội tham ô) thì sự lãnh đạo của Sohn rất quan trọng khi tập đoàn này cố gắng vượt xa các doanh nghiệp bán dẫn, các công ty sản xuất điện thoại thông minh và đồ gia dụng. Nhiệm vụ của ông là tìm ra động lực để Samsung tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.

Min Liang Tan: “Kẻ đáng gờm” của làng công nghệ

Min Liang Tan là nhà đồng sáng lập của công ty thiết bị kỹ thuật số chuyên về laptop và thiết bị ngoại vi Razer (đã lên sàn chứng khoán Hồng Kông vào tháng 11/2017). Ngay từ khi IPO, giá cổ phiếu của công ty này đã “leo đỉnh” và nhận được nhiều “ưu ái” từ các nhà đầu tư cá nhân và giúp ông Tan trở thành tỷ phú.

Tháng 8/2017, ông Tan đã viết một dòng tweet gửi tới Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về kế hoạch có thể thống nhất thị trường thanh toán di động của quốc gia này trong vòng 18 tháng. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong mọi giao dịch.

Thủ tướng Singapore đã cho biết sẽ nghiên cứu một cách nghiêm túc ý tưởng này. Ba tuần sau, ông Tan và nhóm của mình đã viết một kế hoạch đề xuất hoàn chỉnh và hoàn thiện hệ thống thanh toán trên các nền tảng khác nhau, trong đó chủ yếu là nền tảng điện thoại di động. Nếu ý tưởng này được phê duyệt sẽ mang đến kỳ vọng đảo ngược thị trường thanh toán di động vốn đang cạnh tranh gay gắt ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Singapore nói riêng.

Erick Thohir: “Ông trùm” truyền thông Indonesia

Thohir là em trai của tỷ phú than Garibaldi Thohir và sở hữu Mahaka Group - một tập đoàn truyền thông điều hành mạng lưới truyền hình, đài phát thanh và báo chí.

Hiện, Erick Thohir đang là chủ sở hữu của CLB bóng đá Inter Milan của Italia và tích cực đầu tư vào CLB này cũng như nền bóng đá Indonesia khi mang về hai cầu thủ đã từng tham gia vào CLB nổi tiếng Chelsea của Anh là Michael Essien và Carlton Cole. Sau khi bán một phần cổ phần trong CLB cho Tập đoàn Thương mại Suning của Trung Quốc vào năm 2016, ông Thohir được giao nhiệm vụ điều hành Ban tổ chức cho Thế vận hội Châu Á nhằm vực dậy tinh thần thể thao của quốc gia này. Thế vận hội sẽ được tổ chức tại Jakarta và phía Nam tỉnh Sumatra vào tháng 8/2018.

Tại Thế vận hội Đông Nam Á năm 2017, Indonesia chỉ giành được 38 huy chương vàng, xếp vị trí thứ 5/10 quốc gia – một vị trí khiêm tốn và trái với kỳ vọng của Tổng thống Joko Widodo. Vì vậy, kỳ vọng khi bổ nhiệm ông Thohir làm Trưởng ban Tổ chức Thế vận hội chính là để mở ra cánh cửa mới cho nền công nghiệp thể thao Indonesia.

Tung Tzu-hsien: “Cái đuôi mới” của Apple"

Cũng là một trong những đối tác của Apple nhưng công ty Pegatron của Tung Tzu-hsien lại chỉ là công ty chuyên nhận lắp ráp các mẫu Iphone đời thấp nên lợi nhuận sẽ không thể cao bằng các doanh nghiệp cung ứng khác cùng phần khúc. Tuy nhiên, trong năm 2018, Tung Tzu-hsien đã có bước tiến lớn đầy tham vọng khi muốn cung cấp các linh kiện cho các mẫu điện thoại của Iphone. Điều này sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn so với công đoạn lắp ráp đơn thuần.

Hiện nay, cũng giống như Foxconn, 50% doanh thu của Pegatron đế từ Apple. Vì vậy, để gia tăng sản lượng các đơn hàng từ Apple, Pegatron đã thành lập công ty con là Casetek chuyên sản xuất các sản phẩm vỏ kim loại cho các sản phẩm Ipad. Bằng việc cải tiến công nghệ, Casetek đã giành được đơn đặt hàng từ Apple. Chính điều này khiến một doanh nghiệp thuộc “phân khúc đối tác tầng dưới” - Pegatron đang được kỳ vọng có thể thu hẹp khoảng cách, thậm chí là vượt cả đối thủ cung ứng khác là Công ty Precision Hon Hai của Foxconn.

Wang Jianlin: Bứt phá từ nốt trầm

Wang Jianlin, CEO của Tập đoàn Wanda vốn đã được “nhớ mặt đặt tên” là một ông trùm ngành bất động sản. Năm 2017, Wang Jianlin đã tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiêng về “văn hoá” như bóng đá, phim ảnh, khu vui chơi giải trí khiến công chúng liên tưởng đến một Hollywood phiên bản Trung Quốc hay một Disney Châu Á. Tuy nhiên, ông Wang Jianlin đột ngột bán 13 dự án văn hóa, 77 khách sạn cho hai đối thủ Trung Quốc là Công ty Sunac China và Công ty R&F Properties với trị giá 9,3 tỷ USD.

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Có thể nói, những ảnh hưởng khách quan đã tạo nên một nốt “trầm” trong sự nghiệp của Wang Jianlin. Và cũng từ đó, nhiều người kỳ vọng rằng, trong năm 2018, ông trùm này sẽ đánh lên những nốt nhạc cao và sáng hơn trên bản nhạc mang tên “thị trường bất động sản Trung Quốc” đang có những tín hiệu tăng trưởng đầy lạc quan.

Dennis Uy: “Gương mặt nóng” của lĩnh vực M&A

Năm 2017 là năm đáng nhớ của Dennis Uy khi ông trở thành nhà tài phiệt có tiếng tăm nhất Philippines. Trong năm qua, Dennis Uy đã tiếp quản ít nhất 7 công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau trong khi vẫn duy trì được hoạt động vay và sáp nhập của các casino.

Ai cũng biết rằng, ông Uy là nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, ông trùm Phoenix Petroleum khẳng định không nhận được sự đối xử đặc biệt nào từ chính quyền của ông Duterte song cũng cho biết, ông cảm thấy tự tin hơn khi đầu tư cho ngài đương kim tổng thống Philippines.

Năm 2018 được cho là một năm với nhiều lộ trình tăng trưởng của công ty Phoenix Petroleum sau nhiều thương vụ sáp nhập. Với các thương vụ này, ông Uy sẽ khởi động lại một dự án mini – City mới ở Clark Free- port Zone, ngoại ô Thủ đô Manila. Ông Uy cũng không giấu giếm kỳ vọng biến khu vực này trở thành một trung tâm kinh doanh mới. Bên cạnh đó, ông cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào chuỗi của hàng tiện lợi mang tên FamilyMart Philippines mà ông đã mua lại hồi tháng 10/2017 từ Công ty Ayala Land.

Có thể bạn quan tâm